Aa

Bất động sản dẫn đầu thu hút vốn FDI tại TP.HCM

Thứ Ba, 11/06/2019 - 07:02

Trong 5 tháng đầu năm, TP.HCM thu hút được 2,77 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm thành phố thu hút được 2,77 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái; bao gồm vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước.

Một góc trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Một góc trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 451 dự án với tổng vốn đầu tư 472,16 triệu USD (tăng 22,6% số dự án cấp mới và tăng 9,2% vốn đầu tư so với cùng kỳ).

Hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (46,7%) nếu phân theo ngành nghề, lĩnh vực, tiếp theo là chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 23,4%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 16,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 5,3%...

Trong số các dự án được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có 102 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 214 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), so với cùng kỳ, tăng 27,5% số dự án điều chỉnh và tăng 35,8% vốn đầu tư.

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm, thành phố cũng chấp thuận cho 1.719 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 2,08 tỷ USD (so với cùng kỳ, tăng 33,3% về số trường hợp và tăng 64,3% về vốn đầu tư); trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (23,7%).

Tiếp theo là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 18,7%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 18,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 14,7%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 5,7%.

Về phát triển doanh nghiệp trong nước, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 348.469 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ; trong đó, thành phố có 16.664 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 265.613 tỷ đồng (tăng 1% số lượng doanh nghiệp và tăng 43,2% về vốn đăng ký so cùng kỳ).

Có 45.685 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; trong đó, vốn điều chỉnh bổ sung tăng 82.856 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top