Aa

Bất động sản 24h: Môi giới bất động sản Sài Gòn đổ về Nhơn Trạch chờ thời

Thứ Ba, 17/12/2019 - 10:30

Môi giới bất động sản Sài Gòn đổ về Nhơn Trạch kiếm sống, chờ thời; Hồ Hà Nội trước “cơn lốc” bê tông hóa... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

Môi giới bất động sản Sài Gòn đổ về Nhơn Trạch kiếm sống, chờ thời

Theo ghi nhận, thời gian qua, các môi giới BĐS tại khu vực của Tp.HCM tìm về Nhơn Trạch để làm môi giới tự do hoặc làm việc trong các công ty BĐS. Thậm chí, có nhiều môi giới đứng ra thành lập sàn giao dịch và khá thành công tại khu vực này.

Sau suốt thời gian thị trường BĐS Tp.HCM khó khăn, nhiều môi giới đã nhanh chân “tìm đường sống” ở nơi khác. Họ chuyển về thị trường Nhơn Trạch khoảng 4-8 tháng nay bởi biết được nơi này thị trường giao dịch khá đều đặn. Chưa kể, 2 dự án lớn là cầu Cát Lái và sân bay Long Thành rục rịch nên được nhiều NĐT nhắm tới, đây cũng là lý do khiến khá nhiều môi giới đổ về đây để tìm kiếm cơ hội làm ăn.

Nếu so với thị trường BĐS Tp.HCM hoặc 1 số khu vực của Bình Dương thì BĐS Nhơn Trạch hay Long Thành (Đồng Nai) dễ kiếm khách mua, giá còn mềm hơn nên hoạt động mua bán diễn ra khá tốt. Tìm hiểu được biết, các môi giới trước kia hoạt động tại Q.2, Q.9, Q.7, huyện Nhà Bè, một số ít tại Biên Hòa (Đồng Nai) và Bình Dương đã đổ về Nhơn Trạch. Trong đó đa số là các môi giới từng làm việc tại Q.9 - khu vực giáp ranh. Khi về với thị trường này, môi giới thường trọ lại, một số ít thì đi về sáng - chiều.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh: CafeF

Hồ Hà Nội trước “cơn lốc” bê tông hóa

Lấp hồ thì nhanh, đào hồ thì chậm, đó là lý do vì sao từ nhiều năm trước Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng 25 hồ điều hòa giai đoạn từ 2016 - 2020 nhưng đến nay mới có 2 hồ được hoàn thành. Xâm lấn bê tông sẽ kéo theo sự vô tình về văn hóa. Những lo ngại tiếp tục được đặt ra khi Hà Nội lấy ý kiến kè toàn bộ Hồ Gươm bằng bê tông khối cỡ lớn, nặng chừng 2,5 tấn.

Chia sẻ trong chương trình Góc nhìn đa chiều tuần này của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội nhận định, hồ ao, các thủy vực nói chung cùng với công viên cây xanh được xem là lá phổi xanh của thành phố, nhưng với diện tích ao hồ còn lại của Hà Nội, gần như chúng không còn đáp ứng được vai trò là "lá phổi xanh" như chúng ta mong muốn. Ô nhiễm không khí đang lên ở mức cao, tới mức báo động đỏ nhưng lại đang rất thiếu không gian xanh, mặt nước để điều hòa không khí, giảm mức ngột ngạt cho đời sống đô thị. Phải đến một nửa số hồ đã bị lấp hoàn toàn. Những hồ còn lại, diện tích ngày càng bị thu hẹp do bị lấn chiếm hoặc kè bờ. Theo PGS.TS Trương Ngọc Tiến, bên cạnh sự vô tình về văn hóa, hiện nay, kiến trúc cảnh quan hồ nước hầu như cũng đã bị phá vỡ.

“Việc kè bờ, quây kín hồ nước bằng bê tông hay đá trát xi măng, đã biến nhiều hồ nước không khác gì bể bê tông rất lớn, mất đi giá trị về mặt thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái tự nhiên cũng bị phá vỡ. Trước đây, khi bờ hồ, bờ ao còn là bờ đất, rất tự nhiên, nó còn khoảng thở, nhưng khi kè bằng vật liệu nặng, dường như đã bịt tất cả lại, kể cả vai trò lưu thông nước của hồ cũng bị mất đi.

Đối với các hồ nước, nếu hệ sinh thái tự nhiên đó bị phá vỡ, đồng nghĩa với việc, những đặc trưng của mỗi hồ cũng sẽ bị mất đi. Ví dụ như hồ Gươm, vốn có màu xanh lục thủy rất đặc biệt, vì có loại tảo đặc trưng chỉ có ở hồ này. Nếu như phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên thì tất cả sẽ mất đi”

Xem chi tiết tại đây

Cư dân nhiều chung cư buông bỏ chuyện đòi sổ hồng

Mua căn hộ chung cư, dọn vào ở nhiều năm nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ là nỗi khổ chung của nhiều cư dân sống trên địa bàn TP.HCM. Ưu điểm của chung cư là rẻ hơn nhà phố, có thể đóng theo tiến độ để giảm áp lực về tài chính nhưng đi kèm với nó là vô số những rắc rối mà chỉ những người đang sống trong chung cư mới hiểu. Trong đó, khổ sở nhất vẫn là tình trạng chủ đầu tư thờ ơ với việc cấp sổ hồng cho cư dân.

Anh Lê Quang N., sống tại một chung cư trên địa bàn quận 7 cho biết vợ chồng anh mua một căn hộ ở đường Trần Xuân Soạn vào năm 2011. Đến nay đã 8 năm trôi qua nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất việc cấp sổ hồng cho các căn hộ. Bức xúc vì bỏ ra gần 3 tỷ đồng mua chỗ an cư nhưng sau 8 năm pháp lý của căn nhà vẫn nằm trên một tờ giấy có tên “Hợp đồng mua bán căn hộ”, vợ chồng anh H. nhiều lần cùng các cư dân đi tranh đấu với chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo anh H. thì chủ đầu tư chung cư này có hồ sơ kinh doanh khá phức tạp nên rất khó xin được sổ hồng cho các căn hộ. Sau nhiều năm đi đòi quyền lợi nhưng chủ đầu tư chỉ hứa lên, hẹn xuống rồi im bặt, vợ chồng anh H. đến nay đã buông xuôi.

Tương tự như trường hợp của vợ chồng anh H. là trường hợp của chị Nguyễn Thị V. sống tại một chung cư trên địa bàn Quận 12. Chị V. cho biết nhà được bàn giao vào năm 2013, đến nay đã 6 năm nhưng cư dân không được cấp sổ đỏ. Trong khi đó, chung cư ngày một xuống cấp, các hạng mục như thang máy, sơn mặt tiền… đều đã cũ kỹ nên những gia đình muốn sang nhượng đều rất khó khăn.

Xem chi tiết tại đây

Tăng trần chi phí lãi vay được trừ lên 30%: Liệu đã đủ?

Kể từ khi được ban hành vào tháng 2/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được cho là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giao dịch liên kết, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế nhưng lại là một trong những quy định về thuế gây tranh cãi và ảnh hưởng nhiều nhất cũng như gây ra nhiều vướng mắc nhất trong việc triển khai đối với các doanh nghiệp.

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ- CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết của Bộ Tài chính, trần chi phí lãi vay để được trừ khi tính thuế dự kiến được tăng lên 30% thay cho mức 20% như quy định hiện hành và sẽ được áp dụng ngay trong kỳ quyết toán thuế năm nay.

Bất cập của Nghị định 20 không chỉ nằm ở con số 20% mức trần chi phí lãi vay được trừ mà còn ở đối tượng áp dụng của Nghị định này.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn kiến nghị: “Bộ Tài chính nên đề xuất Chính phủ sửa Nghị định 20 theo hướng: Quy định khống chế lãi tiền vay tại Nghị định 20 chỉ nên áp dụng đối với hai đối tượng doanh nghiệp: Một là, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quan hệ liên kết qua biên giới; Hai là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết có mức thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau".

Xem chi tiết tại đây

Ảnh: Enternews

Đề xuất không tăng khung giá đất

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành khung giá đất giai đoạn 2020-2024 trên cơ sở giữ nguyên mức giá của khung giá đất giai đoạn 2014-2019.

HoREA vừa có văn bản gửi Chính phủ và các bộ ngành đề nghị sớm ban hành khung giá đất giai đoạn 2020-2024 tốt nhất là giữa tháng 12/2019 để các tỉnh và thành phố có căn cứ pháp luật và đủ thời gian để xây dựng, ban hành giá đất áp dụng kể từ ngày 1/1/2020.

HoREA đề xuất 2 phương án cho giai đoạn 2020-2024. Phương án đầu tiên là giữ nguyên mức giá của khung giá đất giai đoạn 2014-2019. Phương án thứ 2, chỉ tăng khoảng 15% để không tác động nhiều đến thu hút đầu tư và nghĩa vụ của các cá nhân, hộ gia đình.

Trong 2 phương án trên, HoREA kiến nghị chọn phương án đầu tiên để đảm bảo ổn định thị trường bất động sản.

Xem chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top