Aa

Tiền Giang nỗ lực là địa phương đi đầu, tăng trưởng đồng đều trên nhiều phương diện

Khánh Hòa
Khánh Hòa khanhhoa.13590@gmail.com
Thứ Bảy, 29/04/2023 - 06:50

Trong tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Tiền Giang ưu tiên phát triển doanh nghiệp theo định hướng công nghệ số, xã hội số. Đồng thời, tỉnh tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư công làm tiền đề phát triển.

Quyết liệt thúc đẩy chuyển đổi số

Trong năm 2023, trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền, thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và các doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số một cách rộng rãi trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ cũng như thực thi công vụ.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang xây dựng và triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở các cấp, các ngành nhằm tạo sự lan tỏa phong trào chuyển đổi số trên diện rộng, hướng đến đạt hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.

Mặt khác, tỉnh Tiền Giang tập trung thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; có chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại địa phương; ưu tiên trên các lĩnh vực thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, tài chính,…

Đồng thời, tỉnh chú trọng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển kinh tế số - ICT; thông qua hỗ trợ Tập đoàn VNPT hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư Khu Công viên phần mềm Mekong ICT tại thành phố Mỹ Tho. Đặc biệt là hỗ trợ xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp thứ cấp vào Khu Công viên phần mềm, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số sản xuất, cung ứng các sản phẩm số, các dịch vụ số lan tỏa chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chính quyền và Nhân dân.

Thời gian qua, cụ thể hóa mục tiêu phát triển nền kinh tế số, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Postmart, Voso, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tiền Giang (TienGiang Trade); tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Địa phương cũng quan tâm tuyên truyền giới thiệu doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số (SMEDx) và tổ chức lớp tập huấn Chuyển đổi số và kỹ năng số cho hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số.

Đồng thời, triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây. Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán và thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ. Từ đó, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn Tiền Giang.

Tiền Giang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân đầu tư công và ưu tiên phát triển công nghệ số
Tiền Giang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân đầu tư công và ưu tiên phát triển công nghệ số. Ảnh: Báo Chính Phủ

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 51 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin, trong đó có 44 doanh nghiệp, chiếm 86,27% số doanh nghiệp triển khai nền tảng số.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa được giới thiệu tiếp cận, sử dụng các sản phẩm công nghệ số nhằm thuận tiện tham gia chuyển đổi số qua nền tảng SMEDx của quốc gia. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 84,50%; có 238.597 hộ sản xuất nông nghiệp cung cấp sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như voso.vn và postmart.vn với 1.521 sản phẩm và 12.947 lượt giao dịch hàng năm; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số ước đạt 40% dưới các hình thức như: Thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin, quảng bá hình ảnh thương hiệu, ứng dụng họp trực tuyến...

Trong năm qua, ước tính giá trị tăng thêm của kinh tế số trên 8.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,59% GRDP của tỉnh. Kinh tế số đang phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế Tiền Giang.

Địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế, hạ tầng

Tiền Giang hiện là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế địa phương, đạt được hiệu quả vượt bậc trên nhiều phương diện, là tỉnh có sự tăng trưởng vượt trội trên toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tính trong năm 2022, Tiền Giang ghi nhận sự phát triển vượt bậc, ghi nhận có 20/22 chỉ tiêu đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 7,02%; GRDP bình quân đầu người đạt 63,2 triệu đồng, vượt 2,76 triệu đồng, đạt 104,7% kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu 3,85 tỷ USD, đạt 114,9% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 41,84 ngàn tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10.665 tỷ đồng, đạt 120,8% kế hoạch…

Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng hướng. Ngành nông nghiệp chuyển dần theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Trên lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đã đẩy nhanh phát triển các khu, cụm công nghiệp. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được trung ương và tỉnh tập trung đầu tư.

Trên tinh thần giữ nhịp độ tăng trưởng và tiếp tục công tác đầu tư, nâng cấp hạ tầng làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ những ngày đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang đã tắc tốc khởi công, khánh thành và đưa vào sử dụng hàng loạt công trình, nhiều dự án mang tính trọng điểm được thúc đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành vào cuối năm nay.

Trong định hướng phát triển và tầm nhìn đến năm 2030, Tiền Giang cũng ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công và hoàn thiện giải phóng mặt bằng để làm tiền đề tăng tốc. Ngay trong quý 1/2023, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công của tỉnh Tiền Giang ghi nhận đứng đầu cả nước, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 31,1% kế hoạch, cao nhất cả nước.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang đã đồng loạt triển khai nhiều công trình đầu tư trọng điểm như: Dự án cầu Vàm Giồng trên đường tỉnh 864 chạy dọc sông Tiền, Dự án 6 cống ngăn mặn ven sông Tiền, Dự án đầu tư xây mới Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm soát bệnh tật (CDC), Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Tiền trên cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy)…

Tiến Giang đẩy nhanh tiến độ thị công nhiều công trình trọng điểm
Tiến Giang đẩy nhanh tiến độ thị công nhiều công trình trọng điểm. Ảnh: Báo Ấp Bắc

Ngoài ra, Tiền Giang cũng đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào sử dụng các công trình đã đầu tư trước đó như: cầu Vàm Cái Thia, cầu bắc qua sông Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè), bệnh viên 1.000 giường (TP. Mỹ Tho)..., qua đó tạo bước ngoặc lớn về phát triển hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, để giải ngân nhanh vốn đầu tư công, tỉnh Tiền Giang đã chú trọng giao vốn sớm cho các chủ đầu tư, nhà thầu từ cuối năm 2022, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các dự án, công trình đã khởi công. Đối với các nhà thầu khi ký hợp đồng với chủ đầu tư thì triển khai thực hiện ngay, khắc phục mọi khó khăn đẩy nhanh tiến độ thi công./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top