Aa

Bất động sản 24h: Môi giới BĐS lại "ngồi chơi xơi nước" vì... Covid-19 tái xuất

Thứ Năm, 20/08/2020 - 10:30

Môi giới BĐS lại "ngồi chơi xơi nước" vì... Covid-19 tái xuất; Thu ngân sách từ bất động sản ở Phú Yên gặp khó; Farmstay trước nguy cơ biến tướng: Cần cấp thiết hoàn thiện pháp lý... là những tin tức đáng chú ý 24h qua.

Môi giới bất động sản lại "ngồi chơi xơi nước" vì... Covid-19 tái xuất

Thị trường bất động sản bùng nổ thời gian qua tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ. Nghề “sale” bất động sản mang lại thu nhập vô cùng hấp dẫn cho nhiều người. Tuy nhiên, dịch Covid-19 và việc thị trường đi xuống khiến không ít nhân viên “sale” phải thất nghiệp hoặc chuyển nghề.

Sau Tết Nguyên đán, thị trường địa ốc đối mặt với thách thức mới mang tên dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch lẫn chiến lược do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy, không ít nhân viên “sale” thất nghiệp vì doanh nghiệp cắt giảm nhân sự. Nhiều nhân viên phải chuyển nghề khác hoặc cố gắng ngồi chờ thời quay lại.

Khi dịch bệnh được kiểm soát và không còn giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp ngay lập tức bung hàng và hoạt động bán hàng trở lại. Nhiều nhân viên “sale” được quay lại với nghề nghiệp. Hiện nay thị trường khu Đông, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đang thu hút nhiều nhân viên “sale” tham gia khi có nhiều dự án lớn.

Thế nhưng, dịch bệnh tái bùng phát lần nữa đang khiến cho doanh nghiệp lẫn nhân viên bán hàng như ngồi trên “đống lửa”. Một số doanh nghiệp đã quay lại trạng thái cắt giảm nhân viên bán hàng...

Xem chi tiết tại đây

Thu ngân sách từ bất động sản ở Phú Yên gặp khó

thu ngan sach tai phu yen
Một dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng ở TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên

Đánh giá tình hình nhà ở và thị trường bất động sản tại Phú Yên từ đầu năm đến nay, Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết, các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục được triển khai đúng tiến độ, nhưng tình hình thị trường ảm đạm, sức mua yếu và giao dịch đa phần là nhỏ lẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tứ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên, việc thu ngân sách từ các dự án phân lô bán nền đất ở trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, trong quý II/2020 chỉ có 1 dự án nhà ở bán đấu giá thành công là khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại khu đất phía nam đường quy hoạch N3 ở TP. Tuy Hòa, đem về cho ngân sách tỉnh này 287 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giao dịch bất động sản qua công chứng, chứng thực trên địa bàn giảm, tập trung chủ yếu là giao dịch đất nền trong khu dân cư, còn giao dịch nhà ở hiện hữu trong khu dân cư rất ít.

Xem chi tiết tại đây

Farmstay trước nguy cơ biến tướng: Cần cấp thiết hoàn thiện pháp lý

Farmstay là một hình thức của du lịch trải nghiệm nông nghiệp, cũng là một sản phẩm của bất động sản nông nghiệp. Đây là một mô hình mới được hình thành xuất phát từ nhu cầu tế của du khách muốn được trải nghiệm các hoạt động ở nông trại. Tại đây, du khách có cơ hội sống và làm việc như những người nông dân thực thụ với cảnh quan tự nhiên, không khí trong lành, văn hóa đặc trưng của vùng nông thôn.

Bản chất của Farmstay trước hết là một nông trại thực thụ, sau đó mới đến yếu tố trải nghiệm, nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Chính điều này giúp các chủ trang trại có thêm thu nhập, gia tăng giá trị nông sản, giá trị đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều dự án “Farmstay” được hình thành đã đi xa với bản chất thực của loại hình này. Thay vì hình thành mô hình nông trại thực thụ (Farm), một số chủ đầu tư lại đua nhau phát triển các dự án nghỉ dưỡng có tên gọi gắn với “Farmstay” nhưng thực chất là tự chia nhỏ các lô đất nông nghiệp, đất rừng, xây dựng các khu nghỉ dưỡng (stay) để bán.

Xem chi tiết tại đây

farmstay
Cần khung pháp lý định danh để Farmstay phát triển đúng bản chất.

Giảm tiền thuê đất: Thêm điểm tựa cho doanh nghiệp khi Covid-19 bùng phát lần 2

Dịch Covid-19 bất ngờ trở lại từ cuối tháng 7/2020 như cú “đấm bồi” vào những doanh nghiệp đang gắng gượng đứng lên sau khi phải chịu cú đòn chí mạng ở giai đoạn chống dịch lần thứ nhất và “sức lực” đã bị bào mòn đáng kể.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 22/2020/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Theo đó, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (người thuê đất).

Về mức giảm tiền thuê đất, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với người thuê đất nêu trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2020 và tiền chậm nộp (nếu có).

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thể hiện rõ không mặn mà với giãn thuế, bởi “giãn” thêm thời gian nộp, chứ không phải là giảm hay hoãn vô thời hạn, trong khi số thuế phải nộp không quá nhiều do hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn trong thời gian dịch bệnh, không phát sinh nhiều doanh thu, dẫn đến số thuế phải nộp cũng không cao.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top