Mới đây, báo cáo thị trường bất động sản quý II/2018 của JLL Việt Nam cho hay, bất động sản khu công nghiệp Việt Nam đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam. Nguyên nhân là bởi Việt Nam có chi phí sản xuất thấp, chỉ dưới 1 USD/giờ, thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn cả Trung Quốc. Trong khi tại Trung Quốc chi phí giá đất đang tăng cao và chuyển sang lắp ráp sản phẩm công nghệ cao là chính.
Bên cạnh đó, các địa phương đang có nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư ngoại vào khu công nghiệp, khu chế xuất như: miễn visa cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; ưu đãi thuế đất; cơ chế hải quan 1 cửa nhanh chóng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sở hữu một vị trí chiến lược, nằm giữa Trung Quốc và Singapore với hơn 3.260 km đường bờ biển, tiếp giáp với biển Đông, một trong những khu vực giao thương đường biển trọng yếu của thế giới. Theo đó, hiện có khoảng 40% lượng hàng hóa vận chuyển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương sẽ đi qua khu vực biển Đông này để đến được Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Theo bà Trang Lê, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường Việt Nam của JLL nhận định: "Ngành công nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để vươn lên trong cuộc đua phát triển thị trường bởi kinh tế thị trường trong nước đang phát triển lạc quan, trong khi đó các quốc gia khác trong khu vực đang ngày càng phát triển hơn khiến cho chi phí hoạt động tại các quốc gia này ngày càng tăng cao.
Theo đó, thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và các bất động sản hậu cần khác vẫn đang trong giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng. Cũng theo kế hoạch phát triển thì đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi quy mô hiện tại. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp này là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai".
Cũng trong một phân tích của Bộ phận Nghiên cứu Savills, lĩnh vực bất động sản công nghiệp và logistics ở Việt Nam đang nhận được sự quan tâm từ nhiều phía bởi tiềm năng phát triển trong thời gian gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và thiếu các cơ hội đầu tư an toàn, tiềm năng cao thì kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đang trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Á sang Âu nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực và ổn định.
Theo ghi nhận, hoạt động sản xuất và chế biến chiếm 44,2% trong danh sách các ngành nghề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nhà sản xuất châu Á muốn tận dụng lợi thế của Việt Nam với lực lượng lao động trẻ trung, có tay nghề và mức lương chỉ bằng một nửa so với đội ngũ sản xuất của Trung Quốc. Nếu so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan, giá nhân công của Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều.
Theo đánh giá của Savills, thị trường đầu tư công nghiệp đang bước vào giai đoạn khởi đầu. Đáng chú ý, đầu năm 2018, thị trường đã chứng kiến một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đó là giao dịch bán và cho thuê lại tại VSIP Park - Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore - với mức sinh lợi lên đến 10,7%.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam phân tích: “Chúng tôi đã chứng kiến lượng vốn ngoại rót vào Việt Nam từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. Tại Việt Nam, giới đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất hiện đang nắm giữ khối tài sản trên bảng cân đối kế toán. Tôi tin rằng điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản khi thị trường đến lúc đáo hạn. Trên thực tế, sản lượng công nghiệp trên 10% lớn hơn nhiều nếu đặt lên bàn cân so sánh với lợi suất văn phòng chỉ 5 - 6%”.
Dự báo những tháng cuối năm, Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cho hay: “Tính theo góc độ tương quan các mảng của thị trường thì trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi cho rằng thị trường khu công nghiệp có nhiều triển vọng. Bởi những yếu tố về sức hút FDI đến từ rất nhiều địa phương. Chúng tôi cũng đã nhìn thấy những chỉ số và giao dịch bất động sản công nghiệp đang diễn ra và nhiều chỉ số của nhà quản lý sản xuất đều cho thấy mức tăng tốt. Đặc biệt, rất nhiều chủ đầu tư đưa ra các dự án mới có diện tích lớn từ 500ha đến 1.000ha. Ngoài ra, lĩnh vực logistics cũng đặt mục tiêu tăng trưởng do xuất khẩu tăng, sản lượng tiêu thụ nội địa tăng”./.