Số liệu của CBRE cho thấy, trong năm 2018, về doanh số bán hàng, có khoảng 26.000 căn hộ được bán. Mặc dù con số này giảm 11% nhưng khoảng cách giữa lượng mở bán mới và doanh số bán dần thu hẹp.
Cụ thể, tỷ lệ giữa doanh số bán và số căn mở bán mới đã tăng từ 81% (năm 2017) lên 88% (năm 2018). Các dự án có doanh số bán hàng khả quan là các dự án nằm gần các cơ sở hạ tầng tương lai như vành đai 2 trên cao hay tuyến Metro số 2A. Thêm vào đó, các sự án ở vị trí tốt tại khu vực phía Tây – khu vực trung tâm mới cũng có doanh số khá tốt, trung bình 70% cho một đợt mở bán.
Về giá bán trung bình, CBRE cho hay, tại thị trường Hà Nội, giá khá ổn định do sản phẩm thuộc phân khúc trung cấp chiếm lĩnh thị trường. Trong khi Hà Nội vẫn là thị trường của ngườii mua để ở, khả năng chi trả vẫn đóng vai trò quan trọng với người mua. Tuy nhiên, vẫn thấy có sự tăng giá ở một số dự án cao cấp, đặc biệt là các vị trí như Hồ Tây và dọc trục vành đai 3.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE tại Hà Nội đưa ra dự báo: “Trong năm 2019, các sản phẩm trung cấp sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với lượng mở bán lớn từ các khu đô thị. Đối với phân khúc cao cấp và hạng sang, các diễn biến gần đây tại các khu đất vàng ở Hà Nội cho thấy dấu hiệu trở lại của phân khúc này sau hai năm không có nguồn cung mới. Về vị trí, trên 50% nguồn cung mới vẫn ở phía Tây, phía Đông dự báo sẽ trở nên sôi động hơn với khoảng 30% lượng mở bán mới.
Bên cạnh đó, bà An cũng cho biết đã có sự tái khởi động của các dự án ở vị trí đắc địa, kỳ vọng sẽ có nguồn cung cao cấp tăng lên. Bởi thời gian vừa qua, Hà Nội cũng thiếu vắng các sản phẩm cao cấp, dẫn đến những lo ngại về cung cầu. Hơn nữa, sản phẩm cao cấp, hạng sang vẫn có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước.
Ngoài ra, do khả năng tăng giá thuê tại các dự án trung tâm cũng tốt hơn nên về mặt dài hạn và trung hạn, sản phẩm cao cấp trong trung tâm thành phố vẫn là lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính.
Bà An nhận định: “Có một thực tế là là nhiều nhà đầu tư xuyên quốc gia đang sở hữu những bất động sản cao cấp ở nhiều nước khác nhau. Chúng ta cũng không loại trừ khả năng các nhà đầu tư như vậy đang nhìn nhận về thị trường Việt Nam và chúng ta chưa có thêm các lựa chọn cho họ”.
Bà An cũng cho biết thêm, với TP.HCM, 2018 là một năm sôi động của phân khúc cao cấp khi có thể nhìn thấy sự tăng giá mạnh mẽ.
TP.HCM cũng đã là một điểm đến hấp dẫn về thị trường nhà ở cho người nước ngoài. Rất nhiều người nước ngoài đã quen làm ăn, kinh doanh và khi có những dự án tốt thì quyết định đầu tư sẽ không phải là khó khăn với họ.
Tuy nhiên, cũng dẫn đến những lo ngại rằng sự thu hút đầu tư như vậy sẽ dẫn đến những tín hiệu về đầu cơ. Song nếu nhìn chung thị trường thì sức nóng đó chỉ diễn ra trên một phân khúc và cũng chỉ dành cho một số nhà đầu cơ nhất định còn phần lớn nguồn cung nhà ở đều dành cho đại đa số người dân.
Ngoài ra, báo cáo của CBRE cho hay trong quý IV/2018, nguồn cung nhà liền thổ mới đạt 1.167 căn. Phần lớn trong số này là sản phẩm của các đợt mở bán tiếp theo của các dự án tồn tại từ trước. Chỉ có 2 dự án mở bán mới là LK Ngân Hà và FLC Premier Parc, đều nằm ở khu tây.
Doanh số bán trong quý IV rất ấn tượng với 1.180 căn, cao nhất trong năm 2018. Tổng cộng có 2.700 căn bán được cao hơn mức chào bán mới trong năm là 2.606 căn. Điều này cho thấy sự quan tâm của thị trường đối với các sản phẩm nhà ở gắn liền với đất.
Về giá bán, quý IV không ghi nhận sự thay đổi về giá trung bình thứ cấp so với quý trước, đạt mức 3.600 USD/m2 đất, bao gồm chi phí xây dựng nhà. Giá thứ cấp thị trường nhà biệt thự đã dao động ở mức 3.600 – 3.800 USD/m2 trong khoảng 3 năm gần đây. Trong các quý sắp tới, dự kiến thị trường sẽ có nhiều dự án quy mô lớn được mở bán, bao gồm cả mở bán lần đầu và mở bán giai đoạn sau, ở Gia Lâm, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Đông Anh.
Nhận định chung về thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2019, ông Henry Chin, Trưởng Bộ phận nghiên cứu CBRE khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho hay: “Các yếu trong khu vực cũng sẽ có tác động nhất định đến thị trường bất động sản Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển mấy năm gần đây cho thấy Việt Nam đã lọt vào đích ngắm của nhiều nhà đầu tư với nhiều lợi thế được xem là ưu điểm để có thể cạnh tranh. Điển hình là trong phân khúc bất động sản cho thuê, mặt bằng thương mại, nhà xưởng...
Những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến các tập đoàn, nhà đầu tư trên thế giới hướng tới các khu vực đầu tư mới như Đông Nam Á và Việt Nam. Đây là tiền đề tốt cho phát triển của bất động sản công nghiệp. Kinh tế tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát sẽ là đòn bẩy cho thị trường bất động sản Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trên tất cả các phân khúc vào năm 2019.