Aa

Bất động sản 24h: Thất nghiệp bất ngờ, người trẻ “sốc” khi khoản nợ vay mua nhà đè nặng

Thứ Bảy, 04/02/2023 - 10:30

Thất nghiệp bất ngờ, người trẻ “sốc” khi khoản nợ vay mua nhà đè nặng; Thị trường bất động sản: Nhóm lửa trong băng... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Thất nghiệp bất ngờ, người trẻ "sốc" khi khoản nợ vay mua nhà đè nặng: "Nếu không thể cầm cự, tôi sẽ phải bán nhà"

Thu nhập 30 triệu đồng/tháng, đang độc thân, chưa kể khoản tiền tham gia jobs ngoài, tất cả điều kiện đó khiến Mạnh Vũ (Hà Nội) quyết định mua căn hộ chung cư trị giá 2 tỷ đồng vào đầu năm 2022, đánh dấu sự nỗ lực ở ngưỡng tuổi 27. Mục tiêu trong kế hoạch tài chính đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng. Vũ xác định đây là một khoản vừa để ở, vừa để tích sản, vừa là cách để tiết kiệm tiền.

Về tài chính, Vũ vay 1 tỷ đồng ngân hàng. 1 tỷ đồng còn lại đến từ khoản tiết kiệm nhiều năm đi làm, bố mẹ hỗ trợ. Vũ chỉ vay 100 triệu đồng từ bạn bè để làm nội thất. Vũ tính toán, với 1 tỷ đồng vay ngân hàng, mỗi tháng anh chỉ phải trả khoảng 11-12 triệu đồng/tháng cả gốc và lãi. Với mức lương 30 triệu đồng, Vũ tự tin có thể vừa trả nợ, vừa dư khoản tiền sống thoải mái.

Thế nhưng, cách đây chưa đầy 1 tuần, chính xác vào ngày 31/1/2023, Vũ nhận được mail thông báo: Công ty sẽ nợ lương tháng 1 và đứng trước nguy cơ phá sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Điểm rơi" giá nhà vẫn cách quá xa khả năng của người dân

Tình trạng sốt nhanh, hạ nhiệt sốc trong năm 2022 do nhiều yếu tố tác động đã khiến thanh khoản toàn thị trường bất động sản giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp hụt hơn vì thiếu vốn. Trước thực tế này, thay vì "chờ cứu", nhiều doanh nghiệp đã chủ động "tự cứu" lấy mình thông qua các chính sách chiết khấu, giảm giá bán nhằm kích cầu người mua, tăng thanh khoản.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quý IV/2022, đã có không ít các doanh nghiệp và tập đoàn hạ giá bán bất động sản từ 10 - 15%. Có dự án đã đưa ra chương trình chiết khấu từ 30 - 40%. Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc "xả hàng" và "bán cắt lỗ" đang diễn ra ngày càng nhiều.

Ở góc độ người bán, việc giảm giá sản phẩm, tăng chiết khấu không phải là chuyện đáng mừng nhưng với người mua, đặc biệt là những người có nhu cầu thực thì đây là tín hiệu tốt.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là: Giá nhà giảm nhưng người dân có nhu cầu ở thực có dễ dàng tiếp cận? Câu chuyện "an cư lạc nghiệp" liệu có được giải quyết?

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhiều người mua căn hộ tại TP.HCM gặp khó vì không tìm được "đòn bẩy tài chính"

Báo cáo thị trường quý IV/2022 của Savills Việt Nam cho thấy, ở phân khúc căn hộ tại TP.HCM, nguồn cung sơ cấp đạt trong năm 2022 là 21.000 căn, tăng 84% theo năm. Tuy nhiên, đến 80% trong số đó là các sản phẩm ra mắt trong 6 tháng đầu năm. Quý IV/2022 vừa qua chỉ ghi nhận 8.000 căn hộ mới mở bán. Các chủ đầu tư đang trải qua một giai đoạn khó khăn trong quá trình huy động vốn cũng như thủ tục hoàn thiện pháp lý phức tạp. Về tâm lý khách hàng, lạm phát và lãi suất vay có xu hướng tăng cao cũng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà vào thời điểm này.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM nhìn nhận, trong nửa đầu 2022, thị trường đã có những dấu hiệu hồi phục so với năm 2021. Tuy nhiên, đến nửa sau năm 2022, lượng giao dịch chậm hơn rất nhiều.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản: Nhóm lửa trong băng

"Có quá nhiều khó khăn trong năm qua, Ban lãnh đạo Công ty tìm đủ mọi cách để gồng gánh mà vẫn không tránh được tình trạng ‘cắt máu’ khi đầu quý IV/2022 buộc phải cắt giảm 30% nhân sự, giảm 20% lương nhân viên để tiết giảm chi phí, cố bám trụ với thị trường…". Đó là lời bộc bạch của ông T.H.P, Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc lớn khi nhìn lại năm 2022.

Có thể nói, trong năm qua, không chỉ doanh nghiệp ông P. mà nhiều doanh nghiệp bất động sản khác đều đã trải qua một trận “cuồng phong”, ảnh hưởng đến mọi hoạt động của doanh nghiệp. Bởi theo lời kể của vị này, có những tháng diễn ra không dưới 10 cuộc họp lúc 1 giờ sáng giữa ông và Ban lãnh đạo Công ty để giải quyết các khó khăn gặp phải.

Ông cho biết, đối diện với những khoản nợ ngân hàng đến ngày đáo hạn, những khoản lương định kỳ của hơn 300 nhân viên…, những cuộc họp giữa các phòng ban để tìm phương hướng giải quyết là vô cùng cần thiết nên có thể diễn ra vào bất kể thời gian nào.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Áp lực giảm lãi suất tiếp tục là thách thức với hệ thống ngân hàng

Đúng như dự báo, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) quyết định nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4,5 - 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Động thái này tiếp tục gây sức ép lên việc ổn định lãi suất trong nước. Nhiều chuyên gia nhận định, giảm lãi suất cho vay là mục tiêu quan trọng của nền kinh tế trong năm nay nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay điều này vẫn là bài toán khó.

Đánh giá về sự điều chỉnh của Fed, các chuyên gia nhận định, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới và việc giảm lãi suất thời gian tới phải là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển cho biết, thế giới vẫn đang nỗ lực kiểm soát lạm phát và chính sách tiền tệ của Fed cũng như ngân hàng trung ương các nước phát triển đều ở trạng thái phòng thủ, không hỗ trợ cho việc đầu tư.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top