Aa

Bất động sản 24h: Môi giới bất động sản cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn?

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Chủ Nhật, 02/07/2023 - 08:52

Quỹ đất khu công nghiệp nghìn ha ven Hà Nội chờ "đại bàng"... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2023: Nín thở chờ thời cơ

Các chuyên gia cho rằng, với tình hình hiện tại bước sang quý III/2023 thị trường bất động sản (BĐS) sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng rút lui của các doanh nghiệp (DN), thị trường vẫn trong tình trạng “nín thở nằm chờ”; khả quan nhất là phải bước sang quý IV mới bắt đầu tiến trình hồi phục.

Tiếp tục làn sóng thoái lui khỏi thị trường trước cơn khủng hoảng kéo dài, số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) trong 5 tháng đầu năm 2023 số lượng DN BĐS thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi số DN giải thể lại tăng 30,4%.

Riêng trong năm 2022, nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường chỉ bằng 20% so với năm 2018 (thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19) và từ đầu năm đến nay nguồn cung tiếp tục giảm sút mạnh, chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2023 sẽ phục hồi tích cực. Ảnh: Doãn Thành
Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2023 sẽ phục hồi tích cực. (Ảnh: Doãn Thành)

Số liệu khác từ Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra rằng, nguồn cung giảm sút kéo theo mất doanh thu của cộng đồng DN BĐS. Cụ thể, đến thời điểm này 90% DN được VARS khảo sát đều ghi nhận giảm doanh thu.

Trong đó, DN quy mô dưới 100 nhân viên giảm từ 20 - 50%, DN quy mô trên 100 nhân viên giảm 70 - 80%. Đáng chú ý, hơn 40% DN kinh doanh dịch vụ BĐS trong khảo sát buộc phải giảm lương nhân sự từ 10 - 20%.

Với việc doanh thu giảm mạnh đã dẫn tới làn sóng cắt giảm nhân sự tiếp tục gia tăng: Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cắt giảm thêm 1.384 người so với đầu năm; Đất Xanh Services (DXS) giảm 1.245 người...

Thậm chí, nhiều DN quy mô dưới 50 người còn cắt giảm tới trên 90% hoặc chuyển sang chế độ không lương - cộng tác viên do không còn nguồn lực cầm cự... Trong khi đó, năm 2022 hầu hết các DN này cũng đã phải cắt giảm từ 40 - 50% nhân sự.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản cuối năm: Vẫn chờ "thẩm thấu chính sách"

Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM nhận xét thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều động thái và chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản nhưng "mức độ thẩm thấu" còn hạn chế.

Trong nửa đầu năm 2023, Chính phủ đã có nhiều quyết sách quan trọng đối với thị trường bất động sản, nhiều nút thắt đang chờ được tháo gỡ. Tuy nhiên, đã kết thúc quý 2 nhưng thị trường bất động sản vẫn còn quá nhiều khó khăn, giao dịch rất ít, doanh nghiệp không tìm được dòng vốn, hàng trăm dự án “bất động” vì vướng thủ tục pháp lý.

Các chuyên gia cho rằng thị trường chỉ tốt lên về mặt thông tin còn động lực trên thực tế vẫn yếu ớt và phải chờ "thẩm thấu" chính sách.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, gói hỗ trợ nhằm cải thiện tình trạng suy yếu của thị trường bất động sản. Điển hình là Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chính sách này đồng thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường trong cả ba nhóm vấn đề về pháp lý, nguồn vốn và nhà ở xã hội.

Một trong những quyết sách quan trọng của Chính phủ đối với thị trường bất động sản là Nghị định 08/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế) giúp tháo gỡ khó khăn về trái phiếu cho doanh nghiệp.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Quỹ đất khu công nghiệp nghìn ha ven Hà Nội chờ "đại bàng"

Việt Nam đang trở thành cứ điểm cho các “đại bàng” đổ bộ. Bất động sản công nghiệp được đánh giá có nhiều dư địa và cơ hội phát triển.

Trong số danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030 của Hải Phòng có 16 dự án phát triển khu công nghiệp (KCN) và 22 cụm công nghiệp.

Trong đó, huyện Tiên Lãng có 3 dự án KCN sử dụng diện tích đất lớn nhất. Đó là, KCN Tiên Lãng 2 quy mô 500 - 550ha, KCN sân bay Tiên Lãng có quy mô khoảng 450 - 550ha và dự án KCN Tiên Lãng 1 quy mô 407ha. 

Tại huyện Vĩnh Bảo có 3 dự án KCN gồm KCN Vinh Quang (340 - 350ha), KCN An Hoà (200ha), KCN Giang Biên II (350ha).

Bất động sản công nghiệp được đánh giá có nhiều dư địa và cơ hội phát triển.
Bất động sản công nghiệp được đánh giá có nhiều dư địa và cơ hội phát triển. (Ảnh: KTVN)

Huyện Cát Hải có KCN phía Bắc đảo Cát Hải, quy mô 180 - 200ha và quận Hải An có KCN Nam Tràng Cát với diện tích 202ha.

Huyện Thuỷ Nguyên có KCN Thuỷ Nguyên 310 - 320ha, KCN Tam Hưng - Ngũ Lão diện tích 150 - 170ha.

Tại huyện An Dương có KCN Nomura 2 diện tích 240 - 245ha, KCN An Hưng - Đại Bản diện tích 250 - 255ha.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Môi giới bất động sản cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn?

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển nghề nghiệp một cách bền vững, các môi giới bất động sản phải không ngừng nâng cao nội lực, năng lực của cá nhân để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo bản tin tuần đầu tháng 5 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), ước lượng số người môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đặc biệt, những khó khăn trên thị trường bất động sản thể hiện rõ trên kết quả kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp hoạt động môi giới đều báo lỗ trong quý I/2023, ghi nhận giai đoạn kém nhất kể từ năm 2017 tới nay.

Điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp kinh doanh môi giới chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên nhiều nhất từ trước tới giờ với hàng ngàn nhân sự, trong đó nhiều nhất thuộc bộ phận kinh doanh.

Các doanh nghiệp môi giới hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3 - 6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên…

Tình trạng sa thải nhân sự không chỉ riêng với các doanh nghiệp đầu ngành mà thậm chí với các doanh nghiệp nhỏ khác còn mạnh mẽ hơn. Thực tế cho thấy một số doanh nghiệp quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực cầm cự.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Mê Linh sẽ lên quận và là một phần thành phố vệ tinh của Hà Nội

Mê Linh đang được quy hoạch trở thành quận và sau này hướng tới mục tiêu làm thành phố vệ tinh trong Hà Nội. Địa phương này đang sở hữu nhiều tiềm năng to lớn, đặc biệt là vị trí.

Tại Hội thảo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết việc quy hoạch xây dựng vùng huyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng được ưu tiên hàng đầu, có vai trò dẫn dắt sự phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực và định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội của địa phương.

Do đó, xây dựng huyện Mê Linh là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, định hướng phát triển kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững có thể làm tiền đề cho việc nâng cấp huyện lên thành quận hoặc thành phố trực thuộc Hà Nội. Trong đó bao gồm xây dựng Mê Linh thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao.

Hướng Mê Linh đến năm 2030 trở thành vùng phát triển của thành phố, có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top