Khách du lịch nội địa đang "cứu nguy" cho BĐS nghỉ dưỡng
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Bộ phận Khách sạn Savills Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, các khách sạn phụ thuộc vào khách du lịch nước ngoài đang gặp khó khăn, điều đáng mừng là doanh thu dịch vụ ăn uống đã phục hồi trở lại. Khách nội địa đang mang lại lợi ích lớn đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Dự báo của các chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường BĐS nghỉ dưỡng có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc vào lượng khách du lịch trong nước cho đến khi đường bay quốc tế phục hồi.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Bộ phận Khách sạn Savills Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, so với thời điểm trước khi dịch bùng phát, hiện tỉ lệ phòng trống của toàn thị trường nghỉ dưỡng dao động quanh mức 30%. Dự báo phân khúc khách sạn có thể tiếp tục gặp khó khăn trong giai đoạn tới.
Dự báo, sau thời điểm này, có khoảng hơn 4.000 phòng từ các dự án tương lai và sự trở lại của các khách sạn đóng cửa tạm thời sẽ gây áp lực nguồn cung lớn trong 6 tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên, mô hình "bong bóng du lịch" đang được cân nhắc. Theo Savills, hai hoặc nhiều quốc gia đã kiểm soát thành công Covid-19 sẽ hình thành hành lang du lịch và thị trường Châu Á dự kiến sẽ trở thành thị trường chính.
Đà Nẵng: Phát triển khu phố đêm xứng tầm với đô thị lớn về du lịch
Trải qua những tháng ngày "đóng băng" bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã nhanh chóng lấy lại phong độ trong cuộc đua tăng trưởng, khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp không khói tại Việt Nam. Theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 1,9 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 667.000 lượt.
Trước đó, theo thống kê, đến hết năm 2019, Đà Nẵng giữ tốc độ tăng trưởng nguồn khách, nhất là khách quốc tế với mức tăng trưởng cao nhất Việt Nam, cũng như giữ kỷ lục về thời gian liên tục tăng trưởng số lượng khách suốt hơn 20 năm.
Đặc biệt, ngành du lịch Đà Nẵng đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ về chất. Cụ thể, số lượng các đơn vị cung ứng ra đời ngày càng nhiều trên tất cả các lĩnh vực từ cơ sở lưu trú, công ty lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên, khu điểm du lịch, nhà hàng, số lượng xe du lịch,... Chất lượng dịch vụ du lịch của Đà Nẵng ngày càng nâng cao với sự xuất hiện của cơ sở lưu trú tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao, nhà hàng và đội xe cao cấp. Hệ thống đường bay liên tục được xúc tiến mở rộng, đặc biệt là với các thị trường trọng điểm và thị trường nguồn như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Doha.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để kinh tế đêm trở trành động lực thúc đẩy du lịch Đà Nẵng, mô hình này cần cơ chế rộng mở từ phía cơ quan chức năng. Có như vậy, doanh nghiệp tư nhân mới xây dựng được chiến lược phát triển bài bản và chuyên nghiệp.
Những tháng cuối năm khó nhằn của doanh nghiệp địa ốc
Một kịch bản khó được dự báo là tươi sáng khi các doanh nghiệp địa ốc phải thận trọng đặt ra mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn cho năm 2020.
Bước qua nửa đầu năm 2020, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp địa ốc phần nào cũng thở phào nhẹ nhõm. Bởi chí ít, so với các nước trên thế giới, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và quay trở lại quỹ đạo phát triển kinh tế. Thị trường bất động sản trên cơ sở đó phục hồi dần dần.
Dù hiện tại, doanh nghiệp địa ốc đang xoay mình tìm nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu nhưng tương lai phía trước cũng khó khả quan. Bởi mới đây, Bộ Tài chính đã phải “tuýt còi”, cảnh báo nhà đầu tư khi doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu với lãi suất cao, từ 11-15%. Mặt khác, việc mua trọn lại khối lượng khổng lồ trái phiếu bất động sản từ hệ thống nhà băng đang cảnh báo nguy cơ: nếu kinh tế cứ khó khăn, doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì tất yếu một hệ thống có thể đổ vỡ.
Trong khi đó, nguồn vốn từ chứng khoán lại chẳng dễ dàng vì nội tại của kênh đầu tư này còn đang chao đảo bởi dịch bệnh.
Chung cư hạng sang - Định nghĩa thế nào cho chuẩn?
Bất chấp những biến động của thị trường và những lo ngại về khủng hoảng cung - cầu, bất động sản hạng sang vẫn như một món đặc sản mà khách hàng nào cũng ao ước được sở hữu. Chính vì vậy, những căn hộ hạng sang luôn đắt khách và không bao giờ lo... ế vì “đắt xắt ra miếng”.
Nhiều chuyên gia nhận định, số người sở hữu tiềm lực tài chính mạnh mẽ tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng nhiều sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phân khúc hạng sang phát triển. Căn hộ cao cấp, hạng sang là sự tích hợp tất cả trong một những tiện ích đạt tiêu chuẩn 5 sao, kết nối mọi không gian sống và đem đến cho cư dân một thiên đường sống ngay tại nhà.
Bên cạnh đó, hoạt động cho thuê căn hộ dành cho khách nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam những năm trở lại đây vô cùng sôi động. Kênh đầu tư căn hộ dùng để cho thuê ngắn ngày cũng dễ dàng đem lại lợi nhuận cao và bền vững nếu nhà đầu tư biết chọn đúng vị trí, nắm bắt đúng tâm lý của khách hàng tiềm năng.
Chung cư ở phân khúc hạng sang luôn được săn đón với tỷ lệ hấp thụ cao. Tuy nhiên, việc định vị hạng sang đúng nghĩa vẫn gây ra nhiều tranh cãi.
Có rất nhiều ý kiến cho rằng, căn hộ hạng sang phải nằm trong tổ hợp hoành tráng, có nội thất xa xỉ. Ý kiến khác thì lấy giá bán làm tiêu chí, giá càng cao thì càng sang. Cũng có người khẳng định, căn hộ hạng sang thì diện tích phải lớn, đủ để làm tiện ích xa xỉ như phòng chiếu phim, bể bơi riêng trong nhà hoặc vườn trên cao, đặc biệt là phải đảm bảo đủ chỗ đậu xe ô tô cho cư dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khách hàng mua nhà tỏ ra băn khoăn khi chưa thể lựa chọn, phân biệt được giữa chung cư hạng sang với các loại hình căn hộ khác, vì chúng hầu như có những nét tương đồng giống nhau, cần có tiêu chuẩn xác định cụ thể.
Tăng sức "đề kháng" cho hệ thống đô thị
Theo Jane Jacobs, người Mỹ gốc Canada, nhà hoạt động xã hội, nhà đô thị học, nhà tư tưởng của thế kỷ XX, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Cái chết và cuộc sống của những thành phố lớn tại Mỹ” (Death and life of Great American Cities), thì đến năm 2030, hai phần ba dân số thế giới sẽ cư trú ở đô thị, và thế giới khi đó sẽ có 41 siêu đô thị có dân số cư trú từ 10 triệu người trở lên.
Sự xuất hiện càng nhiều những thành phố lớn tập trung đông dân cư, cũng có nghĩa mật độ tập trung những cư dân ưu tú có trình độ cao, kỹ năng cao - nguồn nhân lực cho sự phát triển sẽ nhiều hơn.
Thế nhưng, Jane Jacobs cũng chỉ rõ, siêu đô thị đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như sự phân hóa giàu nghèo, sự mất dân chủ trong hưởng thụ tiện ích xã hội, sự đối phó thụ động khi xảy ra những biến cố lớn bởi biến đổi khí hậu và đại dịch.
Đúng như thế. Nếu như năm 2003 dịch cúm SARS tàn phá Hongkong (Trung Quốc), trung tâm tài chính kinh tế hàng đầu châu Á, thì đại dịch Covid-19 hiện nay, đã làm tê liệt những siêu đô thị như New York, thành phố phồn vinh nhất nước Mỹ, Vũ Hán (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Paris (Pháp), London (Anh), Milan (Italy)... và ngay cả Singapore, đất nước của nền kinh tế toàn cầu, của môi trường xanh, kiến trúc xanh cũng không tránh khỏi hệ lụy…
Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời kỳ của công nghệ số, của trí tuệ nhân tạo, của đô thị thông minh, nhưng chúng ta cũng phải đương đầu với những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu và các đại dịch đã và sẽ xảy ra trên phạm vi toàn cầu.
Để có thể tăng sức đề kháng cho hệ thống đô thị, đã đến lúc phải chú trọng nâng cao chất lượng đô thị, thay vì bằng mọi cách (kể cả vay mượn các chỉ tiêu) để nâng cấp, mở rộng diện tích và quy mô đô thị.
Các đô thị nhỏ, phi tập trung, mật độ dân cư thấp cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng văn minh, hiện đại và có bản sắc, được kết nối với nhau bởi hệ thống giao thông từ Bắc đến Nam, sẽ là động lực phát triển kinh tế bền vững của địa phương, của vùng, của cả nước.
Và đó cũng sẽ là nơi đáng sống, là nơi cư trú an toàn cho cư dân và cộng đồng khi xảy ra các đại dịch.