Aa

Bất động sản công nghiệp bứt phá nhờ vốn đầu tư nước ngoài

Thứ Hai, 19/04/2021 - 05:58

Vốn ngoại đổ vào bất động sản trong quý I/2021 tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Lực hút mạnh nhất đến từ bất động sản công nghiệp, điển hình là nhà xưởng, kho bãi.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản trong quý I/2021 tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước, khi đạt trên 600 triệu USD, với 12 dự án được cấp mới và tăng vốn, cùng 25 lượt góp vốn, mua cổ phần.

Trong đó có 10 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 431,86 triệu USD, chiếm hơn 71% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản trong quý I. Đặc biệt, 8/10 dự án được cấp phép mới thuộc phân khúc bất động sản công nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 430 triệu USD, bằng 99,7% tổng vốn đăng ký mới. Mảng nhà xưởng, kho bãi được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất.

Nhà đầu tư nước ngoài rót lượng vốn lớn nhất vào phân khúc này là Amigos An Phu Holding Pte. Ltd với 185 triệu USD vào Công ty TNHH Công nghiệp New Motion tại Khu công nghiệp Phú Tân, thuộc Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương (Bình Dương). Dự kiến trong quý II/2021, doanh nghiệp này sẽ khởi công xây dựng công trình đầu tiên trong cụm công trình nhà xưởng sản xuất, nhà kho, văn phòng, hoàn thành xây dựng cơ bản và vận hành thử nghiệm công trình đầu tiên trong quý III/2021.

Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (Hà Lan) cũng đầu tư vào dự án 27 của Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW Tân Phú Trung với mức vốn đầu tư đăng ký là 80,61 triệu USD nhằm xây dựng nhà kho cho thuê và cung cấp dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistics tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi, TP.HCM).

Nhà xưởng công nghiệp
Nhà xưởng, kho xây sẵn hút đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bán lẻ, thương mại điện tử, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát đã góp phần thúc đẩy nhu cầu thuê kho bãi của các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Trong cơ cấu chi phí thuê kho bãi, ngoài giá thuê, thì nhà đầu tư và doanh nghiệp đi thuê cũng hết sức cân nhắc chi phí nhân công tại chỗ, bởi chi phí này chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí vận hành kho bãi (ngoài chi phí điện, dầu diesel) để vận hành tòa nhà và phương tiện vận tải. Với yếu tố này, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế. Theo báo cáo chi phí thuê kho bãi toàn cầu (54 thị trường tại 21 quốc gia), Việt Nam đang là nơi có chi phí vận hành thấp nhất trong bảng xếp hạng. 

Với sự cải thiện đáng kể về kết cấu hạ tầng, chi phí vận hành thấp và những khoản miễn thuế doanh nghiệp lớn, Việt Nam đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp ngoại đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vươn lên vị trí top 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với phân khúc nhà xưởng, nhà kho cho thấy bức tranh đầy lạc quan trong việc đón đầu xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới.

 Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đồng thời giới thiệu các cụm công nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trong chuỗi giá trị. Các mức miễn giảm thuế doanh nghiệp cao cũng được đưa ra để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong khu vực. Đây cũng là một trong những yếu tố then chốt giúp Việt Nam tăng sức hút đối với các công ty đa quốc gia.

Theo dự báo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong năm 2021, sự dịch chuyển sản xuất và lắp đặt hàng hóa từ khu vực nước ngoài tiếp tục chuyển hướng vào Việt Nam sẽ làm tăng hơn nữa nhu cầu sử dụng bất động sản công nghiệp.

Khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, hiện nay tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt bình quân trên 70%; giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước khoảng từ 60.000-80.000 đồng/m2 và giá mua đất khu công nghiệp đã có hạ tầng dao động từ 3-5 triệu đồng/m2 và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong quý I/2021, thị trường bất động sản công nghiệp rất sôi động tại một số địa phương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển công nghiệp, có thể kể đến là Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang…

Cùng với đó, hầu hết những tỉnh, thành phố có khả năng phát triển công nghiệp đều rất quan tâm đề xuất đến việc phát triển thêm các khu công nghiệp mới, đồng thời có các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp này.

Từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 19 dự án khu công nghiệp với tổng diện tích lên đến 4.596,3 ha được phê duyệt. Đáng chú ý, có nhiều “gương mặt” mới gia nhập thị trường Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng sông Lô, Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long, CTCP phần đầu tư Amane, CTCP Green I-Park, CTCP Xây dựng hạ tầng Đại Phong…

Các chuyên gia đánh giá, bất động sản công nghiệp vẫn luôn là điểm sáng trên thị trường khi Việt Nam có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để thu hút “đại bàng”. Nhưng bất động sản công nghiệp không chỉ cần mỗi nhà xưởng, nhà kho mà cần có sự đầu tư phát triển đồng bộ về hạ tầng đô thị, làm sao để công nghiệp hóa kéo theo đô thị hóa. Do đó, nếu chỉ đầu tư theo đám đông mà không có tầm nhìn dài hạn hay cấp phép đầu tư tràn lan, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng thừa trong tương lai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top