Hàng ngàn dự án có đất công xen kẹt được cứu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó bổ sung quy định giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý. Theo đó, các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý ưu tiên sử dụng vào mục đích công cộng. Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng thì thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HOREA) nhận định đây là tin vui lớn cho hàng ngàn dự án trong cả nước đang vướng mắc vì có các diện tích đất nhỏ xen kẹt là đất do nhà nước quản lý.
"HoREA nhiệt liệt hoan nghênh Nghị định 148/2020/NĐ-CP khi nó sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc về pháp lý bấy lâu nay. Đặc biệt là có cơ chế hợp lý để giải quyết các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án đầu tư, dự án bất động sản, giúp khai thông bế tắc cho hàng ngàn dự án nhà ở trong cả nước, vừa đảm bảo không làm thất thoát tài sản công (đất đai), vừa tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, cũng vừa làm căn cứ pháp lý để cán bộ công chức yên tâm trong thực thi công vụ", ông Lê Hoàng Châu chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhu cầu nhà ở tiếp tục tăng trong thập kỷ tới
Thập kỷ qua chứng kiến tốc độ đô thị hoá cực nhanh tại các thành phố lớn của Việt Nam, kéo theo đó là nhu cầu nhà ở tăng rất mạnh. Dự báo trong thập kỷ tới, nhu cầu về nhà ở vẫn còn tăng cao.
Bộ Xây dựng cho biết, tỷ lệ dân số đô thị hiện vào khoảng 40% và sẽ tăng lên 45% vào năm 2030, do đó đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu mét vuông nhà ở đô thị. Nhu cầu mới về nhà ở sẽ tiếp tục tập trung ở một vài thành phố lớn và các khu công nghiệp.
Phía Nam là TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu. Phía Bắc chủ yếu tập trung ở khu vực Hà Nội và một số thành phố vệ tinh như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.
Hai thành phố có sức hút dân số cao, đòi hỏi gia tăng nhanh diện tích nhà ở đô thị là TP.HCM và Hà Nội sẽ chiếm trên 50% diện tích đất đô thị của cả nước và 75% tăng trưởng không gian đô thị với khoảng 2/3 lượng nhu cầu nhà ở hàng năm.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Nguyên nhân là do tốc độ tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa phát triển; tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự gia tăng mức thu nhập của người dân làm tăng khả năng chi trả nói chung và tăng mức độ sẵn sàng chi trả cho nhu cầu về nhà ở nói riêng. Bên cạnh đó, nhu cầu cải tạo, thay thế do sự xuống cấp về chất lượng của nhà ở cũng sẽ tăng lên.
Xem thông tin chi tiết tại đây
TS. KTS Trương Văn Quảng: "Cần giải pháp mạnh mới “trị” được dự án sai phạm"
Các dự án “treo” đã và đang xuất hiện nhan nhản ở hầu hết các đô thị đang trong quá trình phát triển, trở thành một “vấn nạn” khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí, làm nham nhở bộ mặt đô thị và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân sống trong vùng quy hoạch cũng như sự phát triển bền vững của thành phố.
Hậu quả thì đã rõ, nhưng câu chuyện xử lý các dự án bỏ hoang, chậm tiến độ, gây bức xúc trong dân vẫn đang là vấn đề nan giải nhiều năm nay khi số liệu về những dự án này trong báo cáo của cơ quan chức năng qua các năm không mấy thuyên giảm. Chỉ riêng TP. Hà Nội hiện vẫn còn hơn 300 dự án chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai đang chờ xử lý.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh quỹ đất phát triển đô thị ngày càng hạn hẹp, việc có những động thái quyết liệt trong rà soát, xem xét và đưa ra hướng xử lý phù hợp, đẩy nhanh tiến độ các dự án được đánh giá là giải pháp cứu cánh cho tương lai của đô thị. Bởi thêm một ngày đất đai bị bỏ hoang là thêm một ngày nguồn lực phát triển bị “giam lỏng”, đằng sau đó còn rất nhiều hệ lụy khác mà càng để lâu, càng khó tháo gỡ.
Đơn cử như, dự án KĐT Mỹ Hưng - Cienco 5, vốn được giao đất từ năm 2008, tuy nhiên, do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính và nhiều vấn đề liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần, thoái vốn Nhà nước nên đến nay vẫn chưa được triển khai. Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã sửa đổi tên chủ sở hữu trong quyết định giao đất của dự án này sau hàng loạt đề nghị của cơ quan điều tra, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Tổng cục Đất đai… Đây được cho là dấu mốc tái khởi động lại một dự án đã “chết lâm sàng” cả thập kỷ qua, đưa quỹ đất “khổng lồ” 182ha vào sử dụng đúng mục đích.
Để bàn luận rõ hơn về câu chuyện xử lý các dự án “treo”, chậm tiến độ, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu không để xảy ra "bong bóng bất động sản"
Tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Xây dựng, ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở và ngành xây dựng năm 2020.
Theo đó, về công tác phát triển nhà ở, năm 2020, Hà Nội đã hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 550.281m2 sàn tương ứng 5.348 căn hộ; hoàn thành 89 dự án nhà ở thương mại, tương ứng hơn 6,5 triệu m2 sàn, 53.644 căn hộ; hoàn thành 5 dự án nhà tái định cư tương ứng 1.723 căn hộ.
Đồng thời, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND Hà Nội bố trí và gia hạn quỹ nhà tái định cư là 2.876 căn hộ, số căn hộ đã thu hồi là 2.474 căn; ban hành quyết định chủ trương đầu tư 7 dự án nhà ở xã hội.
Đến tháng 12/2020, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26,8 m2/người, vượt mục tiêu 26,3 m2/người (đến năm 2020).
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố đã đạt kết quả tốt và hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thêm một cơ quan được quyền cấp, cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ
Từ ngày 8/2/2021, thêm 1 cơ quan nữa được quyền cấp, cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) được Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (hiện nay, tại Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ quy định Văn phòng đăng ký đất đai);
Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh sẽ tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện: Tiếp nhận hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Các thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) sẽ được 2 đơn vị này thực hiện.