Aa

Bất động sản 24h: Nhà ở 300-500 triệu đồng hợp nhu cầu người thu nhập thấp

Chủ Nhật, 12/02/2017 - 08:31

Nhà ở 300-500 triệu đồng hợp nhu cầu người thu nhập thấp; Triển khai chậm, Hà Nội thiếu nhà ở xã hội; Dự báo 40 % FDI BĐS sẽ “chảy” vào phân khúc nghỉ dưỡng; BĐS TP. HCM: Vùng ven tăng giá nhờ tin... lên quận; Người mua chung cư sợ hãi cảnh “xuống đường là tắc”… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Nhà ở 300-500 triệu đồng hợp nhu cầu người thu nhập thấp

Thông tin về nhà ở xã hội (NƠXH) 100 triệu đồng của Bình Dương được nhiều bạn đọc quan tâm. Nhiều người đặt câu hỏi liệu TP. HCM có xây dựng được mô hình này hay không?

Ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM, cho rằng thành phố sẵn sàng học cách làm hay của các tỉnh, TP. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở giá nhà 100 triệu đồng mà ở chỗ phát triển nhà giá rẻ với giá linh hoạt, hợp lý để đa số người dân có thể 
mua được nhà.

Ông Trần Trọng Tuấn - Ảnh: TỰ TRUNG.

Ông Trần Trọng Tuấn. Ảnh: Tự Trung.

Theo ông Tuấn, "phát triển NƠXH cũng phải gắn với chỉ tiêu dân số, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, trường học, nhà trẻ... Căn hộ không chỉ là nơi ở, nó còn gắn với điều kiện, không gian sống để quyết định chất lượng sống ở đó.

Việc xây dựng nhà thu nhập thấp vẫn phải xem xét đầy đủ các tiêu chuẩn về nhà ở, quy định xây dựng, chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt.

Ở đây nói đến nhà giá rẻ tại TP. HCM phải làm sao đưa ra định hình khung, mức giá đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của chủ đầu tư, người thu nhập thấp và xã hội. Không chủ doanh nghiệp nào bỏ tiền ra mà làm không có lời cả. Bản thân người mua nhà cũng muốn nhà có chất 
lượng, ổn định lâu dài.

Đồng thời, mô hình nhà đó cũng phải đảm bảo không gian phát triển đô thị bền vững, không thể phát triển tách rời quy hoạch. Cho nên nhà ở 100 triệu đồng, TP. HCM vẫn làm được, nhưng không khuyến khích. Nếu có làm thì cũng làm rất ít, với những vị trí phù hợp, thỏa mãn điều kiện và chỉ làm ở các khu công nghiệp, đáp ứng 
cho đối tượng công nhân...".

 

Mô hình nhà ở xã hội tại Bình Dương đang là giấc mơ của nhiều người thu nhập thấp ở TP.HCM. Trong ảnh: bên trong một căn nhà ở xã hội tại Bình Dương - Ảnh: Bá Sơn.

Mô hình nhà ở xã hội tại Bình Dương đang là giấc mơ của nhiều người thu nhập thấp ở TP.HCM. Trong ảnh: bên trong một căn nhà ở xã hội tại Bình Dương. Ảnh: Bá Sơn.

 

Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM nhấn mạnh: "Theo tôi, nhà ở giá khoảng 500 triệu đồng, thấp nhất là 300 triệu đồng, sẽ đáp ứng được nhu cầu của số đông người thu nhập thấp tại TP. HCM. Hiện nay tại TP. HCM, NƠXH dưới 1 tỉ đồng bán rất tốt".

Xem chi tiết tại đây.

BĐS TP. HCM: Vùng ven tăng giá nhờ tin... lên quận

Thị trường BĐS TP. HCM năm 2016 khép lại bằng một cơn sốt BĐS vùng ven sau khi có thông tin, lãnh đạo các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè có đề xuất nâng cấp lên quận gửi tới lãnh đạo UBND TP. HCM và đang chờ thông qua.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, dù chưa biết có được lên quận hay không, nhưng trên thị thường đã xuất hiện làn sóng đầu tư BĐS vào các huyện này. Đơn cử, tại đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè) xuất hiện khá nhiều dự án BĐS mới, như Dragon Hill, Nine South Estate, Park Vista, Sài Gòn South Residence, The Star Village, Dragon Parc, Phu Xuan Residence, Khu dân cư Phước Kiển - Nhà Bè…

Dự án Trung Sơn (huyện Bình Chánh) đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Gia Huy.

Dự án Trung Sơn (huyện Bình Chánh) đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Gia Huy.

Ở huyện Hóc Môn xuất hiện những dự án như Cheery 3 Apartment, Hóc Môn Plaza và các dự án khu dân cư tiêu biểu như Eco Town, Sophia Garden... Bên cạnh đó, đất thổ cư cũng được người dân rao bán rầm rộ.

Thực tế, giá đất tại các khu vực trên đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Khảo sát của Công ty TNHH Gachvang công bố ngày 10/12/2016 cho biết, cuối năm 2016, giá đất tại 3 huyện trên đã tăng tới 20% so với đầu năm. Trong đó, giá tăng mạnh nhất nằm ở những tuyến đường chính như đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển): tăng từ mức 24 triệu/m2 (cuối năm 2015) lên 36 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2016.

Xem chi tiết tại đây.

Dự báo 40 % FDI BĐS sẽ “chảy” vào phân khúc nghỉ dưỡng

Theo đánh giá của GS. Đặng Hùng Võ, thị trường BĐS Việt Nam luôn chứa đựng nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như dân số đông, tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, nhu cầu nhà ở nhiều, tính đa dạng của hàng hóa theo nhu cầu của thị trường cao, khả năng kinh doanh BĐS trong một đất nước gần 100 triệu người lớn…

Sức hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam vốn dĩ được thể hiện ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 84. Với nghị định này, điều kiện cho nhà đầu tư BĐS nước ngoài và trong nước là ngang nhau. “Lúc đó, con số vốn FDI đổ vào BĐS còn lãng mạn hơn nhiều so với hiện tại (FDI vào BĐS chiếm 64% tổng vốn FDI) nhưng cũng chỉ dừng ở con số đăng ký”, GS Đặng Hùng Võ nói.

GS. Đặng Hùng Võ.

GS. Đặng Hùng Võ.

Dù vậy, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng có nhiều trăn trở, liệu mức độ hấp dẫn của thị trường BĐS đã thực sự cao để các nhà đầu tư ngoại biến số vốn đăng ký thành hiện thực hay chưa khi hệ thống pháp luật của Việt Nam, thủ tục hành chính… còn là những trở ngại khiến các nhà đầu tư nước ngoài “dè chừng”.

Hơn nữa, các nhà đầu tư ngoại còn phải cân đối giữa việc "đổ tiền" vào Việt Nam và các khu vực khác. Ngoài ra, một ẩn số rất lớn về kinh tế Mỹ cũng là yếu tố ảnh hưởng đến “dòng chảy” của FDI vào thị trường BĐS Việt Nam.

Xem chi tiết tại đây.

Triển khai chậm, Hà Nội thiếu nhà ở xã hội

Năm 2016, cảnh xếp hàng bốc thăm mua NƠXH tại Hà Nội xuất hiện tại những dự án có vị trí gần trung tâm như: Đại Kim (Hoàng Mai), Minh Khai (Hai Bà Trưng). Cá biệt trong số đó, dự án NƠXH Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Cty Handico 5 làm chủ đầu tư, số hồ sơ nộp mua nhà gấp 5 lần số căn hộ chủ đầu tư bán ra. Những dự án ở xa trung tâm như: Phú Lãm (Hà Đông), Kiến Hưng (Hà Đông)… thì ngược lại bán cả năm không hết hàng. Các chủ đầu tư dự án ở xa than thở, nguồn vốn vay ưu đãi thì chưa có, vị trí lại xa nên NƠXH ế.

Dự án NƠXH Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) - một trong những dự án kịp hoàn thành trước khi gói vay 30 ngàn tỷ đồng đóng lại. Ảnh: Phạm Thanh.

Dự án NƠXH Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) - một trong những dự án kịp hoàn thành trước khi gói vay 30 ngàn tỷ đồng đóng lại. Ảnh: Phạm Thanh.

Trong diễn biến đó,  một số khu đất “vàng” vốn dành cho NƠXH lần lượt được cho phép trả bằng tiền và biến thành nhà ở thương mại thay vì xây những căn hộ theo mơ ước của người thu nhập thấp. Tại Quyết định số 5429 (29/9/2016) do Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký cho phép chủ đầu tư dự án tại 32 Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) phát triển NƠXH theo phương thức nộp bằng tiền (20% theo giá đất mà nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước).

Trong năm 2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với đề xuất cho phép nhà đầu tư được nộp bằng tiền theo giá đất đối với quỹ NƠXH tại dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), dự án khu chức năng đô thị tại 233 - 233B - 235 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội).

Một lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, quỹ đất dành cho xây dựng NƠXH đã được quy định trong luật và Nghị định 100 (2015) về phát triển và quản lý NƠXH. Với những dự án dưới 10 hecta, chủ đầu tư có thể trả bằng tiền đất thay vì xây NƠXH. Theo vị này, bản thân chủ đầu tư khi làm một dự án với nhiều toà chung cư cao cấp ngại chen dự án NƠXH vào sẽ làm mất đi hình ảnh cao cấp dự án mà họ đang triển khai. Vì vậy, thay vì xây NƠXH, chủ đầu tư sẽ lựa chọn trả tiền mua mảnh đất đó.

Xem chi tiết tại đây.

Người mua chung cư sợ hãi cảnh “xuống đường là tắc”

Không ít khách hàng bỏ ra tiền tỷ để mua được căn hộ trong mơ nhưng khi sắp nhận nhà, nhiều người 'chết đứng' khi tuyến đường chạy qua dự án thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Anh Tín Nghĩa (Đống Đa, Hà Nội) bỏ ra gần 2 tỷ đồng mua căn hộ dự án Golden West trên đường Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Anh Nghĩa chia sẻ: “Lúc tìm hiểu dự án tại đây, nhân viên sàn giao dịch quảng bá ở đây chỉ có một toà nhà, cách mặt đường Lê Văn Lương vài trăm mét và trước mặt chỉ bị chắn bởi toà nhà cao 5 tầng. Tôi tin vào lời giới thiệu đó nên xuống tiền mua”.

Tuy nhiên, khi gần đến lúc nhận nhà thì anh Nghĩa tá hoả  phát hiện thực tế không đúng như lời nhân viên sàn giao dịch nói do có toà cao hơn 20 tầng chắn ngay toà nhà anh mua.

“Lúc mua nhà thì xung quanh có một, hai dự án cao tầng nhưng sau 2 năm, có hàng loạt dự án cao tầng mọc lên. Lo sợ quá tải hạ tầng nên tôi tìm cách bán nhà đúng bằng giá lúc mua”, anh Nghĩa nói.

Theo anh Nghĩa, dự án này còn bị chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, biến những ô thoáng thành căn hộ. Điều này làm gia tăng mật độ căn hộ, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân.

Chị Phạm Hồng Minh, quản lý kinh doanh hàng mỹ phẩm trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cho biết, vợ chồng chị mua căn hộ EC trên đường Tố Hữu, quận Thanh Xuân nhưng vẫn đắn đo việc có chuyển đến ở dù cũng sắp nhận nhà. Theo chị Minh, vì muốn ở gần chỗ làm nên vợ chồng quyết định mua ở đây và cũng không nghĩ tuyến đường này lại tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm như thế. 

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top