Aa

Bất động sản “đứng hình” vì Covid-19, cò đất vẫn tung chiêu tạo “sốt ảo”

Thứ Sáu, 14/08/2020 - 06:20

Đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường bất động sản chững lại, các sàn giao dịch tại Long Thành vắng lặng nhưng giá đất đang bị đẩy lên nhằm tạo cơn “sốt ảo” để dụ dỗ, lôi kéo khách hàng.

Cơn “sốt đất”… đìu hiu

Thông tin bán đất treo trên cột biển báo tại xã Cửa Cạn, huyện Long Thành.
Thông tin bán đất treo trên cột biển báo tại xã Cửa Cạn, huyện Long Thành.

Lo ngại khi xuất hiện những cơn “sóng ngầm” về bất động sản tại một số huyện của tỉnh Đồng Nai, trong đó khu vực xã Phước Bình, Bàu Cạn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đang tạo ra mối lo ngại bởi những cơn “sốt ảo” nhằm dụ dỗ, lôi kéo khách hàng.

Nhiều thông tin đồn thổi, thậm chí giới “cò đất” còn vẽ ra việc sẽ xây dựng khu văn phòng tòa nhà Quốc hội phía Nam quy mô 42ha, Khu công nghiệp Long Đức mở rộng 292ha, Đại học Giao thông Vận tải 28ha… tại Long Thành để quảng cáo cho khách hàng.

Không chỉ khu vực sát sân bay Long Thành mới xảy ra tình trạng “sốt ảo” mà ngay cả nhiều xã ở xa, “không liên quan” đến những công trình trọng điểm thì giới đầu cơ và “cò” đất vẫn dùng đủ chiêu để tạo ra những cơn “sốt” về giá đất.

Hàng loạt tờ giấy rao bán đất treo chi chít trên cây.
Hàng loạt tờ giấy rao bán đất treo chi chít trên cây.

Đầu tháng 8/2020, PV có mặt tại xã Bàu Cạn, Phước Bình (huyện Long Thành) ghi nhận dọc tuyến đường từ Quốc lộ 51 vào đến trụ sở UBND xã Bàu Cạn có hàng chục điểm nhận mua bán, sang nhượng đất với đủ thể loại. Từ bán đất vườn theo mẫu, sào đến bán theo mét ngang… đất có đường ô tô, sổ hồng công chứng ngay, sang tay trong ngày.

Theo người dân địa phương, những ngày cuối tuần thường thấy từng đoàn xe nối đuôi nhau đi xem đất, các văn phòng giao dịch bất động sản, “cò” đất tấp nập tới lui. Tuy nhiên, mấy tháng nay, dọc tuyến đường chính của xã Bàu Cạn, Phước Bình khá vắng vẻ, nhiều sàn giao dịch đóng cửa không một bóng người.

Địa bàn xã Bàu Cạn đang trở thành điểm nóng về
Địa bàn xã Bàu Cạn đang trở thành điểm nóng về "sốt" đất ảo.

Một số khu đất trước đây là rừng cao su đã được san phẳng, đang triển khai hạ tầng nhưng không hề có bảng hiệu hay bất cứ thông tin nào về dự án. Trên mỗi thân cây cao su bên đường ghim chi chít bảng bán đất.

Liên hệ với một sàn giao dịch bất động sản tại xã Bàu Cạn, PV được nhân viên tư vấn khá nhiệt tình, với những lời mời chào “có cánh”. Mức giá được nhân viên tư vấn đưa ra từ 1,5 - 5 tỷ đồng/1.000m2. Điều đáng chú ý, tất cả nhân viên các sàn bất động sản đều tỏ vẻ đất đang rất “sốt”.

Dù thực tế PV có mặt trực tiếp ở trước trụ sở của sàn giao dịch và nơi này đóng cửa im lìm nhưng nhân viên tư vấn vẫn “chém gió” là sàn đang hoạt động tấp nập và hẹn thứ 2 quay lại vì đông khách đến đặt cọc nên không thể tiếp (!).

Xã Phước Bình đang bị nhà đầu cơ, cò đất tung tin, tạo sốt đất để dụ dỗ khách hàng.
Xã Phước Bình đang bị nhà đầu cơ, cò đất tung tin, tạo sốt đất để dụ dỗ khách hàng.

Tiếp tục liên hệ với sàn giao dịch bất động sản khá lớn ở xã Phước Bình, ngay lập tức nhân viên tư vấn mời chào: “Anh mua đầu tư ngồi chơi cũng kiếm được lời gấp đôi, ở văn phòng cũng có vài khách đang chờ đi xem lô đất anh vừa hỏi luôn, nhanh tay còn kịp chứ sau này không còn giá đó đâu”.

Bà Mai (người dân địa phương) kể: “Trước thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, những tuyến đường liên xã Phước Bình tấp nập ô tô ra vào theo cơn sốt đất ăn theo sân bay Long Thành. Từ đây, nhiều hàng quán mọc lên, bây giờ có thấy xe cộ nào nữa đâu, hàng quán, nhà hàng 10 cái thì dẹp hết 7 - 8, còn lại có vị trí tốt thì bán cầm cự”.

Ngăn chặn nguy cơ "sốt đất"

UBND xã Bàu Cạn dựng biển cảnh báo.
UBND xã Bàu Cạn dựng biển cảnh báo.

Trái với những thông tin về tình trạng “sốt” đất mà giới đầu cơ và cò đất đưa ra, ghi nhận tại xã Bàu Cạn có nhiều biển cảnh báo được UBND xã dựng lên với nội dung: “Nghiêm cấm các hành vi tự ý tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hạ tầng, tụ tập đông người rao bán đất dự án, khu dân cư, nhà ở trái phép”.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành cũng đưa ra cảnh báo: “Nghiêm cấm sang nhượng, mua bán, xây dựng trái phép. Cấm lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép trên đất lâm nghiệp”.

Do vậy, khung cảnh mua bán đất ăn theo dự án sân bay Long Thành hiện nay ở những xã Phước Bình, Bàu Cạn… được các các công ty bất động sản, sàn giao dịch “vẽ” là tấp nập người ra kẻ vào, “mua không kịp sẽ hết” hay “đất siêu lợi nhuận khi sân bay Long Thành khởi công” chỉ là chiêu thổi giá đất để tạo “sốt ảo”.

Biển cấm cũng được dựng lên.
Biển cấm cũng được dựng lên.

UBND huyện Long Thành từng có thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, cắm biển cấm mọi hình thức mua bán, làm hạ tầng, tự ý tách thửa... tại địa phương các xã trên địa bàn huyện nhằm ngăn chặn một số công ty bất động sản lừa bán đất dự án cho người dân khi chưa được cấp phép đầu tư.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng phân lô bán nền trái phép. Hiện nay, các huyện, thành phố đã giao việc quản lý đất đai, xây dựng cho các xã, phường và nếu để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép thì chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm.

Những cơn
Những cơn "sốt đất" để đẩy giá leo thang là hành động hoàn toàn có chủ đích của một nhóm đối tượng đầu cơ.
Một dự án đang làm hạ tầng giữ rừng cao su.
Một dự án đang làm hạ tầng giữ rừng cao su.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, việc cố tình tạo sốt đất để đẩy giá leo thang là hành động hoàn toàn có chủ đích của một nhóm đối tượng nào đó, nhắm tới địa phương đang rất nóng về tình hình phân lô bán nền, mua bán nhà đất.

Trong đó, đích cuối cùng được các đối tượng này nhắm tới chính là huyện Long Thành với tiềm năng và khá hấp dẫn của dự án sân bay quốc tế Long Thành đang gấp rút triển khai để “thổi giá đất”, làm “méo mó” bản chất sự việc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top