Lời tòa soạn:
Đại dịch Covid-19 khiến thị phần khách quốc tế giảm, nhưng xu thế tất yếu là sự gia tăng của thị phần du lịch nội địa, mở ra nhiều cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc..., khi có quy hoạch đồng bộ, tầm nhìn dài hạn, đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhìn về tiềm năng, thị trường ở những khu vực này còn dư địa phát triển rất lớn, do khả năng khai thác dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao, nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi thuế…
Dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngày 9/6/2020, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm: Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19.
Nội dung: Phân tích xu hướng phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, trong đó trọng tâm thảo luận về cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19. Thông qua đó, chia sẻ kinh nghiệm phát triển những sản phẩm bất động sản của các thương hiệu lớn, uy tín, tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc...
Thành phần tham dự: Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia kinh tế vĩ mô, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, kiến trúc, xây dựng, luật sư và lãnh đạo các doanh nghiệp, phóng viên các cơ quan báo chí.
Song song với việc tổ chức Tọa đàm, Reatimes thực hiện và khởi đăng tuyến bài: Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19.
Trân trọng giới thiệu với độc giả!
Dù trên thế giới, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi trật tự, vẫn đang trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều nền kinh tế, thì tại Việt Nam, mọi hoạt động đã bắt đầu quay trở lại quỹ đạo phục hồi. Đến thời điểm hiện tại, bất động sản du lịch đã và đang bước vào chu kỳ chuyển động mới với kỳ vọng tăng trưởng bứt phá.
BỆ ĐỠ TỪ ĐÀ TĂNG TRƯỞNG TỐT
Thị trường bất động sản du lịch đã bắt đầu ghi nhận sự trầm lắng kể từ năm 2019. Những số liệu về nguồn cung sụt giảm, đặc biệt là phân khúc condotel tồn kho lớn, đã kéo lùi tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này.
Bước sang đầu năm 2020, “cú giáng” của Covid-19 đã đẩy bất động sản du lịch vào tình trạng “đóng băng”. Khả năng phục hồi của phân khúc này khiến giới quan sát do dự.
Tuy nhiên, “gió đã đổi chiều” khi Việt Nam nhanh chóng kiểm soát dịch tốt, đưa đất nước bước trở lại vào quỹ đạo phát triển như kế hoạch đề ra. Thị trường bất động sản du lịch tiếp tục trở thành phân khúc được mong chờ sẽ giữ vị trí “thượng phong” trong đà đẩy các phân khúc cùng tiến.
Nhìn nhận khách quan, thị trường bất động sản du lịch tại Việt Nam vẫn còn non trẻ. Khởi sắc từ năm 2014 khi bức tranh chung về thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi sau một khoảng thời gian chạm đáy đầy u tối, bất động sản du lịch nhanh chóng chiếm vị trí dẫn đầu nhờ khả năng hút dòng tiền, hút doanh nghiệp phát triển bất động sản và nhà đầu tư tham gia.
Cùng với chiến lược của Chính phủ coi du lịch trở thành mũi nhọn đẩy tốc nền kinh tế, bất động sản du lịch được tiếp thêm đà, tăng trưởng như vũ bão. Sự gia nhập vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của các tập đoàn lớn trong nước như CEO Group, Sun Group, VinGroup… đã nhanh chóng tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong phân khúc bất động sản du lịch.
Bên cạnh nguồn cung sản phẩm dồi dào, chất lượng của sản phẩm được nâng tầm với tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, đa dạng về loại hình. Sự vươn dài những cánh tay của các đại gia bất động sản đã “tái sinh” lại nhiều vùng đất du lịch nổi danh của Việt Nam. Có thể kể tới như CEO Group với sự tiên phong cùng dự án Sonasea Van Don Harbor City tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Sự ra đời của dòng sản phẩm 5 sao, tiệm cận chuẩn mực quốc tế đã thực sự góp phần nâng vị thế của vùng đất giàu tiềm năng này, xứng tầm với danh hiệu “khu kinh tế đặc biệt trong tương lai”.
Nhìn lại hành trình phát triển đầy sôi động, rõ ràng, thị trường bất động sản du lịch mới trải qua 6 năm thực sự bước vào mốc "định danh, định hình". Con số thời gian ít ỏi này cho thấy, tiềm năng phát triển của phân khúc này là rất lớn cũng như biên độ co dãn tăng trưởng còn đang ở giai đoạn khởi đầu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, "cú giáng" của Covid-19 đã biến nguy thành cơ, biến giai đoạn chững của một chu kỳ chuyển tốc nhanh và biến Việt Nam lại trở thành điểm "vàng" của thế giới. Covid-19 đã tạo ra một cuộc "gạn đục khơi trong" đối với các chủ thể tham gia thị trường và đặt viên gạch mới, khởi đầu cho phân khúc bất động sản du lịch giai đoạn đầy tươi sáng.
VIỆT NAM - ĐIỂM ĐẾN MỚI CỦA SECOND HOME
Sức bật của bất động sản du lịch sẽ còn gia tăng khi Việt Nam được bình chọn là điểm đến mới của ngôi nhà thứ hai.
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam trở thành điểm đến của ngôi nhà thứ hai. Trước đó, thuật ngữ “Second Home” đã manh nha cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch. Đến hiện tại, Việt Nam càng gia tăng các yếu hội tụ ưu thế của của một điểm đến mới của ngôi nhà thứ hai.
Cần phải nhấn mạnh lại, khả năng đẩy lùi Covid-19 đã khiến Việt Nam ghi điểm trong con mắt của du khách quốc tế như là một điểm đến đầy an toàn. Dĩ nhiên, kết quả của sự nỗ lực trong phòng, chống Covid-19 cũng như sự cởi mở của Việt Nam với người nước ngoài khiến những nhà đầu tư, du khách du lịch nhận thấy, dải đất hình chữ S là một nơi đáng đến và đáng sống.
Savills Việt Nam đã nhận định rằng: Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á chỉ trong một thời gian ngắn.
Phân tích về bức tranh tăng trưởng du lịch huy hoàng của Việt Nam, Savills đã ghi nhận: sự tăng trưởng này đã được thúc đẩy bởi sự gia nhập của các chủ khách sạn quốc tế, sự gia tăng nhanh chóng các chuyến bay trực tiếp và một chính sách thị thực được cải thiện cũng như quy mô đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Năm 2015, Việt Nam đón 7,9 triệu lượt khách quốc tế và được coi là mốc cao nhất trong lịch sử thì đến năm 2019, con số này lên tới 18 triệu lượt. Tháng 1/2020 cũng ghi nhận 2 triệu lượt khách nước ngoài.
Mặc khác, ngành công nghiệp không khói tại Việt Nam đang được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng” khi trở thành ngành đóng góp chính cho GDP và góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP hơn 7% trong 2 năm qua.
Trong khi đó, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam cũng tăng mạnh mẽ dẫn tới sự gia tăng tỷ lệ thuận của những người mua bất động sản từ các quốc gia rót vốn.
Đặt lên bàn cân, so với các nước trong khu vực, thị trường bất động sản du lịch của Việt Nam đang ở đà tăng trưởng. Nhưng phân khúc này vẫn còn nhiều điểm vướng nên chưa tạo ra tốc độ bật tốt như các nước khác. Ví dụ như ở Thái Lan, vấn đề về quyền mua nhà ở dành cho người nước ngoài “dễ thở” đã đưa đất nước này có tỷ lệ khách quay trở lại lên tới 70%.
Trong khi đó, Việt Nam đang lợi thế về sức hấp dẫn ở mức giá cả, số lượng lớn các địa điểm tiềm năng nhưng quy định người nước ngoài lại chỉ được phép mua tối đa 30% sản phẩm của dự án. Song, không thể phủ nhận, khe cửa hẹp đó chưa nới rộng thì người nước ngoài vẫn sẵn sàng đầu tư vào phân khúc này bằng hợp đồng dài hạn. Một kịch bản được đặt ra nếu chính sách ngôi nhà thứ 2 được nới lỏng thì đà vươn của bất động sản du lịch sẽ "lên như diều gặp gió".
Ông Kenneth M Atkinson, Người sáng lập và Cố vấn Hội đồng Cao cấp Grant Thornton Việt Nam đã từng dành nhiều phân tích xác đáng và tích cực cho bất động sản du lịch của Việt Nam. Ông cho rằng, động lực chính để tạo ra khả năng chi trả và tiếp cận mạnh từ các nhà đầu tư đến từ các khu nghỉ dưỡng của Việt Nam như Vân Đồn, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Quốc đều có sân bay quốc tế.
Một động lực quan trọng khác trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là những cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng. Điển hình như sự kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận, hay Vân Đồn (Quảng Ninh) với các vùng xung quanh Hạ Long, Hải Phòng… tạo ra mạng lưới giao thông hoàn thiện.
Trong khi đó, nhu cầu ngày càng tăng từ tầng lớp trung lưu Việt Nam đang tăng nhanh (dự kiến sẽ tăng từ dưới 20% lên 40% trong 7 đến 10 năm tới). Như ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex nhận định, tầng lớp trung lưu Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” cho bất động sản phát triển. “Nhà giàu sẽ không chỉ có xu hướng sở hữu một ngôi nhà mà sẽ còn sở hữu căn nhà thứ hai. Nhu cầu này sẽ tiếp tục đẩy thị trường phát triển”.
SỨC BẬT CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH
“Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho mô hình ngôi nhà thứ hai. Đây có thể sẽ là điểm đến cho những người về hưu đến từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, một số từ Châu Âu, hay Bắc Mỹ nhờ hội tụ rất nhiều yếu tố ưu việt”, ông Kenneth M Atkinson nhấn mạnh.
Trong bài viết Giải pháp thu hút người nước ngoài đầu tư vào bất động sản du lịch Việt Nam hậu Covid-19 đăng tải trên Reatimes, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group nhận định: "Xu hướng sở hữu bất động sản du lịch như “ngôi nhà thứ hai” đang ngày càng được ưa chuộng trên thế giới và bắt đầu có những tín hiệu tích cực tại Việt Nam".
Dẫn lời các chuyên gia, ông Bình viết, Second Home là loại hình mới nổi tại thị trường Việt Nam do tích hợp được lợi ích từ cả góc độ nghỉ dưỡng, hưu trí của cá nhân, gia đình và từ góc độ kinh tế bởi có thể khai thác cho thuê khi sản phẩm nhàn rỗi, giúp chủ sở hữu tích lũy, gia tăng giá trị tài sản cùng với giá trị bất động sản.
Đánh giá tổng quan về thị trường bất động sản du lịch, giới nghiên cứu nhìn nhận, bước đà nhảy của ngành "công nghiệp không khói" đang ở giai đoạn khởi động và chuẩn bị bước vào thời điểm tăng tốc.
Chính sự kết hợp giữa một nền kinh tế thịnh vượng với tầng lớp trung lưu, cùng các chính sách thu hút hấp dẫn đã đưa Việt Nam lọt vào tầm ngắm của du khách nước ngoài. Đây là cơ sở để tạo ra sự sôi động chưa từng thấy trên thị trường bất động sản du lịch sẽ thể hiện được đà bứt tốc so với các nước trong khu vực.
"Không thể phủ nhận một thực tế là bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hội tụ đầy đủ những yếu tố này nên dễ hiểu tại sao thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam chưa bao giờ hết nóng".
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam
"Chừng nào du lịch còn phát triển, chừng đó bất động sản nghỉ dưỡng còn cơ hội tăng trưởng tốt".
Ông Dương Đức Hiển, Nguyên giám đốc Kinh doanh nhà ở miền Bắc & miền Trung Savills Việt Nam