Aa

Bất động sản 24h: Sức ép lạm phát đẩy dòng tiền hướng mạnh vào bất động sản

Thứ Ba, 12/04/2022 - 10:09

Sức ép lạm phát đẩy dòng tiền hướng mạnh vào bất động sản; Giá rao bán đất nền nhiều tỉnh phía Nam bật tăng nhưng thanh khoản chưa tương xứng... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Sức ép lạm phát đẩy dòng tiền hướng mạnh vào bất động sản

Có thể nói, qua rồi thời tư duy “nhà đầu tư F0” chủ yếu là tiền mặt nhưng thiếu kinh nghiệm và kiến thức. Thực tế cho thấy, lớp nhà đầu tư mới này rất nhanh nhạy và chỉ một thời gian ngắn là có thể xếp vào hàng “professinal”, hay còn gọi là nhà đầu tư chuyên nghiệp và “món khoái khẩu” chính là đất nền. Trần Minh, một tư vấn viên bất động sản cho hay, biệt tài của các nhà đầu tư thế hệ mới là rất giỏi trong việc tìm kiếm những lô đất có khả năng sinh lời tốt, đặc biệt là những khu vực ngoại tỉnh.

Ghi nhận thực tế cho thấy, từ đầu năm 2022, làn sóng nhà đầu tư đổ về những địa phương phía Bắc như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An…, hay khu vực vùng ven phía Nam như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, thậm chí xa hơn như Bình Phước, Bình Thuận… để săn đất rất sôi động.

Sức ép đô thị khiến cho nhiều người ở trung tâm tỏa ra ngoại ô mua căn nhà thứ hai (second home) để ở, cũng như tranh thủ cơ hội đầu tư kiếm lời. Bên cạnh đó, thông tin quy hoạch hạ tầng giao thông được dồn dập công bố (do 2021 là năm đầu của chu kỳ quy hoạch 10 năm) đã thúc đẩy giới đầu tư lựa chọn đất như là một tài sản sinh lời tiềm năng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giá rao bán đất nền nhiều tỉnh phía Nam bật tăng nhưng thanh khoản chưa tương xứng

Trong quý đầu năm, thị trường bất động sản nhiều tỉnh phía Nam ghi nhận giá rao bán đất nền tăng mạnh so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng thanh khoản thị trường chưa tương xứng với biến động giá.

Theo Báo cáo thị trường quý I/2022 của Batdongsan.com.vn, trong 3 tháng đầu năm, đất nền là phân khúc được tìm kiếm nhiều hơn cả thời điểm trước dịch COVID-19. Những địa phương có thay đổi về quy hoạch, hạ tầng đều ghi nhận mức độ tìm kiếm đất nền tăng mạnh.

Mặc dù nhiều địa phương miền Nam giảm về mức độ tìm kiếm nhưng giá rao bán đất nền vẫn tăng khá cao so với cùng kỳ. Cụ thể, nhu cầu tìm kiếm đất nền tại thị trường phía Nam giảm 12%, riêng TP HCM giảm 15%. Khu Đông TP.HCM giảm mạnh 32% so với cùng kỳ do nhà đầu tư dịch chuyển về các tỉnh, thành vùng ven phía Đông như Bình Phước, Tây Ninh - nơi giá đất còn rẻ và đa dạng sự lựa chọn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Số hoá quy hoạch: “Át chủ bài“ trị sốt đất, thổi giá ảo

Những năm gần đây, tình trạng sốt đất ăn theo thông tin quy hoạch khiến thị trường bất động sản biến động không ngừng. Cùng với đó, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các video ghi lại cảnh hàng trăm cò đất tập trung để mua bán đất nền như đi trẩy hội. Sau ồn ào môi giới dàn cảnh chạy “chốt” đất như hàng tôm, hàng cá ngoài chợ ở Bình Phước, mới đây, hàng trăm “cò đất” lại tập trung ở một khu đất tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị để “chốt” cọc đất nền.

quy hoạch

Ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các vùng nông thôn, tình trạng sốt đất ảo diễn ra ngày một nhiều. Bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng, nhiều nhà đầu tư thiếu kiến thức, nhẹ dạ, ham lời vẫn liều mình bỏ tiền đầu tư với hy vọng làm giàu nhanh chóng. Cũng từ đây, không ít người rơi vào cảnh trắng tay.

Đặc biệt tại Hà Nội, thị trường bất động sản Thủ đô liên tục nóng theo các thông tin triển khai đường vành đai 4, quy hoạch sông Hồng, sông Đuống… Theo đó, giá đất huyện Đông Anh cụ thể ở các xã Xuân Canh, Uy Nỗ, Đông Hội, Vĩnh Ngọc đang thiết lập mặt bằng giá từ 40 - 150 triệu đồng/m2.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hàng trăm triệu USD "hâm nóng" thị trường bất động sản quý đầu năm 2022

Trái ngược với dự kiến của một số chuyên gia về nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản, thị trường M&A bất động sản 2021 và quý I/2022 vẫn diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ lớn, các doanh nghiệp bất động sản liên tục thâu tóm thêm nhiều quỹ đất lớn.

Riêng trong quý I/2022, thị trường đã chứng kiến một số số thương vụ nổi bật ở TP.HCM như “cú bắt tay” giữa Novaland và Công ty Cổ phần Phát triển Tài Nguyên để khởi động lại dự án Grand Sentosa (tên cũ Kenton Node), diện tích 11ha ở khu vực Nhà Bè. Tương tự, ở khu vực quận 1, tòa nhà Saigon One Tower đã được đổi tên thành IFC One Tower do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển VivaLand quản lý. Ở khu vực Đồng Nai, dự án Swan Bay với diện tích khoảng 200ha sẽ được tiếp tục phát triển bởi Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long.

Đáng chú ý, Hà Nội có tổng lượng giao dịch lớn nhất cả nước, nhờ vào thương vụ chuyển nhượng tòa nhà văn phòng hạng A Capital Place (Ba Đình, Hà Nội) từ CapitaLand Development sang Viva Land với tổng trị giá 550 triệu USD.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Quý II: Cổ phiếu ngành bất động sản và khu công nghiệp được đánh giá tích cực

Tại báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam quý II/2022, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã có những phân tích về ngành bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp.

Theo đó, đại dịch Covid 19 cùng với các khó khăn trong vấn đề cấp phép dự án đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản nhà ở tại cả Hà Nội và TP.HCM. Số lượng căn hộ mở bán và tiêu thụ trong cả năm 2021 chỉ bằng khoảng 50% so với giai đoạn 2015 - 2019. Điểm tích cực là tỷ lệ tiêu thụ/mở bán mới tại TP.HCM vẫn ở mức cao, đạt khoảng 74%, trong khi đó tại Hà Nội chỉ đạt 47%.

Giá bán tại Hà Nội ghi nhận mức tăng cao nhất trong 5 năm qua đạt khoảng 12% so với năm trước và tăng khoảng 3% tại TP.HCM. Một số khu vực như Gia Lâm, TP. Thủ Đức và một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu ghi nhận mức tăng giá tốt và có giao dịch sôi động. Phân khúc nhà phố/biệt thự vẫn duy trì sự sôi động với mức tăng giá tốt ở mức tăng 12% ở Hà Nội và 18% ở TP.HCM nhờ nhu cầu cao.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top