Aa

Bất động sản 24h: Hai phân khúc bất động sản “âm thầm“ tăng giá ở Hà Nội

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Chủ Nhật, 30/04/2023 - 10:46

Quý I/2023, lượng giao dịch bất động sản thành công chỉ bằng 61,2% so cùng kỳ năm trước; Hai phân khúc bất động sản "âm thầm" tăng giá ở Hà Nội... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

"Giấy phép con" cho nhà chung cư sẽ làm khổ doanh nghiệp

Dự thảo mới nhất của Luật Nhà ở (sửa đổi) đã chính thức bỏ quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Tuy nhiên, dự thảo lại mọc ra thêm một thủ tục mới như “giấy phép con” khiến nhiều chủ đầu tư e ngại.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được cơ quan soạn thảo tích cực hoàn thiện và dự kiến trình Quốc hội xem xét, thảo luận vào kỳ họp tháng 5/2023. Đây là bộ luật có nhiều tác động đến thị trường bất động sản nói riêng cũng như đời sống xã hội nói chung nên nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Như Reatimes đã đưa tin trước đó, đầu tháng 4/2023 Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc tiếp thu giải trình ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo chuyên gia, việc nhân đôi thủ tục của dự án tại cùng một cơ quan quản lý nhà nước không phù hợp với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn. (Ảnh: Reatimes)
Theo chuyên gia, việc nhân đôi thủ tục của dự án tại cùng một cơ quan quản lý nhà nước không phù hợp với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn. (Ảnh: Reatimes)

Ở thời điểm đó, sau khi xem xét ý kiến của cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật đều đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã tiếp thu và đề xuất rút bỏ quy định này trong tờ trình gửi Chính phủ.

Đến ngày 14/4, tại tờ trình dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi tới Quốc hội, Chính phủ đã chính thức bỏ quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Đây vốn dĩ là vấn đề vẫn luôn nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều ngay từ lần đầu tiên được đưa vào dự thảo. Như vậy, qua nhiều lần lấy ý kiến và tiếp thu, Chính phủ đã chính thức bỏ quy định nhạy cảm này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hai phân khúc bất động sản "âm thầm" tăng giá ở Hà Nội

Thị trường văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê tại Hà Nội dù cũng chịu tác động của nền kinh tế chung, nhưng giá chào thuê vẫn không ngừng tăng trưởng.

Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, thị trường văn phòng cho thuê và bán lẻ là hai phân khúc bất động sản hiếm hoi vẫn giữ được đà tăng giá.

Điều đáng nói, diễn biến này được duy trì kể cả khi hai phân khúc vẫn phải đối diện với nhiều thách thức về tỷ lệ lấp đầy.

Tổng cục Thống kê vừa ghi nhận lần đầu tiên trong quý I của các năm, số doanh nghiệp đóng cửa nhiều hơn số doanh nghiệp mở mới và tái hoạt động. Các doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước đều sụt giảm, chi phí đầu vào tăng cao, còn việc tiếp cận với nguồn vốn vẫn chưa dễ dàng.

“Thị trường văn phòng cho thuê đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ bối cảnh kinh tế ảm đạm và các quy định mới về phòng cháy, chữa cháy. Nhìn chung, tâm lý khách thuê tương đối bi quan”, các chuyên gia phân tích của Cushman & Wakefield nhận định.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Tiền Giang nỗ lực là địa phương đi đầu, tăng trưởng đồng đều trên nhiều phương diện

Trong tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Tiền Giang ưu tiên phát triển doanh nghiệp theo định hướng công nghệ số, xã hội số. Đồng thời, tỉnh tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư công làm tiền đề phát triển.

Trong năm 2023, trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền, thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và các doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số một cách rộng rãi trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ cũng như thực thi công vụ.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang xây dựng và triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở các cấp, các ngành nhằm tạo sự lan tỏa phong trào chuyển đổi số trên diện rộng, hướng đến đạt hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.

Mặt khác, tỉnh Tiền Giang tập trung thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; có chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại địa phương; ưu tiên trên các lĩnh vực thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, tài chính,…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Doanh nghiệp xây dựng cần gì để “vượt bão”?

Bên cạnh việc tự thân vận động, những giải pháp hỗ trợ từ phía nhà quản lý được xem là vô cùng cần thiết để tiếp thêm sinh lực cho các doanh nghiệp xây dựng để vượt qua tình cảnh khó khăn hiện nay. 

Công nợ phải thu vốn dĩ là đặc thù của ngành xây dựng: nhà thầu ứng trước để thi công, chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng và thanh toán sau đó với độ trễ thường là vài tháng. Tuy nhiên, những năm gần đây, công nợ phải thu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp xây dựng, bởi tình trạng chậm trả trở nên phổ biến, thời gian chậm trả ngày càng kéo dài, xuất hiện ngày càng nhiều hơn việc trả nợ bằng hiện vật/tài sản hoặc tồi tệ hơn là… không trả được.

Những giải pháp hỗ trợ từ phía nhà quản lý được xem là vô cùng cần thiết để “giảm đau” cho thị trường, tiếp thêm sinh lực cho các doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Hải Thu)
Những giải pháp hỗ trợ từ phía nhà quản lý được xem là vô cùng cần thiết để “giảm đau” cho thị trường, tiếp thêm sinh lực cho các doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Hải Thu)

Mặc dù ở khía cạnh nào đó, có thể nói rằng tình trạng nêu trên có nguyên nhân khách quan, như: thị trường kém thanh khoản, tín dụng bị hạn chế và tình hình tài chính của chủ đầu tư nguy ngập, nhưng ở phương diện chủ quan, không thể phủ nhận rằng luật pháp hiện nay đang thiếu vắng một cơ chế đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest, các nhà thầu đã nhiều lần kêu cứu lên phía trên, mong muốn có cơ chế bảo vệ họ và được khuyên nên dùng Luật Dân sự để tranh tụng. "Tuy nhiên, Luật Dân sự là vô hiệu trong trường hợp này", ông Hiệp thở dài. 

Chia sẻ với PV Reatimes, Tổng giám đốc FECON, ông Nguyễn Văn Thanh, cho rằng đã tới lúc chính quyền cần xem xét thiết lập một cơ chế thu hồi công nợ cho doanh nghiệp xây dựng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hiệp gợi ý cần một cơ chế bảo lãnh thanh toán. Ông cho biết với những dự án ngoài ngân sách, bảo lãnh về thanh toán là không hề tồn tại. Điều này dẫn tới 90% công trình bị tắc nghẽn thanh toán ở 30% giá trị cuối cùng. “Trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay, điều này khiến nhà thầu… chết chắc”, ông Hiệp nói.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Quý I/2023, lượng giao dịch bất động sản thành công chỉ bằng 61,2% so cùng kỳ năm trước

Trong quý I/2023, cả nước có 39.133 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ; có 67.268 giao dịch đất nền có 67.268 thành công. Trong quý I/2023 lượng giao dịch bất động sản thành công chỉ đạt 65,06% so với quý IV/2022 và 61,2% so với quý I/2022.

Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2023.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022. Theo đó, số lượng dự án được cấp phép mới trong quý là 17 dự án so với 22 dự án của quý IV/2022 và 39 dự án của quý I/2022.

Bên cạnh đó, số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 52 dự án so với 59 dự án của quý IV/2022 và 56 dự án của quý I/2022; số lượng dự án hoàn thành trong quý là 14 dự án so với 28 dự án của quý IV/2022 và 22 dự án của quý I/2022.

Mặc dù thị trường có nhiều biến động nhưng căn hộ chung cư vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhóm đối tượng có nhu cầu ở thực và các nhà đầu tư trung và dài hạn. Trên thị trường bất động sản, số lượng dự án căn hộ chung cư mở bán mới trong quý I/2023 không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ phân khúc trung, cao cấp và tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top