Năm 2019 là một năm tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và logistics Việt Nam khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào các ngành chế biến và chế tạo vẫn gia tăng tích cực.
Nhu cầu thiết lập các nhà máy tại Việt Nam tăng cao thời gian gần đây đã góp phần giúp thị trường bất động sản công nghiệp trở nên sôi động hơn. Các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lớn nhanh chóng được lấp đầy.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho biết: “Chúng tôi làm việc với rất nhiều doanh nghiệp cần thuê kho xưởng hay thuê đất để xây nhà máy. Nhu cầu tìm kiếm vị trí và đầu tư đang tăng rất nhanh trong vòng 2 năm qua. Vì sao, có nhiều lý do. Kinh tế Việt Nam đã phát triển hơn. Thị trường tiêu dùng của Việt Nam đang được đánh giá rất hấp dẫn. Hạ tầng kết nối cũng là yếu tố cốt lõi để phát triển bất động sản công nghiệp”.
Khi diện tích đất công nghiệp dần bị thu hẹp, chủ đầu tư của các khu công nghiệp có xu hướng chuyển sang xây dựng nhà xưởng xây sẵn. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách thuê.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, có nhiều yếu tố chính khiến bất động sản công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 là “cơ hội vàng” cho nhà đầu tư. Thứ nhất, trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, Việt Nam được ghi nhận là trở thành một cứ điểm sản xuất quan trọng trong 5 năm tới.
Thứ hai, thương mại điện tử Việt Nam tăng nhanh, theo đó logistics (kho vận) cũng phải đồng bộ. Vì thế, các doanh nghiệp logistics cũng đang nhanh chóng đầu tư hạ tầng để chiếm giữ miếng bánh lớn trong tương lai. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Thứ 3, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện vẫn chưa có kết cục rõ ràng và thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang ít nhiều hưởng lợi từ điều này và đạt đà tăng trưởng cao.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do như là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ xóa bỏ 99% thuế hải quan, hàng hóa thông thương sẽ gia tăng, thu hút vào lĩnh vực bất động sản Công nghiệp.
Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam hiện có 328 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó có 256 KCN đã đi vào hoạt động, 72 KCN đang xây dựng, 46 KCN đã đạt tỉ lệ lấp đầy và đang được mở rộng.
Với sự phát triển này, các chuyên gia đầu ngành về kinh tế và bất động sản nhận định phân khúc bất động sản công nghiệp giai đoạn 2020-2025 sẽ là “cơ hội vàng” cho các nhà đầu tư
Thực tế cho thấy, hiện nay, nhà đầu tư từ EU và nhà đầu tư nước ngoài nói chung, đang đẩy mạnh liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp nội địa, nhằm khai thác triệt để tiềm năng của thị trường công nghiệp - thương mại điện tử - logistics tại Việt Nam. Các quốc gia đang đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Thị trường giá thuê đất công nghiệp đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu dịch chuyển, cụ thể, tại khu vực miền Bắc giá thuê đất theo chu kỳ khoảng 88,2 USD/m2/chu kỳ thuê, tương đương với trên 2 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê. Con số này tại miền Nam là 132 USD/m2, tương đương với trên 3 triệu đồng/m2/ chu kỳ thuê.
Đối với nhà xưởng xây sẵn, giá thuê tại miền Bắc khoảng 4,8 USD, tương đương với trên 110.000 đồng/m2/ tháng. Tại miền Nam khoảng 4,5 USD, tương đương với trên 103.000 đồng/m2/tháng.
Những diễn biến thực tế trên thị trường thời gian qua cũng cho thấy, bất động sản công nghiệp cũng đang tác động tích cực và trực tiếp đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê... khi các tập đoàn đa quốc gia sẽ đem theo một đội ngũ rất lớn chuyên gia, người lao động đến khu vực mà họ đặt nhà máy, văn phòng làm việc từ đó các phân khúc này được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.