Aa

Bất động sản 24h: Tần suất sốt ảo đất nền gia tăng đột biến, dự báo gì cho giai đoạn tiếp theo?

Thứ Tư, 09/06/2021 - 10:30

Tần suất sốt ảo đất nền gia tăng đột biến, hé lộ nguyên nhân và dự báo về đợt tăng giá tiếp theo; Cửa sáng nào cho condotel trong cơn bão Covid-19?... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Tần suất sốt ảo đất nền gia tăng đột biến, hé lộ nguyên nhân và dự báo về đợt tăng giá tiếp theo

"Thị trường bất động sản bao gồm thị trường quyền sử dụng đất" có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường vốn, thị trường xây dựng, thị trường nguyên vật liệu thiết bị, thị trường lao động…Trong hơn 30 năm qua, hoạt động của "thị trường bất động sản bao gồm thị trường quyền sử dụng đất" đã từng bước chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý của Nhà nước.

Ảnh minh họa

Theo quy luật khách quan, "thị trường bất động sản bao gồm thị trường quyền sử dụng đất" thường diễn biến theo hình SIN bất đối xứng  phụ thuộc vào các nhân tố: (i) Quy luật giá trị; (ii) Quy luật cạnh tranh; (iii) Quan hệ cung - cầu; (iv) Chính sách, cơ chế điều tiết vĩ mô của Nhà nước; (v) Tâm thế thị trường và hành vi đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng, dưới sự tác động của chính sách, cơ chế, hoặc do diễn biến thực tế của thị trường.

"Thị trường bất động sản bao gồm thị trường quyền sử dụng đất" thường trải qua các giai đoạn phát triển gần như có tính chu kỳ: Tăng trưởng - ổn định - nóng sốt - đóng băng - trầm lắng - phục hồi và tăng trưởng trở lại... Trong đó, cơn sốt giá đất, sốt giá bất động sản đầu tiên xảy ra vào năm 1993 và lập lại vào năm 2001 - 2002, đặc biệt là cơn sốt "bong bóng" bất động sản đã đạt đỉnh năm 2007 và "tái sốt" ngắn ngủi vào năm 2010, đan xen với các giai đoạn thị trường bất động sản bị khủng hoảng suy thoái hoặc "đóng băng" vào các năm 1995 -1999, mà nặng nề nhất là từ đầu năm 2008 đến 2013. Từ năm 2014, thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại cho đến nay.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Định hình chính sách phát triển nhà ở cho người di cư tại đô thị và khu công nghiệp

Tại Việt Nam, tốc độ phát trển đô thị, các khu công nghiệp rất mạnh, dẫn đến hiện tượng di cư rất lớn diễn ra trong toàn quốc. Để đảm bảo chất lượng cuộc sống, công việc cho đối tượng này cần đáp ứng được tiêu chí có an cư mới lạc nghiệp. Do đó, phát triển nhà ở cho người di cư tại đô thị và khu công nghiệp đòi hỏi nhiều cơ chế chính sách liên quan.

Nhìn lại giai đoạn phát triển nhà ở cho người di cư

Thời bao cấp, toàn bộ nguồn ngân sách của Nhà nước đã được dùng để xây dựng nhà ở cho đối tượng di cư tại các đô thị và khu công nghiệp là nhà tập thể. Đó là các nhà ở công nhân của khu công nghiệp Thượng Đình (Cơ khí, Cao Xà Lá), khu công nghiệp Dệt (8/3, sợi Hà Nội), khu công nghiệp hoá chất Việt Trì, nhà ở công nhân các Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Phân đạm Hà Bắc… Sau này là các khu nhà ở Thuỷ điện Hoà Bình, Trị An…

Do số lượng dân cư di dân lúc đó không lớn, chủ đầu tư sau khi trừ đi số lượng cán bộ, công nhân viên ở địa phương (có chính sách nhà ở cho thuê riêng) đều cơ bản đảm bảo cho cuộc sống tập thể của những cán bộ công nhân di cư đến các khu vực này làm việc.

Từ 1985 đến 2005 (trước khi có Luật Nhà ở), do tốc độ phát triển yêu cầu nhà ở của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ngày càng lớn, Nhà nước đã chuyển tiền nhà ở vào lương (thực chất chỉ trên danh nghĩa chứ không được là bao, thậm chí lạm phát dẫn đến nhiều người lao động lương không đảm bảo cuộc sống, chưa tính đến phát triển nhà). Thị trường nhà ở tự phát theo cơ chế trị trường. Đây là bước phát triển khá mạnh phát huy sức mạnh tổng hợp bằng quỹ đất, nguồn vốn trong dân và mọi thành phần khác nhưng chủ yếu là nhà ở cho những người có điều kiện kinh tế.

Tuy nhiên, một lực lượng rất đông đảo chiếm tuyệt đại đa số người lao động đến làm việc tại đô thị và khu công nghiệp (bao gồm cả cán bộ làm việc tại các cơ quan, nhà máy, công ty và người làm nghề tự do) không có điều kiện kinh tế phải đi ở nhờ, ở nhà cho thuê hết sức tồi tệ. Đó là các khu nhà trọ do dân tạo lập không ánh sáng mặt trời, ẩm thấp, chật chội, WC chung, nóng bức…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cửa sáng nào cho condotel trong cơn bão Covid-19?

Xuất hiện kể từ những năm 2015 cùng với sự ấm lại của thị trường bất động sản, lợi thế của mô hình đầu tư hấp dẫn đã đưa condotel nhanh chóng nằm trong danh mục đầu tư ưu tiên của giới kinh doanh sành sỏi.

Sức hút của condotel đã đưa tới nguồn cung sản phẩm ồ ạt xuất hiện trên thị trường. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2018 đã có khoảng 18.000 căn condotel được xây mới dọc bờ biển Nha Trang với hàng chục tòa cao ốc. Chưa kể các khu vực như Đà Nẵng, Phú Quốc… cũng trở thành tâm điểm hội tụ của những toà condotel.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Ineternet

Tuy nhiên, đến năm 2019, thương vụ phá vỡ cam kết lợi nhuận khiến condotel mất điểm trong mắt các nhà đầu tư. Một năm sau, cú giáng bồi hoàn của Covid-19 khiến bức tranh condotel càng đậm gam màu xám.

Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2020, lượng condotel bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm. Và gần như cả năm 2020, thị trường giao dịch condotel gần như đóng băng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Môi giới dự án ''ma'' Felicia City Bình Phước mạo danh Tập đoàn lớn để lừa khách hàng?

Mới đây, trên một website có tên miền Vanphucgroup.com đã đăng tải thông tin quảng cáo về dự án Felicia City Bình Phước. Điều đáng nói, phía trên mục quảng cáo dự án này được gắn logo của Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc (Vạn Phúc Group) - chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Vạn Phúc, đồng thời là doanh nghiệp với hơn 25 năm kinh nghiệm cùng quỹ đất lên tới 400 ha tại TP.HCM.

Qua tìm hiểu của PV, website Vanphucgroup.com là giả mạo. Hiện website chính thức của Tập đoàn Vạn Phúc là Vanphucgroup.vn. Khách hàng có thể phân biệt 2 website này thông qua tên miền và các thông tin, hình ảnh đăng tải hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, website chính thức của Tập đoàn Vạn Phúc có hình ảnh được chụp rõ nét, thông tin giới thiệu rõ ràng. Đặc biệt là những thông tin về dự án Khu đô thị Vạn Phúc được đăng tải sinh động, ngoài ra không có thông tin về bất cứ dự án nào ở các tỉnh khác.

Website giả mạo sử dụng logo của Tập đoàn BĐS Vạn Phúc và đăng tải thông tin quảng cáo về dự án Felicia City Bình Phước
Vạn Phúc Group chỉ có website chính thức là vanphucgroup.vn còn web site vanphucgroup.com quảng cáo về dự án Felicia City Bình Phước là giả mạo

Trong khi đó, website giả mạo doanh nghiệp này lại có hình ảnh mờ ảo, thiết kế sơ sài, thông tin giới thiệu mập mờ. Đáng nói, website giả này cũng đăng tải địa chỉ liên hệ gần giống với địa chỉ thực tế của Tập đoàn bất động sản Vạn Phúc để nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bộ Xây dựng yêu cầu công khai dự án nhà ở hình thành trong tương lai

Công văn 2096/BXD-QLN của Bộ Xây dựng được ban hành ngày 7/6 thực hiện quy định về giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo đó, tại Quyết định 406/QĐ-TTg phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên cổng thông tin dịch vụ công quốc gia năm 2021, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, tích hợp cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với dịch vụ công về thủ tục hành chính: “Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua”.

Để triển khai nhiệm vụ trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP về trình tự, thủ tục, điều kiện đối với các giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top