Aa

Bất động sản Bình Dương - nhìn lại một thập kỷ với những sai phạm đất đai

Thứ Sáu, 25/06/2021 - 06:00

Nếu 10 năm trước, bất động sản Bình Dương được xem là “miếng bánh” hấp dẫn thì đến nay hệ quả của việc phát triển nóng, quản lý yếu kém đã dẫn đến hàng loạt sai phạm và những cuộc tháo chạy của nhà đầu tư.

TỪ SỐT ĐẤT ĐẾN LOẠT SAI PHẠM

Vào những năm 2010, Bình Dương được biết đến là một địa phương có thị trường bất động sản nhiều tiềm năng nhất tại phía Nam nhờ lợi thế liền kề với TP.HCM và hạ tầng phát triển. Đặc biệt, từ năm 2014, giữa lúc thị trường bất động sản chung của phía Nam gặp nhiều khó khăn thì thị trường bất động sản Bình Dương vẫn khá sôi động bởi sự kỳ vọng việc “dời đô” của trung tâm hành chính của Bình Dương về Thành phố mới sẽ khiến nơi đây trở thành thiên đường của hoạt động kinh doanh bất động sản. Người dân Bình Dương và lượng lớn cán bộ, chuyên gia, nhân công sẽ hội tụ về địa phương này sinh sống và kinh doanh.

Cùng với đó, hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới đã đổ vốn vào Bình Dương như Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) thông qua Becamex IDC đã đầu tư 1,2 tỷ USD xây dựng Khu đô thị Tokyu Bình Dương tại Thành phố mới Bình Dương; dự án của Công ty TNHH Thiết kế và xây dựng Phú Thăng Long (Đài Loan) có tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD, diện tích đất sử dụng hơn 300ha; công ty TNHH MTV Setia Lái Thiêu (Malaysia) cũng đã đổ hàng trăm triệu USD để xây dựng dự án Becamex Setia; tập đoàn VSIP của Singapore “bắt tay” với Công ty Becamex IJC đầu tư Dự án IJC @ VSIP tại Thành phố mới Bình Dương với tổng vốn khoảng 1.024 tỷ đồng…

Ăn theo những dự án này, các chủ đầu tư ở tỉnh đưa ra thị trường rất nhiều sản phẩm đất nền, với giá cực kỳ hấp dẫn. Rồi xuất hiện tình trạng khách hàng mua đi bán lại với giá chênh hàng trăm triệu đồng/m2. Theo tính toán, tại thời điểm sốt đất, cả tỉnh Bình Dương chỉ có khoảng 1,5 triệu dân, nhưng trên địa bàn lại có đến vài triệu lô đất nền. Tuy nhiên, sau sự sôi sục với đại dự án, thị trường bất động sản Bình Dương đã nguội dần và bước vào kỳ ngủ đông kéo dài.

Được kỳ vọng sẽ trở thành một Singapore thu nhỏ, Thành phố mới Bình Dương từng tạo ra nhiều cơn sốt đất cho địa phương này (Ảnh sưu tầm)

Tuy nhiên, vào cùng thời kỳ của những cơn sốt đất, Bình Dương cũng xuất hiện nhiều các vụ sai phạm đất đai dẫn đến địa phương bị thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Theo thông báo Kết luận thanh tra số 2923/TB-TTCP ngày 1/12/2014 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ năm 2006 - 2011 đã cho thấy rất nhiều vụ sai phạm.

Đáng chú ý là có 65 trường hợp được UBND tỉnh Bình Dương giao đất ở có thời hạn không những không đúng quy định của Luật Đất đai 2003 mà còn chưa được điều chỉnh sang giao đất ở lâu dài theo quy định và chưa thu tiền sử dụng đất bổ sung theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; có 3 trường hợp giao đất ở có thời hạn đã được UBND tỉnh điều chỉnh sang giao đất ở lâu dài nhưng chưa được cơ quan thuế của tỉnh thu tiền sử dụng đất bổ sung theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đáng nói nữa, có tới 2 khu công nghiệp là Mỹ Phước I, Mỹ Phước II do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV làm chủ đầu tư và 117 tổ chức thuộc diện phải điều chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP và Nghị định số 121/2010/NĐ-CP của Chính phủ nhưng chưa thực hiện điều chỉnh.

Nghiêm trọng hơn, năm 2005, UBND tỉnh Bình Dương giao 4,2ha đất công ở phường Chánh Nghĩa (TP Thủ Dầu Một) cho Công ty cổ phần Xây dựng Bình Dương mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Tương tự, 17,6ha đất công tại xã Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên) cũng được tỉnh cho Công ty TNHH Kim Long thuê không thông qua đấu giá quyền thuê đất. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, cả hai vụ việc giao đất và cho thuê đất này đều trái với quy định của Luật Đất đai…

Theo Thanh tra Chính phủ, tính đến giữa năm 2013, Bình Dương đã để số tiền nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất lên tới 892,4 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, sau nhiều lần thanh tra, vào tháng 4/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các lãnh đạo chủ chốt Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH Một thành viên (TCT Bình Dương) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Vụ án sau đó được chuyển giao Bộ Công an. Từ cuối năm 2020, vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Theo kết luận thanh tra, việc TCT Bình Dương chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú và việc chuyển nhượng 30% vốn góp sang cho Công ty CP Bất động sản Âu Lạc đã làm thất thoát ngân sách nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng do định giá thấp hơn giá đất do UBND tỉnh ban hành. Đặc biệt là việc chuyển nhượng không đấu giá công khai theo quy định tại điểm B, mục 4, Điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ban hành ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước là phải đưa ra đấu giá công khai.

Mặc dù những sai phạm của TCT Bình Dương rất nghiêm trọng và lặp đi lặp lại trong thời gian dài, trái với chủ trương, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, nhưng điều lạ là những sai phạm sau đó lại được một số cá nhân lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương “hợp thức hóa”, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước, gây dư luận xấu. Trước sự việc trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc...

Khu đất công 43ha tại trung tâm TP Thủ Dầu Một
Liên quan đến 43 ha đất vàng của Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật hàng loạt lãnh đạo tỉnh Bình Dương, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam.(Ảnh sưu tầm)

Tại kỳ họp thứ 4 vừa qua (14 - 16/6), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra kết luận về sai phạm và đề nghị xem xét kỷ luật nhiều lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. Tới ngày 18/6, Bộ Chính trị đã họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021 và một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Trong đó, ông Trần Văn Nam, với cương vị là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khoá XIV, chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ông Trần Văn Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh uỷ và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng Công ty 3/2; buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; chỉ đạo hợp thức hoá tài liệu để che giấu vi phạm; gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách của Đảng, Nhà nước và nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh vi phạm kỷ luật đảng, bị khởi tố hình sự.

Đối với ông Phạm Văn Cành, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm Quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh uỷ; chịu trách nhiệm trực tiếp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quản lý đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước, việc ký văn bản hợp thức hoá sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án liên quan đến vốn góp của Đảng, Nhà nước cho tư nhân và để xảy ra các vi phạm tại Tổng Công ty 3/2. 

Ông Trần Thanh Liêm, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương, chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh uỷ; chịu trách nhiệm trong việc bổ sung văn bản để hợp thức hoá sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án liên quan đến vốn góp của Đảng, Nhà nước cho tư nhân. Cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều cán bộ chủ chốt khác vướng vào vụ sai phạm này bị đề nghị chịu trách nhiệm và thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng. 

Vị trí đắc địa của khu đất 43ha ở Bình Dương liên quan đến nhiều lãnh đạo địa phương (Ảnh sưu tầm).

Có thể khẳng định rằng, trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt nhiều mảnh đất cho doanh nghiệp phát triển các dự án đô thị, khu công nghiệp với mục đích tốt đẹp là phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng, quy trình thực hiện liệu có đúng với chủ trương của Chính phủ hay lại bị làm méo mó? Số diện tích đất được thu hồi lên đến hàng trăm ha có được tổ chức đấu thầu công khai để thu về tối đa dòng tiền cho ngân sách? Nếu như Bình Dương thực hiện công khai, minh bạch về phê duyệt quy hoạch, cấp đất thì có lẽ không xảy ra các sai phạm “đình đám” như kết luận của thanh tra vừa qua.

Hơn thế nữa, Bình Dương xưa nay nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp được Nhà nước cho thuê quỹ đất lớn, có những doanh nghiệp được “ưu ái” chuyển nhượng lại đất sản xuất (hoặc tài sản gắn liền trên đất thuê hàng năm). Sau đó, tỉnh Bình Dương lập tức giao đất thuê trên cho doanh nghiệp, đồng thời chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị, cho phép phân lô, bán nền để bán ra thị trường với giá từ 20 - 25 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn. Ước tính số tiền chênh lệch từ “buôn rẻ bán đắt” của hàng chục dự án phân lô bán nền đất này lên đến cả nghìn tỷ đồng?

Theo chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, đối với các doanh nghiệp địa ốc, với một quỹ đất lớn, có thể là đất nông nghiệp đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, chỉ cần lo chi phí đăng ký, giấy phép cho lô đất lớn của mình, rồi đền bù. Doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản là đã có thể phân lô, bán cho các nhà đầu tư, lợi nhuận thu về lại rất cao, có thể bán giá chênh gấp 10, gấp 20 lần so với giá thành. Trong khi đó, quỹ đất tại các tỉnh lẻ vẫn còn dồi dào. Với cách làm này, doanh nghiệp vừa không mất vốn lớn, vừa có thể quay vòng vốn nhanh, chưa kể đến việc giá đất tăng do đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, để thực hiện được dự án một cách dễ dàng, không loại trừ khả năng có sự “móc ngoặc”, tiếp tay, “lợi ích nhóm” từ phía cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước.

VẾT XE ĐỔ BÌNH DƯƠNG… VÀ BÀI HỌC CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Câu chuyện Bình Dương nhắc dư luận nhớ đến các vụ sai phạm đất đai tại TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà từng khiến hàng loạt cán bộ lãnh đạo “ngã ngựa”. Đơn cử như tại TP.HCM, nhiều quan chức giai đoạn 2010 - 2016 bị đề nghị xem xét kỷ luật, có người bị cách chức vì những sai phạm nghiêm trọng tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy.

Tại Đà Nẵng, trong vụ việc để Vũ Nhôm thâu tóm đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước không qua đấu giá, trái quy định của pháp luật, các cựu lãnh đạo Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011; Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014; Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng bị đưa ra xét xử với mức án đề nghị thấp nhất là 3 năm tù, nhiều nhất là 11 năm tù. 

Liên quan đến sai phạm đất đai tại Khánh Hoà, cuối năm 2019 Ban Bí thư cũng đã công bố kết luận kỷ luật bằng hình thức cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về những sai phạm trong cấp đất và phê duyệt giá đất dự án thấp hơn đơn giá đất của Nhà nước...

Cũng vào cuối năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết về những sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, tùy tiện làm trái quy định, vi phạm pháp Luật Đất đai.... Cùng với đó, tiến hành kỷ luật với ông Trần Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết; ông Phạm Thanh Thái, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường và một số cán bộ liên quan đến sai phạm đất đai. 

Đó chỉ là một vài ví dụ trong số hàng nghìn vụ sai phạm về quản lý đất đai trên phạm vi cả nước. Nhưng đều cho thấy, đất đai như miếng mồi ngon để những chiếc vòi bạch tuộc tham nhũng bám lấy. Vậy pháp luật về quản lý đất đai của nước ta đang có vấn đề hay vì những chuyện gì mà sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai lại nhiều và nghiêm trọng như vậy?

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc thất thoát đất công tại Bình Dương cũng tương tự các tỉnh, thành phố đã xảy ra trước đó. Tình trạng lợi ích nhóm cực kỳ nguy hiểm, bởi đây là nguồn cơn dẫn tới việc buông lỏng quản lý, tắc trách của lãnh đạo.

Nguyễn Thế Điệp

“Rõ ràng, đây là những sai phạm nghiêm trọng, vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí lớn. Thực tế, có thể thấy các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, đối với những vụ việc này đã tạo ra sự không công bằng, mất lòng tin của người dân vào các cấp quản lý. Nhà nước cần có những hình thức xử phạt mạnh tay để làm gương cho các địa phương khác”, ông Điệp nhận định.

Theo ông Điệp, tài nguyên đất đai vốn là tài sản lớn của xã hội, chính thế sẽ có nhiều các quy định chặt chẽ để quản lý, nhiều khi chính cán bộ lãnh đạo không am hiểu hết rất dễ có những quyết định sai lầm. Tuy nhiên việc lãnh đạo không am hiểu là chuyện khó xảy ra, có thể quyết định sai lầm này xuất phát từ việc lợi ích nhóm.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng chia sẻ, không chỉ Bình Dương, trong vài năm qua, khá nhiều vụ “động trời” liên quan tham nhũng đất đai đã được xử lý. Nhiều quan chức cấp cao của Trung ương, địa phương, kể cả cán bộ cấp cao thuộc lực lượng vũ trang đã phải đối mặt với lao lý hoặc đã bị kỷ luật ở mức độ nặng.

Theo ông Võ: “Pháp luật quy định đất công, bất động sản công thuộc sở hữu toàn dân nhưng trao thẩm quyền định đoạt cho một số cương vị lãnh đạo thuộc bộ máy hành chính. Như vậy, khi bộ máy hành chính có quyền quyết định cả về đất đai và giá trị đất đai thì có thể bị lợi ích chi phối, lúc này chỉ trông chờ vào đạo đức của người có thẩm quyền quyết định. Trong cả lý luận và thực tiễn, người ta đã chỉ ra rằng rủi ro tham nhũng luôn xuất hiện tại những nơi mà quyền lực quyết định không được kiểm soát, nhất là khi thực thi quyền quyết định tạo ra được lợi ích cho một nhóm người nào đó”.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, thực tế không phải Nhà nước không nhận thấy giá trị của đất công mà cái tư lợi của một số cán bộ Nhà nước vẫn đang rất lớn. Một bộ phận đang bỏ qua lợi ích chung để phục vụ mục đích cá nhân, lợi ích nhóm. Bản thân việc xử lý cán bộ phải nghiêm minh, rồi mới đến xử lý vụ việc. Nếu chúng ta tiếp tục xử lý theo kiểu cầm chừng, cán bộ sai phạm chỉ bị khiển trách nhẹ sẽ không giải quyết được vấn đề mà lãng phí vẫn hoàn lãng phí.

GS-Đặng Hùng Võ

Theo đó để các địa phương không đi vào vết xe đổ của Bình Dương, Đà Nẵng, Khánh Hoà, theo ông Võ có một số bài học: Thứ nhất , hệ thống pháp luật đất đai còn nhiều khoảng trống, làm cho việc quản lý đất đai và tài sản gắn liền thuộc phạm vi công sản không chặt chẽ, dễ gây thất thoát. Do chế độ sở hữu đất đai thuộc toàn dân nên toàn bộ đất đai đều là tài sản công, không phân biệt được khái niệm “đất công” và “đất tư” như ở các nước khác.

Theo đó, khái niệm “đất công” phải được bổ sung vào Luật Đất đai, bao gồm đất chưa sử dụng; đất nhà nước chưa giao, chưa cho thuê; đất sử dụng vào mục đích công cộng và đất do các tổ chức của nhà nước sử dụng... Đồng thời phải nâng cao năng lực của tổ chức phát triển quỹ đất, chuyển sang hình thức doanh nghiệp nhà nước, chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp toàn bộ đất công.

Hai là, thể chế quản lý về đất đai chưa phù hợp cơ chế thị trường. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định cả về hành chính, quy hoạch và tài chính là một thể chế tập trung quyền lực quá lớn, quyền lực chưa được kiểm soát và chứa đựng nhiều rủi ro tham nhũng. Tại các nước phát triển, cơ quan hành chính chỉ quản lý hành chính về đất đai, tài chính và quy hoạch về đất đai do hệ thống khác quản lý.

Ba là, việc tuyển dụng cũng chưa thực sự lựa chọn được các cán bộ có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức tốt. Đây là nguyên nhân chính làm cho tài sản công bị lợi ích nhốm chi phối thành lợi ích riêng.

Như vậy, theo vị chuyên gia này cần sửa đổi pháp luật đất đai sao cho thật chuyên nghiệp; đổi mới thể chế và tổ chức quản lý đất đai sao cho tạo được hiệu quả cao về quản lý, sử dụng; tuyển dụng cán bộ quản lý sao cho thực sự chí công, vô tư. Ngoài ra, Nhà nước phải mở cửa cho người dân tham gia giám sát bởi mọi ngóc ngách đều có mặt người dân. Việc mở cửa tiếp nhận ý kiến giám sát của người dân thì tự khắc người dân sẽ tham gia giám sát và sẽ phát hiện những sai phạm.

Cũng nhận định về sai phạm dẫn đến thất thoát đất công, theo ông Điệp, nguyên nhân trước tiên phải nói tới là Luật Đất đai. Mặc dù bộ Luật đã có các quy định tương đối chặt chẽ, tuy nhiên vẫn có những bất cập, thiếu thực tế, tạo ra những kẻ hở. Chính vì thế, nhiều đối tượng sẽ lợi dụng sự kẽ hở của luật pháp nhằm trục lợi, trong đó có cả những cán bộ quản lý.

“Để ngăn chặn triệt để tình trạng thất thoát này, theo tôi, những nhà làm luật cần bám sát hơn với thực tế, ngoài ra trong quá trình hoàn thiện luật có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản. hơn nữa, cũng cần có những chế tài nghiêm minh, xử lý mạnh tay hơn đối với những cá nhân, tập thể làm trái quy định, gây thiệt hại lớn cho xã hội

Đối với lãnh đạo các địa phương phải nhìn nhận rõ vấn đề trong quá trình quản lý đất công, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định và luật để tránh xảy ra những thiệt hại, gây thất thoát tiền, tài nguyên xã hội. Hơn nữa, cần công khai, minh bạch các vấn đề khi bàn giao đất công cho tổ chức, cá nhân sử dụng”, ông Điệp cho hay.

Từ hàng loạt vụ việc cán bộ cấp cao lâm vào cảnh tù tội vì đất đã xảy ra trong thời gian qua khiến cũng đặt nhiều điều phải suy ngẫm, như hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi cần phải sửa đổi Luật Đất đai với những quy định chặt chẽ hơn - như là chiếc “vòng kim cô” để khắc chế lòng tham của những cán bộ có chức có quyền lợi dụng “quyền” của mình để trục lợi đất đai.

Chia sẻ về câu chuyện này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, đoàn Luật sư Hà Nội cho hay: "Bất động sản là một lĩnh vực đặc thù, bị chi phối bởi rất nhiều luật liên quan, trong đó nền tảng là Luật Đất đai. Do đó, chính sách đất đai nói chung có tác động rất lớn đến sự tồn vong, phát triển của doanh nghiệp. Những bất cập của Luật Đất đai và các văn bản dưới luật là lỗ hổng rất lớn để các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, tự tung tự tác. Biểu hiện cụ thể mà ai cũng biết, ai cũng thấy, đó là sự cấu kết giữa doanh nghiệp với những quan chức có thẩm quyền ký quyết định mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. "Tệ nạn" này địa phương nào cũng có. Ở đâu đất càng có giá trị thương mại thì ở đó tình trạng càng trầm trọng".

luật sư Nguyễn Thanh Hà

Luật sư Hà dẫn chứng nhiều vụ vi phạm về đất đai bị điều tra, xét xử mà người phạm tội là quan chức như cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, các cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành, các cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Tài, mới đây nhất là vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Trần Văn Nam...

Theo luật sư, đây chỉ là một vài ví dụ trong hàng loạt vụ sai phạm về quản lý đất đai trên phạm vi cả nước trong thời gian qua. Phần lớn những vụ việc vi phạm, gây thất thoát đất đai đều có chung mô típ là quan chức tiếp tay, chuyển nhượng hoặc giao đất theo hình thức chỉ định nhà đầu tư thân hữu với giá “siêu ưu đãi” hay những sai phạm “khủng” liên quan đến việc “hô biến” đất vàng thành dự án tư lợi tại các địa phương.

"Một số lỗ hổng trong Luật Đất đai và các văn bản dưới luật đã bị các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, tự tung tự tác. Vì thế, sửa đổi Luật Đất đai là yêu cầu cấp bách cho không riêng một lĩnh vực nào mà trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước; là yêu cầu cấp bách của nền kinh tế thị trường.

Nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang kỳ vọng vào các gói hỗ trợ của Chính phủ khi chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, khó khăn chồng khó khăn, thì việc sửa đổi những bất cập, thúc đẩy quá trình chuyển dịch đất đai, biến đất đai thành công cụ tài chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản khởi động và tái khởi động các dự án, tăng nguồn cung cho thị trường lại càng trở nên bức thiết", Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh. 

*Thiết kế: Lê Quyên

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top