Aa

Bất động sản 24h: Văn phòng môi giới bất động sản “cửa đóng then cài”, thành nơi rửa xe

Thứ Sáu, 17/02/2023 - 10:20

Văn phòng môi giới bất động sản “cửa đóng then cài”, thành nơi rửa xe; Nhà ở xã hội cho thuê "ế hàng"... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Thị trường bất động sản với những khó khăn đè nén, theo đó thanh khoản và sức mua giảm mạnh. Thực trạng này khiến loạt văn phòng môi giới bất động sản tại Hà Nội đóng cửa im lìm, một số văn phòng chuyển thành nơi rửa xe, thậm chí phải treo biển cho thuê lại,...

Ghi nhận thực tế tại khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) hàng loạt văn phòng môi giới bất động sản được mọc lên như nấm vào thời điểm “sốt đất” 2 năm trước, hiện không còn tấp nập, nhộn nhịp khách hàng qua lại như trước.

Anh Nguyễn Phi, chủ một văn phòng môi giới bất động sản tại An Khánh cho biết, từ nửa cuối năm ngoái trở lại đây, khách hàng qua lại văn phòng ngày càng ít. Do đó, anh đang tính đóng cửa, trả mặt bằng và chuyển văn phòng về nhà riêng làm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giải tỏa “cơn khát” nguồn cung trên thị trường nhà ở: Doanh nghiệp rất cần được “tiếp sức”

Giá nhà tăng phi mã, các cơn sốt đất xảy ra, những dự án ma xuất hiện, người dân ngày càng hẹp cửa an cư... là những hệ lụy khó tránh khi nhìn từ thực trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường nhà ở trong suốt nhiều năm liền. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia, đó mới chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”. Trên thực tế, phần chìm của tảng băng còn là những hệ lụy sâu xa hơn khi góp phần khiến nền kinh tế đang trên đà hồi phục bị “ghìm cương”, cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của đất nước, hơn 40 ngành nghề liên quan bị ảnh hưởng, miếng cơm manh áo của hàng nghìn người lao động trong nhiều lĩnh vực khác nhau bị đè nặng.

Giá nhà ở tăng phi mã là hệ lụy nhãn tiền dễ thấy nhất và ảnh hưởng trực tiếp nhất đến giấc mơ an cư của đại bộ phận người dân. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2022, giá chung cư sơ cấp tăng từ 5 - 7%. Tại Hà Nội, giá bán phân khúc bình dân tăng khoảng 7%, phân khúc trung cấp tăng khoảng 18%, phân khúc cao cấp tăng khoảng 10%. Trong khi đó, trên thị trường thứ cấp, các căn hộ chung cư đã qua sử dụng cũng được đẩy giá tăng trung bình khoảng 15 - 20% tại khu vực nội thành ở những đại đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản chờ những giải pháp đột phá về pháp lý và nguồn vốn

Dự kiến vào ngày mai (17/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Hội nghị có sự tham gia của các Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, cùng với một số ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản lớn và các chuyên gia kinh tế, tài chính.

Ngay trước thềm hội nghị, Bộ Xây dựng cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn, giống như gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016. Đề xuất này nếu thành hiện thực sẽ là liều thuốc quý trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khiến nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà ở xã hội cho thuê "ế hàng"

Theo Bộ Xây dựng, qua các buổi làm việc và báo cáo của địa phương, doanh nghiệp gửi về cho thấy hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai thực hiện do nhiều nguyên nhân. Trong số này có cả các dự án nhà ở xã hội.

Nguyên nhân đầu tiên do vướng mắc trong giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính, theo báo cáo của các doanh nghiệp thì để thực hiện thủ tục này mất thời gian 1 - 2 năm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giải cứu thị trường bất động sản: Nên hay không?

Nửa cuối năm 2022 là thời điểm chứng kiến sự lao dốc mạnh của thị trường bất động sản Việt Nam, doanh thu các doanh nghiệp sụt giảm trong khi hàng loạt dự án bị đình trệ. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản đã giải thể trong năm 2022, tăng 39% so với năm trước đó.

Trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước sáng 8/2, hàng loạt ông lớn bất động sản đã đề xuất nhiều giải pháp để gỡ khó cho thị trường nhưng nhiều nhất vẫn là giải pháp liên quan đến tín dụng - chiếm 70% nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2022.

Ngày 17/2, Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì kỳ vọng cũng lắng nghe và chia sẻ nhiều giải pháp để khôi phục và phát triển thị trường bất động sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top