Aa

Bất động sản bán lẻ ảm đạm trước làn sóng trả mặt bằng

Thứ Tư, 21/07/2021 - 08:00

Hiện trạng lác đác khách thuê mới không đủ để hồi sức cho thị trường bất động sản bán lẻ trước làn sóng trả mặt bằng dâng cao trong quý II/2021.

Ảm đạm

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến thị trường bất động sản bán lẻ một lần nữa hứng đòn nặng nề, dù lác đác ghi nhận sự gia nhập cũng như mở rộng của một số thương hiệu quen thuộc trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực…

Quý II vừa qua xuất hiện một số thương hiệu ngoại mới gia nhập thị trường Việt Nam như Garmin với cửa hàng tại phố Phan Bội Châu (Hà Nội), Kon&Co, thương hiệu bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc tại AEON Mall Hà Đông, hay cửa hàng Muji đầu tiên tại Hà Nội mới được khai trương tại Vincom Center Metropolis.

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến các sàn bán lẻ thêm khó khăn
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến các sàn bán lẻ thêm khó khăn. Ảnh: Đức Thanh

Còn tại TP.HCM, nổi bật là Rolls-Royce, nhãn hiệu xe sang lần đầu gia nhập thị trường Việt Nam.

Các hoạt động gia nhập và mở rộng thị trường, các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đem lại chút ít hy vọng cho sự ấm lên của bất động sản bán lẻ, song tình hình chung vẫn rất ảm đạm.

Theo thống kê, nếu như số lượng người ghé thăm các trung tâm thương mại hoặc không gian bán lẻ gia tăng và có triển vọng phục hồi tốt trong quý I/2021, thì đến quý II, con số này đã sụt giảm đáng kể khi Hà Nội liên tục thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, đặc biệt là chỉ thị dừng hoạt động các quán ăn đường phố, cà phê, trà đá vỉa hè từ ngày 3/5 đã tác động lớn đến thị trường bán lẻ.

CBRE đánh giá, so với cùng kỳ năm trước, thị trường bán lẻ ở thời điểm hiện tại chưa có sự phục hồi đáng kể. Về nguồn cung, bất động sản bán lẻ Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý II, diện tích sàn bán lẻ cho thuê đứng im ở mức hơn 1 triệu m2 diện tích sàn hiệu dụng (NLA).

Giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí dịch vụ) tại các trung tâm thương mại ở khu vực ngoài trung tâm Hà Nội tiếp tục sụt giảm do một số dự án có tỷ lệ trống cao giảm giá để giữ chân khách thuê và hỗ trợ các khách thuê gặp khó khăn. CBRE ước tính giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm Hà Nội là 29 USD/m2/tháng, giảm 3,8% theo năm. Tỷ lệ trống các khu vực ngoài trung tâm vẫn ở mức cao, tới 14,6%, cao hơn 4,8 điểm phần trăm theo năm.

Ở khu vực trung tâm Hà Nội, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng một cũng đi xuống, còn 102 USD/m2/tháng, giảm 1,9% theo quý và 1,7% theo năm. Tỷ lệ trống trung bình ở khu vực này là 10,8% do một số diện tích ở các tầng cao vẫn “đói” khách thuê mới. So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này đã tăng 10,1 điểm phần trăm.

Covid-19 bùng phát đã làm suy giảm nhu cầu mua sắm trong phân khúc bán lẻ. Hầu hết các nhãn hàng đã quyết định tạm dừng kế hoạch mở rộng cho tới khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.

Đánh giá thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội trong nửa đầu năm 2021, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại của Savills Hà Nội cho rằng, Covid-19 bùng phát đã làm suy giảm nhu cầu mua sắm trong phân khúc bán lẻ. Hầu hết các nhãn hàng đã quyết định tạm dừng kế hoạch mở rộng cho tới khi tình hình dịch bệnh được cải thiện. Các ngành hàng, đặc biệt là nhóm ngành dịch vụ ăn uống, vẫn duy trì được sự ổn định nhờ các nền tảng bán hàng trực tuyến và dịch vụ giao hàng, giúp duy trì công suất thuê ở mức cao trên mặt bằng chung của thị trường.

Tương tự, TP.HCM, “đầu tàu” của thị trường bất động sản bán lẻ cũng không đón nguồn cung mới trong quý II. Tổng nguồn cung ở mức 1,5 triệu m2 diện tích sàn hiệu dụng.

Trong quý II, thị trường bán lẻ TP.HCM đón thêm các “tân binh” như Marc Jacob, Dyson và Under Amour mở cửa hàng tại một số trung tâm mua sắm lớn như Saigon Centre và Crescent Mall. Trong khi đó, những thương hiệu như Manwah, Tokyo Deli và chuỗi Golden Gate vẫn tiếp tục mở rộng kinh doanh.

Trái lại, nhà phố thương mại trên các trục đường chính ở TP.HCM đang gặp khó do làn sóng trả mặt bằng của khách thuê ngành dịch vụ nhà hàng và ăn uống (F&B). Nhiều chủ nhà đã phải giảm giá thuê đến 30%.

Nguồn cung tương lai dễ bị kìm chân

Covid-19 nhiều khả năng làm trì hoãn lễ ra mắt của các trung tâm bán lẻ trong nửa cuối năm 2021. Trước đó, Vincom Mega Mall Smart City (Hà Nội) với 44.000m2 diện tích cho thuê đã dời ngày khai trương một lần nữa từ tháng 4 sang tháng 8.

Savills Việt Nam ước tính, Hà Nội sẽ đón nguồn cung rất lớn trong nửa cuối năm 2021, lên tới 120.000m2 diện tích cho thuê. Từ nay đến cuối năm 2021, dự kiến có 12 dự án bán lẻ được ra mắt tại Hà Nội, với 98% nguồn cung ở khu vực ngoài trung tâm.

Về lực đẩy cho thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội, đại diện CBRE cho rằng, các dự án mới, cùng với sự mở rộng, gia nhập của các nhãn hàng hứa hẹn sẽ là những yếu tố chính trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát. Trong các quý tới, các nhãn hàng thời trang, ẩm thực và siêu thị tiếp tục ra mắt tại Hà Nội, giúp thị trường bán lẻ Thủ đô sôi động hơn.

Ngoài ra, các yếu tố kích thích sự phục hồi của thị trường bán lẻ đến từ việc phát triển mô hình đa kênh nâng cấp cửa hàng, các biện pháp hỗ trợ khách thuê và quan trọng nhất là các biện pháp chống dịch quyết liệt của Chính phủ, với quyết tâm đạt tỷ lệ tiêm chủng cho 70 - 75% dân số vào quý I/2022, hứa hẹn triển vọng phục hồi của thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa để thị trường quay trở lại như trước dịch.

Đối với thị trường TP.HCM, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp cũng làm trì hoãn hoạt động khai trương của các dự án bán lẻ. Trong nửa cuối năm 2021, nguồn cung tương lai dự kiến của TP.HCM ước đạt 37.000m2 diện tích sàn hiệu dụng từ 3 dự án hiện hữu, trong đó 92% nguồn cung tập trung tại khu vực trung tâm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top