Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: 70% khó khăn của thị trường bất động sản là do vướng mắc pháp lý
"Giải pháp bây giờ thì phải tập trung vào tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, cộng với các doanh nghiệp cần phải rà soát để điều chỉnh giá bất động sản", bà Hồng cho biết.
Báo cáo giải trình trước Quốc hội sáng 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đối với lĩnh vực tín dụng bất động sản, tăng trưởng tín dụng thường cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng với những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay thì 70% là khó khăn về pháp lý, cho nên giải pháp bây giờ thì phải tập trung vào tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, cộng với các doanh nghiệp cần phải rà soát để điều chỉnh giá bất động sản. Như vậy, sẽ kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp xây dựng bất động sản cũng như là người mua nhà.
Về phía Ngân hàng Nhà nước trong những tháng đầu năm, khi điều kiện thuận lợi và cầu tín dụng thấp thì chúng tôi cũng đã như đề cập là điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào, điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, cũng ban hành thông tư để cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải rà soát để giảm thủ tục hành chính cũng như là cho vay, căn cứ trên cơ sở phương án khả thi và có khả năng trả nợ và cũng không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo.
Đối với việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành dành nhiều thời gian để triển khai gói này, tuy nhiên kết quả vẫn thấp và đúng như các đại biểu đã nêu đó là tâm lý e ngại của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng thì khó có thể đánh giá như thế nào là có khả năng phục hồi. Trước tình hình đó Chính phủ cũng đã trình Quốc hội cho chuyển nguồn này, khoảng 24.000 tỷ đồng cho giảm thuế VAT và hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng đang trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43, bỏ cụm từ "có khả năng phục hồi" để tiếp tục triển khai.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Vẫn ban hành bảng giá đất hàng năm, bỏ phương pháp thặng dư trong định giá
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân đã được hoàn thiện, gửi các vị đại biểu Quốc hội.
Dự thảo Luật quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, Chính phủ tái khẳng định quan điểm tại tờ trình Luật Đất đai sửa đổi (dự thảo) mới được gửi đến Quốc hội.
Đây là Dự thảo đã được tiếp thu sau khi lấy ý kiến nhân vào đầu năm nay và ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hồi tháng 4/2023.
Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 263 điều, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân, tờ trình mới nêu.
Trước đó, ở dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 23, Chính phủ thiết kế quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm. Đồng thời quy định việc áp dụng bảng giá đất mới sẽ áp dụng từ 1/1/2026.
Khi đó, tại cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) có ý kiến quy định bảng giá đất ban hành hàng năm là khó thực hiện, đề nghị ban hành 2 năm 1 lần hoặc 5 năm 2 lần.
Dự thảo chính thức trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm vẫn quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Lý do, qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, cho thấy việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần, điều chỉnh khi có biến động 20% rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Xem thông tin chi tiết tại đây
ĐBQH Trịnh Xuân An: “Cần những giải pháp cấp bách vượt tiền lệ để cứu nguy cho doanh nghiệp”
"Thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn về dòng vốn, thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh", đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội chiều 31/5, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nêu thực tế tăng trưởng GDP quý I là 3,32% và để đạt được mục tiêu chung 6,5% cần phải có quyết tâm thật cao, mỗi quý còn lại phải đạt 7,5%. Do đó, cần phải tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp, chính sách chủ động, kịp thời. Cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm pháp, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực nội tại để phát triển.
“Cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí là vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp. Ta luôn xác định doanh nghiệp là nền tảng vật chất, động lực cho phát triển, nhưng từ các số liệu cho thấy hệ thống doanh nghiệp đang ở giai đoạn thực sự khó khăn. 4 nút thắt mà doanh nghiệp đã gặp phải, đó là: Thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn về dòng vốn, thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhìn vào những con số, ta thấy hệ thống doanh nghiệp đang thực sự khát về tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn. Nếu tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay và thủ tục vay”, ông An nêu thực tế.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhiều dự án chậm triển khai, đại biểu quốc hội đề nghị đẩy nhanh tiến độ quy hoạch
Tính đến thời điểm hiện tại, còn rất nhiều các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt. Dẫn đến việc nhiều dự án chậm triển khai đầu tư do thiếu quy hoạch.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 1/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Theo đó, một số đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch: quy hoạch quốc gia, quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành.
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho hay, tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội những tháng đầu năm bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng trong chỉ đạo và đạt được các kết quả ban đầu.
Tuy vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung giải pháp cụ thể hơn, tập trung chỉ đạo các vấn đề đang diễn ra chậm như tiến độ lập, thẩm định quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành. Bởi hiện có 92/111 quy hoạch chưa được phê duyệt. Trong khi hạn hoàn thành các quy hoạch là năm 2023. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đôn đốc thực hiện nhưng cần chỉ đạo quyết liệt hơn, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị để chậm trễ quy hoạch.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng hơn 30% sau 5 tháng
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh.
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ có 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 554 đơn vị, tăng tới 30,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hoàng Hải cho biết, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh.
Hiện nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý; trong đó, phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động...
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.