Những ngày gần đây, nhờ thông tin của báo chí nước ngoài mà nhiều người biết rằng, vị đại biểu Quốc hội được hàng trăm ngàn cử tri ở TP.HCM gửi gắm niềm tin và hy vọng có tên là Phạm Phú Quốc đã bỏ ra khoảng 57 tỷ đồng để “mua” quốc tịch nước ngoài. Đau và có phần hoang mang.
Đau là vì lòng tin đã bị phản bội. Hoang mang là liệu còn có bao nhiêu kẻ khác tương tự như thế?
Rồi những nghi ngờ nảy sinh, liệu những đồng tiền “mua” quốc tịch kia có sạch sẽ không? Liệu trong hàng chục năm đứng đầu nhiều doanh nghiệp Nhà nước to đùng kia có những khuất tất, bòn mót, đục khoét tài sản công không? Liệu có những thế lực đằng sau bảo kê cho ông ta không?...
Thật ra, những câu hỏi này chỉ được đặt ra với những công chức Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công để kinh doanh thôi, chứ còn với doanh nghiệp tư nhân, với những đồng tiền làm ăn hợp pháp thì việc họ có vài ba quốc tịch cũng chẳng mấy ai quan tâm.
Tôi có người bạn là doanh nhân có hai quốc tịch đã từ lâu nhưng vẫn ở Việt Nam, xây dựng nhà máy sản xuất các mặt hàng hóa mỹ phẩm. Đó là ông Trịnh Thành Nhơn, chủ của thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan thành danh một thời.
Tôi quen biết vợ chồng ông đến nay đã 30 năm. Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông là sự chân chất, giản dị như một nông dân chính hiệu của Nam Bộ. Dáng thấp đậm, chắc khỏe, giọng nói có tiếng vang như chuông, lại có cả tiếng rền như sấm. Nghe ông cười thì thôi rồi, váng cả mấy gian phòng. Nhìn vẻ bề ngoài, không mấy ai nghĩ ông là một doanh nhân lừng danh một thời, khi nền kinh tế trong nước còn đặc sánh tư duy bao cấp. Tên ông đã gắn liền với một thương hiệu nổi tiếng cả nước vào đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, đó là kem đánh răng Dạ Lan.
Từ lúc phải đi vay năm bảy cây vàng lấy vốn làm ăn cho đến khi có trong tay dăm bảy triệu “đô”, người ta không thấy ông thay đổi cách sống là mấy, vẫn chân chất, giản dị như xưa. Những ngày này có việc ra Hà Nội, ông vẫn ở tại một khách sạn bình dân trên phố Đường Thành, ăn phở trong một ngõ nhỏ gần đó và uống ly trà đá vài ngàn đồng. Nhưng mấy ai biết rằng, ông đã từng quyết “một nhát” tài trợ hơn 3 tỷ đồng cho chương trình Vui để học của Đài truyền hình TP.HCM, 45.000USD cho chương trình Duyên dáng Việt Nam của báo Thanh Niên, 250 triệu đồng mổ mắt miễn phí cho 500 người mù trong cả nước…
Chuyện ông có quốc tịch thứ hai cũng xảy ra như chuyện tất yếu.
Ngày mới bán toàn bộ cơ ngơi và thương hiệu Dạ Lan cho hãng Colgate với giá ngót chục triệu USD hồi năm 1996, hai ông bà đã có ý định như bao người khác là nghỉ ngơi, dành thời gian chăm con cái ăn học, khôn lớn. Vợ chồng ông sang Canada, tìm đến một vùng thôn quê yên ả nhưng phong cảnh đẹp vô ngần, mua một ngôi biệt thự và sống ở đó.
Bà vợ kể rằng không hiểu tại sao, hồi ở Việt Nam, suốt ngày lăn lộn với công việc, bụi bặm, độc hại, ăn uống thất thường mà chẳng thấy ông bệnh bao giờ. Nay sang đây, không khí trong lành, chỗ nào cũng sạch như lau, ăn uống đầy đủ mà hết bệnh này đến tật kia. Một hôm, ông bảo: “Thôi, mấy mẹ con ở lại, tôi về nước làm ăn đây”. Mấy mẹ con ôm nhau khóc mà không dám ngăn. Bà biết tính ông. Làm việc sáng tạo, làm việc quên mình, làm việc trong tình anh em bạn bè, đó là niềm đam mê, là nguồn hạnh phúc vô hạn của ông.
“Chồng như cái giỏ, vợ như cái hom” quả là đúng với hai ông bà. Một mình về nước, ông đầu tư sáng tạo ra một loại nước rửa chén có hương thơm rất đặc biệt và cho sản xuất hàng loạt. Mải sáng tạo ra sản phẩm, mở rộng thị trường, vốn liếng nằm thất tán khắp nơi không quản lý nổi.
Hôm về thăm, thấy cảnh làm ăn như vậy, bà vợ vừa giận lại vừa thương chồng. Bà quyết định đóng cửa ngôi biệt thự, từ bỏ cuộc sống sang trọng và thanh nhàn, một thân cùng hai đứa con nhỏ về nước giúp chồng xây dựng cơ nghiệp. Bà quán xuyến lại tài sản, thu hồi công nợ, tính ra lỗ mất 900 ngàn USD. Có vợ bên cạnh, giỏ đã có hom, hổ đã thêm cánh, ông quyết định đầu tư lớn hơn. Thế là Công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế ra đời và hoạt động cho đến ngày hôm nay…
Việc mang tiền từ nước ngoài về nước mình đầu tư như doanh nhân Trịnh Thành Nhơn không hề hiếm. Nhiều tập đoàn tư nhân nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay như Vingroup, Sun Group, Masan… đều được hình thành bởi những doanh nhân như vậy. Lòng yêu nước của họ được thể hiện bằng hành động, bằng “tiền tươi thóc thật”, bằng trí tuệ và lòng quả cảm, bằng những sản phẩm có đẳng cấp quốc tế, bằng tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động… Vậy nếu họ có 2 quốc tịch thì đâu có cần sự ồn ào?
Ông Trịnh Thành Nhơn nay là Chủ tịch HĐQT Công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế (ICC) với chiến lược đưa dòng sản phẩm kem đánh răng Dạ Lan trở lại thị trường. (Ảnh: sưu tầm)
Theo các chuyên gia phân tích, đối với những người như họ, việc có 2 quốc tịch rất có lợi.
Thứ nhất, đó là tính lưu động toàn cầu. Họ có thể đi du lịch trong những địa bàn rộng hơn mà không phải phiền toái về giấy tờ.
Thứ hai, họ có thêm nhiều cơ hội kinh doanh và ký kết các giao dịch kinh doanh. Bên cạnh đó, họ có thể tối ưu hóa lợi ích của mình đối với luật pháp của mỗi quốc gia trong lĩnh vực thuế.
Thứ ba là về an ninh, an toàn. Đây là nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Sở hữu hộ chiếu thứ hai từ một quốc gia ổn định khiến họ an tâm hơn. Trong trường hợp có bất kỳ sự bất ổn nào về xã hội, chính trị hoặc kinh tế tại quốc gia thứ nhất, họ vẫn có thể thực hiện một kế hoạch ở quốc gia thứ 2.
Tiếp nữa là chất lượng cuộc sống ở quốc gia lựa chọn thứ 2 thường tốt hơn quốc gia bản địa về nhiều mặt, về cả điều kiện thiên nhiên, y tế và giáo dục…
Mặc dù như vậy nhưng ông bạn tôi, doanh nhân Trịnh Thành Nhơn, và nhiều doanh nhân cực giàu có khác vẫn về sống ở Việt Nam và say sưa sáng tạo, phát triển những thương hiệu Việt, đóng góp cho sự phát triển của một Việt Nam hùng cường trong tương lai.
Còn với ông Phạm Phú Quốc, tôi cũng không dám chắc ông là một doanh nhân và có những tố chất của một doanh nhân thực thụ. Bởi ông vốn là công chức Nhà nước, hưởng lương theo quy định của Nhà nước, làm việc trong khuôn khổ các quy định của Nhà nước… Ông chỉ được làm những việc mà Nhà nước cho phép.
Chính vì thế, việc ông có 2 quốc tịch mới ồn ào như vậy!