Aa

Bất động sản Đông Hà Nội: Hé lộ 4 khu vực sẽ bứt phá trong năm 2018

Thứ Ba, 17/04/2018 - 06:00

Cùng với xu hướng phát triển mạnh tại phía Đông Hà Nội, khu vực Long Biên, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh đang trở thành trung tâm mới của thành phố, đặc biệt là về không gian cư trú của người dân. Sắp tới, khu vực này được dự báo sẽ còn chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực: Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Việc này nhằm giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân theo Quyết định mà Thủ tướng đã ban hành năm 2011.

Trước thông tin này, nhiều chuyên gia dự đoán thị trường bất động sản tại các khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới.

Những miền đất hứa

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu năm nay, GS. Đặng Hùng Võ đã dự báo khu vực phía Đông Hà Nội sẽ trở thành “điểm nóng” về đầu tư bất động sản trong năm 2018. Quỹ đất rộng, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là sự xuất hiện của những “ông lớn” là cơ sở chắc chắn để chuyên gia này tiên lượng về sự bùng nổ của thị trường bất động sản một số khu vực Đông Hà Nội trong năm 2018.

“Theo quy luật tự nhiên, phát triển về khu vực phía Đông là hợp lý và việc phát triển về phía Tây Thủ đô là sai lầm. Khu vực Đông Hà Nội như Gia Lâm, Yên Viên, Long Biên, Đông Anh vừa có núi, vừa có sông nên sẽ không bị ngập lụt và về mặt phong thủy sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn phía Tây", GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia nhận định bất động sản khu vực Long Biên, Yên Viên, Gia Lâm sẽ sôi động và giá đất tăng trong vài năm tới (Ảnh minh họa)

Nhiều chuyên gia nhận định bất động sản khu vực Long Biên, Yên Viên, Gia Lâm sẽ sôi động và giá đất tăng trong vài năm tới (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, không phải đến bây giờ khu vực phía Đông Hà Nội mới lọt "mắt xanh" của các nhà đầu tư. Cuối năm 2017, sau khi Hà Nội công bố thông tin sẽ quy hoạch 4 cây cầu mới bắc qua sông Hồng và sông Đuống đã khiến bất động sản tại những khu vực này “cựa mình” thức giấc.

Theo đó, đánh giá về khả năng tăng giá của bất động sản Long Biên khi 4 cây cầu này được xây dựng, tại cuộc họp báo quý III năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã cho biết: “4 cây cầu sẽ tạo ra 4 vùng phát triển mới, như ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên. Tất nhiên, phải tính toán hài hoà lợi ích cho nhà đầu tư, người dân và nhà nước nữa. Câu chuyện nằm ở chỗ kiểm soát chặt chẽ các khâu và thời điểm định giá đất. Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới và tôi tin rằng đất tăng giá cấp số nhân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Đánh giá về thị trường bất động sản tại khu vực Long Biên, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, TS. Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng: “Nếu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên thì chắc chắn thời gian tới thị trường bất động sản tại những khu vực này sẽ sôi động. Đây là những khu vực trọng điểm gần các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương…

Các tỉnh này có đặc điểm là kinh tế rất phát triển vì thế lưu lượng người di chuyển về các khu vực đó rất lớn. Vì vậy thành phố nên tập trung vào xây dựng những khu đô thị mới ở các khu vực này để tạo ra bộ mặt Hà Nội mới văn minh và hiện đại. Khi đó, một điều chắc chắn rằng thị trường bất động sản ở các khu vực này sẽ thu hút nhà đầu tư vì khả năng sinh lời của nó trong 1, 2  năm tới”.

Thực tế cho thấy, những dự đoán hết sức khả quan về tiềm năng bất động sản khu vực Long Biên, Yên Viên, Gia Lâm trong thời gian tới của các chuyên gia không phải không có căn cứ. Hiện nay, thị trường bất động sản khu Đông Hà Nội đang chứng kiến một làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ hàng loạt các ông lớn. Đầu tiên là Tập đoàn Him Lam với quỹ đất 20ha đất tại Dương Xá (Gia Lâm), 320ha đất tại các phường Long Biên và Cự Khối. Ngoài ra còn phải kể đến các tập đoàn khác như Vingroup, Sun Group, TNR, MIK Group, Eurowindow, Sunshine Group…. cũng đang cấp tập đầu tư tại đây.

Bên cạnh sự xuất hiện của loạt doanh nghiệp mới, thị trường bất động sản khu Đông Hà Nội cũng chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ các sản phẩm từ những dự án hiện hữu. Có thể kể đến như Vingroup, sau khi hoàn thành giai đoạn I khu đô thị Vinhomes Riverside với hơn 1.000 căn biệt thự, tập đoàn này tiếp tục đầu tư giai đoạn II với quy mô lớn hơn, lên tới 1.500 biệt thự, nhà liền kề và nhà phố thương mại.

Chớ tham gia thị trường bằng... sự hồn nhiên và vô tư

Được nhận định là những khu vực có khả năng tăng giá tốt trong thời gian tới song các chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, thị trường 2018 tại Long Biên, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh cần phải cảnh giác, tránh đi vào vết xe đổ của "cơn sốt" đã từng diễn ra vào thời điểm giữa 2017.

Đông Anh, Long Biên, Yên Viên, Gia Lâm là 4 khu vực được dự đoán sẽ có nhiều bứt phá trong năm 2018.

Đông Anh, Long Biên, Yên Viên, Gia Lâm là 4 khu vực được dự đoán sẽ có nhiều bứt phá trong năm 2018.

Theo các chuyên gia, trước thông tin một khu vực đang chuẩn bị tung dự án khủng hoặc có thông tin về quy hoạch hạ tầng chuẩn bị triển khai, các công ty môi giới sẽ nhanh chóng tìm đến khu vực đó mở văn phòng đón đầu cơ hội và tạo nên những cơn sốt đất. 

Từng chia sẻ trên báo Người lao động về tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư Việt, ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cho rằng, không ít người Việt có xu hướng đầu tư theo tâm lý đám đông, tức thấy người khác đổ xô đi mua đất cũng nhảy vào đầu tư. Điều đó khiến cho nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy thị trường mà bỏ qua hết kiến thức, những quy luật thị trường và những kinh nghiệm mà người ta biết. Họ còn bỏ qua luôn cả nguyên tắc cơ bản là phải mua bất động sản dựa trên giá trị thực chứ không dựa trên giá rao bán.

Theo vị chuyên gia này, trên thị trường nhà đất luôn có ba trạng thái đó là đi lên, đi ngang và đi xuống. Nhưng những người mua đất theo tâm lý đi tắt đón đầu thường chỉ nghĩ đến kịch bản là giá sẽ tiếp tục tăng cao mà không hề nghĩ tới những hệ lụy như giá sẽ đi ngang hoặc lao dốc. Điều đó có nghĩa những người này chỉ nắm hơn 30% xác suất chiến thắng trong cuộc chơi của thị trường. Họ tham gia vào thị trường với sự hồn nhiên và vô tư như vậy nên khả năng "lãnh đủ" là rất cao. Bởi bên cạnh chuẩn bị nguồn vốn thì việc kiểm tra quy hoạch, mật độ dân cư, hạ tầng… cũng vô cùng quan trọng.

Ông Chánh cũng cho rằng nếu nhà đầu tư vừa xuống tiền vào thời điểm giá tăng cao, vừa sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều - vay nhiều tiền để mua nhà đất - trong khi hạ tầng lại chưa phát triển tới nơi tới chốn thì việc thua lỗ là chắc chắn.

Khách hàng đừng để bị "sập bẫy" giới cò đất, khi muốn mua đất cần phải quan tâm đến yếu tố nền đất đó có sổ đỏ đất ở và có đủ điều kiện xin giấy phép xây dựng hoặc bên bán đưa ra cam kết sẽ xin được giấy phép xây dựng hay không. Đặc biệt, giá cả phù hợp với khả năng tài chính của từng khách hàng thì lúc đó có thể quyết định xuống tiền mua để xây dựng nhà ở hoặc đầu tư.

“Bao giờ cũng vậy, thông tin quy hoạch đưa ra sẽ luôn thu hút đối các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư mang tâm lý đám đông, đổ xô vào việc phải quyết định mua nếu không sẽ quá muộn gây nên tình trạng giá bất động sản tại những khu vực có quy hoạch bị đầu cơ, cò cũng tận dụng cơ hội để đẩy giá đất", ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Chia sẻ tại một hội thảo, TS. Phạm Sỹ Liêm khuyên người dùng nên thận trọng, không nên đầu tư theo "bầy đàn" mà phải đầu tư theo đầu ra thị trường, đó là một môn học khó chứ không phải tưởng tượng là ra….

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay đối với việc phát triển các đô thị ngoại vi là tình trạng đô thị hóa tự phát và quy hoạch cũng còn nhiều bất cập.

"Quy hoạch vẽ ra thì đẹp nhưng không thực hiện được. Bởi rất có thể quy hoạch một đằng nhưng xây dựng lại một nẻo như thực tiễn phát triển vừa qua tại một số khu vực của Hà Nội do tình trạng yếu kém của công tác quản lý nhà nước và sự thao túng của các nhóm lợi ích", ông Liêm nói.

sđ

Hạ tầng hoàn thiện là một trong những yếu tố giúp bất động sản khu Đông Hà Nội lên giá.

Do đó, ông Liêm cho rằng cần khắc phục phương thức quản lý quy hoạch theo cách phân tán, cố gắng tập trung mọi nguồn lực vào phát triển hoàn chỉnh và nhanh gọn các khu đô thị mới được vẽ ra tại các khu vực Long Biên, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh. 

Đồng thời, ông Liêm kiến nghị thành phố nên sớm chuyển huyện Đông Anh, hay ít nhất là 4 phân khu từ N5 đến N8 thành quận để tạo điều kiện thuận lợi triển khai dự án khu đô thị Nhật Tân - Nội Bài và sớm ban hành chính sách và thể chế huy động nguồn tài chính từ đất đai tại chỗ để phát triển hạ tầng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top