Aa

Bất động sản 24h: Loạt tài sản bất động sản được ngân hàng rao bán, xử lý nợ

Thứ Ba, 07/04/2020 - 11:00

Loạt tài sản bất động sản được ngân hàng rao bán, xử lý nợ; Nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp vẫn tăng trong mùa dịch; VNREA kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo việc cho phép hồi tố... là tin tức được quan tâm 24h qua.

Loạt tài sản bất động sản được ngân hàng rao bán, xử lý nợ

BIDV, VietinBank, Sacombank rao bán nhiều dự án, tài sản bất động sản như Kenton Node, The Era Town, tài sản gắn liền với đất ở Bình Dương, Hưng Yên...

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa rao bán khoản nợ 4.063 tỷ đồng đối với chủ đầu tư Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên. Tài sản rao bán là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP HCM); quyền tài sản của mỏ đá thuộc huyện Quốc Oai (Hà Nội). Trong đó, dự án Kenton Node có tên cũ là Kenton Residences, diện tích hơn 10 ha với 9 tòa nhà, gần 1.700 căn hộ. Theo quy hoạch, tổ hợp này gồm căn hộ ở, căn hộ lưu trú, khách sạn, trung tâm mua sắm, trung tâm dịch vụ ăn uống giải trí, nhà hát biểu diễn và trường học, phòng khám quốc tế.

Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2009 tuy nhiên bị dừng thi công vào năm 2011 do khó khăn về tài chính và bán hàng. Đến năm 2017, dự án được tái khởi động với tên mới Kenton Node, huy động được vốn tín dụng. Tuy nhiên, dự án bị ngừng thi công lần 2 vào năm 2018. Triển khai được 11 năm nhưng đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành một số hạng mục nhỏ, còn lại phần lớn đều dở dang, hoen gỉ sắt thép, xuống cấp.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đầu năm nay cũng rao bán khoản nợ gần 165 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và nhà xưởng trên diện tích 1 ha tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, ngân hàng này còn thông báo đấu giá tài sản gồm 2 quyền sử dụng lô đất tổng diện tích 240 m2 tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc với giá khởi điểm gần 10,5 tỷ đồng; gần 310 m2 đất ở Hưng Yên kèm tài sản trên đất với giá gần 340 tỷ đồng.

Xem chi tiết tại đây

Nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp vẫn tăng trong mùa dịch

Báo cáo thị trường bất động sản quý 1-2020 của JLL cho thấy, nhu cầu thuê đất trong quý vừa qua vẫn ở mức cao nhờ vào nền tảng phát triển công nghiệp tốt của Việt Nam được đề cập từ những quý trước.

Từ tháng 2/2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, việc hạn chế di chuyển giữa các khu vực đã khiến các giao dịch bị đình trệ do các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, không thể trực tiếp xem và làm việc với chủ đầu tư KCN.

Các giao dịch thành công trong quý chủ yếu đã được thực hiện trước dịch. Tỷ lệ lấp đầy toàn khu vực tăng ở mức tương đối, đạt 72% tính đến cuối quý 1-2020.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, khi họ đã quá phụ thuộc vào một quốc gia.

“Dịch Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất - vốn đã được đẩy nhanh vì căng thẳng thương mại vào năm ngoái – diễn ra nhanh hơn”, JLL nhận định.

Xem chi tiết tại đây

Sửa đổi Nghị định 20: VNREA kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo việc cho phép hồi tố

Ngày 6/4, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp chịu thiệt hại từ khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Tại kiến nghị số 24/2020/VNREA.VP, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, thời gian qua, VNREA đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành về việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi vay theo khoản 3, Điều 8, Nghị định 20. Đặc biệt, gần đây nhất (ngày 16/3/2020), Hiệp hội đã có văn bản số 21/2020/VNREA.VP gửi Thủ tướng, về việc kiến nghị quy định hiệu lực hồi tố đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, VNREA tin tưởng rằng, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo quyết liệt, luôn thể hiện tinh thần của Chính phủ hành động, kiến tạo, chủ động.

"Chắc chắn việc quy định hiệu lực “hồi tố” sẽ đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp và tối ưu hoá lợi ích của mô hình công ty mẹ - con theo Luật Doanh nghiệp", kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định./.

Xem chi tiết tại đây

Dịch Covid-19 được kiểm soát: Bất động sản sẽ “bật” mạnh mẽ

Hàng loạt các tín hiệu xấu đã ập đến với thị trường bất động sản ngay từ những ngày đầu của năm 2020 như khan hiếm nguồn cung, siết tín dụng và thêm dịch Covid-19... khiến nhiều phân khúc vào trạng thái “đóng băng”. Tuy nhiên giữa khoảng lặng này, giới chuyên gia nhận định thị trường bất động sản sẽ bước vào giai đoạn thanh lọc để phục hồi mạnh hơn trong tương lai.

Về dòng vốn tín dụng, được biết đa số doanh nghiệp bất động sản Việt Nam hiện nay chủ yếu ở dạng vừa và nhỏ và kinh doanh dựa trên vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Để tránh tình trạng đổ vỡ, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp gặp khó.

Trước bối cảnh này, một số doanh nghiệp bất động sản cũng đã chủ động xoay sở tìm kiếm nguồn vốn thay thế tín dụng như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác M&A (sáp nhập, mua lại), thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt, vốn FDI đang là một trong những điểm sáng nhất và dự kiến năm 2020 vốn FDI còn đổ về nhiều hơn trong lĩnh vực này.

Những doanh nghiệp trước đây chủ yếu hoạt động dựa trên đòn bẩy tài chính hay có những hướng đi chưa vững chắc thì đây là cơ hội để thanh lọc lại thị trường, giữ lại những đơn vị thực sự có tiềm lực, có tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển bền vững để mang lại giá trị thiết thực cho thị trường

Giới phân tích cũng cho hay, trong các kênh đầu tư, dù sao thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và đầy sức hấp dẫn không ai có thể phủ nhận được. Bởi lịch sử thị trường suốt nhiều thập niên qua đã chứng minh, cứ sau mỗi lần khủng hoảng, những nhà đầu tư thông minh đều biết nắm bắt cơ hội để kiếm được nhiều tiền hơn.

Xem chi tiết tại đây 

Khan hiếm nguồn cung, giá thuê văn phòng Hà Nội tăng nhẹ

Do nguồn cung giới hạn, nhiều toà nhà văn phòng tại Hà Nội đã điều chỉnh giá tăng nhẹ trong quý 1-2020. Giá thuê văn phòng hạng A&B tăng 5,8% so với cùng kỳ 2019.

Ở phân khúc hạng A, Hoàn Kiếm vẫn là quận cung cấp nguồn cung lớn nhất. Tuy nhiên, quận Ba Đình, với sự gia nhập thị trường của tòa nhà Capital Place vào nửa sau 2020, sẽ sớm vươn lên bắt kịp quận Hoàn Kiếm về tổng nguồn cung tính theo khu vực.

Theo JLL, lượng khách giảm đã tác động trực tiếp lên hoạt động bán lẻ, khiến một số khách thuê phải trả mặt bằng. Phần lớn các gian hàng hoạt động cầm chừng hoặc tạm đóng cửa do yêu cầu từ chính quyền. Những loại hình ít chịu ảnh hưởng từ đại dịch là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, do đây là mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết.

Tuy vậy, thị trường vẫn ghi nhận một số điểm sáng, nổi bật nhất là TTTM Vincom Phạm Ngọc Thạch với sự khai trương của nhiều cửa hàng sau thời gian nâng cấp. Giá thuê ổn định nhưng chính sách hỗ trợ khách thuê mùa dịch được áp dụng.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top