Aa

Bất động sản 24h: Nhà phố tăng giá gấp đôi vẫn không dám bán

Thứ Sáu, 15/11/2019 - 10:30

Nhà phố tăng giá gấp đôi vẫn không dám bán; Nước sạch Sông Đuống 10.246 đồng/m3, có 2.003 đồng là lãi vay của chủ đầu tư?; Chung cư mini có thực sự “ngon - bổ - rẻ”?... là những tin tức đáng chú ý 24h qua.

Nhà phố tăng giá gấp đôi vẫn không dám bán

Bà Phấn mua căn nhà phố 5 tỷ đồng năm 2015, nay vọt lên 10 tỷ nhưng lo bán đi khó tìm được căn ưng ý với số tiền thu về.

Căn nhà của bà Phấn nằm trong hẻm nhỏ một tuyến đường sầm uất quận 3, TP.HCM, kết cấu một trệt 2 lầu, một sân thượng, diện tích đất 70m2, được nhà đầu tư này mua từ cuối năm 2015. Một năm sau, khi thị trường bất động sản TP.HCM xảy ra sốt đất, giá bất động sản liền thổ leo thang, căn nhà phố của bà Phấn liên tục tăng giá 6,5 - 8 - 9,5 tỷ đồng trong các mốc thời gian 2016 - 2017 - 2018. Tuy nhiên gia đình giữ lại để ở, không bán.

Hiện nay dù được nhiều môi giới chào mua căn nhà với giá 10 tỷ đồng, bà Phấn thấy lãi lớn cũng thích nhưng không dám chốt lời. Bởi lẽ nếu bán tài sản này, bà lo ngại không mua lại được một căn nhà phố có vị trí tốt, diện tích rộng rãi tương tự với dòng tiền vừa thu về.

Nhà đầu tư này cho hay, đã đi tìm, dọ giá nhà phố nhiều nơi và thất vọng vì mặt bằng giá hiện nay quá cao. Một dự án tại tận quận 9 đang chào giá nhà phố 9 - 10 tỷ đồng nhưng vị trí không thể sánh bằng quận 3. Thậm chí nhà phố hẻm, một trệt hai lầu, một sân thượng, diện tích đất 60m2 tại quận Bình Thạnh, cũng bị hét giá 12 tỷ đồng.

"Nghe nhà mình đang ở tăng giá cứ tưởng lời to nhưng những bất động sản khác cũng đều tăng lên chóng mặt. Bán xong phải tốn khoản tiền lớn hơn để mua một tài sản tương tự thì giữ lại còn hơn", bà nói.

Xem chi tiết tại đây

Nước sạch Sông Đuống 10.246 đồng/m3, có 2.003 đồng là lãi vay của chủ đầu tư?

Trong văn bản 3310 của UBND TP. Hà Nội ngày 6/7/2017 đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án Nhà máy nước sạch Sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Theo đó, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước Sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa là 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc: Tại sao giá nước sạch Sông Đuống lại cao gấp đôi giá nước sạch Sông Đà (chỉ khoảng 5.000 đồng/m3), ông Vũ Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, giá 10.246 đồng/m3 của Nhà máy nước Sông Đuống chỉ là giá tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thoả thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư.

Ông Hà cho hay, căn cứ tính giá nước sạch sông Đuống dựa trên quy định tại Điều 31, 38 Nghị định 117 năm 2017 của Chính phủ liên quan đến thoả thuận dịch vụ cấp nước được ký kết giữa UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được uỷ quyền với đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn. Trong thoả thuận cấp nước có nội dung liên quan đến giá nước, lộ trình và các nguyên tắc điều chỉnh giá nước.

Vì nằm trong giai đoạn chuẩn bị dự án nên trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, thành phố đã chấp thuận giá nước sạch này, tại thời điểm đó giá là tạm tính và là tối đa. Sau đó, trên cơ sở chấp thuận của TP. Hà Nội, Sở Xây dựng đã thực hiện thoả thuận dịch vụ cấp nước với Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội thông tin: “Mức giá 10.246 đồng/m3 vào thời điểm 2017 chỉ là giai đoạn chuẩn bị dự án, theo quy định để tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí giá nước thì dự án phải hoàn thành đi vào hoạt động và được quyết toán”.

Xem chi tiết tại đây

Chung cư mini có thực sự “ngon - bổ - rẻ”?

Chị Thủy (Đống Đa, Hà Nội) đang có nhu cầu muốn bán lại căn hộ chung cư mini nằm trên đường Thái Hà nhưng rao bán nhiều tháng nay vẫn chưa có người mua.

Theo lời kể của chị, cuối năm 2018, vợ chồng chị mua căn hộ này với giá 850 triệu đồng, diện tích 46m2, bao gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ. Khi biết chị quyết định mua chung cư mini, nhiều người thân, bạn bè đã ngăn cản nhưng lúc ấy chị chỉ nghĩ tiền ít thì không thể cầu toàn, không thể đòi hỏi hay với quá cao.

Sau khi chuyển về ở được khoảng nửa năm chị mới phát hiện chung cư này vốn chỉ được cấp phép xây dựng với thiết kế nhà ở riêng lẻ gồm 6 tầng + 1 tum. Nhưng trên thực tế, chủ đầu tư lại tự ý thay đổi thiết kế cho xây dựng lên đến 9 tầng. Và đen đủi là căn hộ của chị nằm ở tầng 8.

Không có sổ đỏ riêng nên giờ chị muốn bán lại căn hộ cũng khó. Có một vài người có nhu cầu mua ở nhưng khi hỏi đến giấy tờ pháp lý họ đều lắc đầu. Còn bán cho các “cò” thì họ trả giá rất thấp.

"Trước đây tôi mua căn hộ này chỉ có giấy tờ viết tay có xác nhận công chứng của chính quyền, còn sổ đỏ chung cả tòa nhà thì chủ đầu tư vẫn giữ. Giờ có muốn xin cấp sổ đỏ riêng cũng không được vì căn hộ của tôi nằm trong diện xây trái phép" - chị Thủy cho biết.

Chị Thủy chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đang phải sống trong thấp thỏm, lo âu khi trót mua phải căn hộ mini xây sai phép.

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở tăng cao trong khi quỹ đất ngày một khan hiếm, nhất là tại các thành phố lớn đã khiến loại hình chung cư mini nở rộ và thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp lao động trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực như vị trí thường nằm trong các quận nội thành, gần trung tâm lại có giá bán khá mềm thì căn hộ chung cư mini cũng đang đặt ra những vấn đề bất cập không nhỏ, nhất là về mặt pháp lý.

Xem chi tiết tại đây

Tầng hầm thành "kho xăng", đề nghị chung cư phải có bãi đỗ xe riêng

Theo Báo cáo từ Đoàn giám sát của Quốc hội, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 - 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462ha rừng.

Như vậy, trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5ha rừng.

Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3ha rừng.

Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60,11%, ở khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86 %), tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%).

Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%).

Báo cáo cũng chỉ ra rằng nguy cơ cháy nổ đến từ các tòa chung cư, cao ốc là rất cao. Thống kê cho thấy, còn 2.662 công trình tiền ẩn nguy cơ cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế, hoặc đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Đáng chú ý, tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Trước những con số thống kê đầy lo ngại ấy, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đề nghị Quốc hội xem xét, sửa Luật Xây dựng để các khu chung cư phải xây bãi đỗ xe riêng, không để dưới tầng hầm.

“Từng xe đều có bình xăng và nhiều xe đậu dưới tầng hầm thì nơi đậu xe sẽ trở thành kho xăng dầu. Khi cháy thì không thể ứng cứu được. Kể cả có phun nước vào thì xăng nổi lên và vẫn cháy”, đại biểu Phương phân tích.

Xem chi tiết tại đây

9 tháng đầu năm, lãi nhóm doanh nghiệp bất động sản tăng gần 30%

Lợi nhuận toàn thị trường quý III/2019 đã mạnh trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định. Thống kê của Chứng khoán VNDirect (VNDS) cho thấy, tổng lợi nhuận ròng quý III tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái (so với 13,6% quý III/2018). Điều này nhờ vào tăng trưởng doanh thu thuần 7,5% (so với 12,1% của cùng kỳ) và sự cải thiện về biên lợi nhuận gộp ở nhiều ngành khác nhau.

Kết quả quý III đã khẳng định xu hướng đi lên sau kết quả khiêm tốn trong 6 tháng đầu năm 2019 (trong đó, quý I, lợi nhuận sau thuế tăng 0,8% so với cùng kỳ, doanh thu tăng 3,7%. Quý II, lợi nhuận sau thuế tăng 7,5%, doanh thu tăng 4,8%). Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu và lợi nhuận ròng tăng ở mức 6,0% và 10,5%.

Nhóm ngân hàng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong quý III với lợi nhuận ròng tăng 45,0% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 15,9% trong quý III/2018 và đóng góp 11,5 điểm % trong mức tăng 20,8% toàn thị trường.

Kết quả này được hỗ trợ bởi tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 72% của VCB trong quý III và kết quả tích cực của các ngân hàng khác. Trong 9 tháng, lợi nhuận ròng của nhóm ngân hàng tăng 26,4% (9 tháng 2018 mức tăng là 39,2%) và đóng góp 7 điểm % vào mức tăng 10,5% của lợi nhuận ròng thị trường.

Đáng chú ý, nhóm bất động sản (chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn hóa) cũng ghi nhận kết quả tích cực trong quý III, với tổng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt tăng 32,9% và 20,7% so với cùng kỳ.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top