Aa

Bất động sản 24h: “Sốt ảo” và chiêu trò của các cò đất trong mùa dịch Covid-19

Chủ Nhật, 12/04/2020 - 10:30

“Sốt ảo” và chiêu trò của các cò đất trong mùa dịch Covid-19; Sau khi quay cuồng trong "cơn sốt", BĐS Cần Thơ mùa dịch diễn biến thế nào?... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

“Sốt ảo” và chiêu trò của các cò đất trong mùa dịch Covid-19

Đầu tháng 2/2020 vừa qua, một cơn sốt đất ảo diễn ra tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sau khi có thông tin một tập đoàn lớn đề xuất thực hiện dự án quy mô hơn 800ha, nằm dọc Quốc lộ 56. Sức nóng thể hiện rõ khi chỉ trong một ngày, một mảnh đất đổi chủ 3 - 4 lần, có vị trí giá tăng gấp 6 - 7 lần, nhiều mảnh đất tăng từ 250 triệu đồng đến 400 - 450 triệu đồng.

Địa phương cũng đã đưa ra cảnh báo về dự án "ma" do cò đất vẽ ra, nhà đầu tư sẽ phải hứng chịu thiệt hại trong cơn sốt này nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn bất chấp lao vào.

Những lô đất sát ruộng ở Quan Giai, xã Trúc Đồng (huyện Thạch Thất) được các "cò" thổi giá lên 5-6 lần.

Tương tự, tại xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) vào khoảng đầu tháng 3/2020, bất chấp khuyến cáo tụ tập đông người trong mùa dịch Covid-19, hàng trăm người bao gồm cả môi giới và nhà đầu tư kéo về để kiếm cơ hội đầu tư, lướt sóng sau khi nghe thông tin một tập đoàn bất động sản lớn xin triển khai dự án khu đô thị tại đây.

Khu đất giãn dân Quan Giai thuộc xã Đồng Trúc, giá đất lên từng ngày. Trong vòng hơn 1 tuần các lô đất từ giá 5-7 triệu đồng/m2 đã tăng lên hơn 20 triệu đồng/m2. Làng quê ngoại thành Hà Nội vốn bình yên nay bỗng sôi động với thông tin đất cát, ô tô vào ra vào liên tục. Các biển hiệu mua bán đất, trung tâm môi giới bất động sản mọc lên san sát.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giải cứu doanh nghiệp do ảnh hưởng Covid-19: Không thể chỉ quyết liệt trên giấy

Đại dịch Covid-19 như đòn chí mạng giáng xuống trái đất, không chỉ làm khuynh đảo cuộc sống bình thường của hơn 1/2 số dân trên thế giới mà còn khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Các doanh nghiệp Việt cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi "cú đấm" này.

Kết quả khảo sát được Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) báo cáo Thủ tướng về tác động của Covid-19 tới doanh nghiệp cho biết, gần 85% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ; 60% doanh nghiệp thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh; 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu sẽ sụt giảm so với 2019. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, phức tạp, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm

Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, nhằm hạn chế tối đa số doanh nghiệp bị "xóa sổ" khỏi thị trường. Tuy nhiên, từ những quyết sách trên giấy đến khâu thực thi lại la cả một quá trình.

Trước thềm Hội nghị Chính phủ với địa phương bàn về tháo gỡ khó khăn trước tác động của dịch Covid-19, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng nhận xét, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay cơ bản đã toàn diện nhưng việc triển khai còn chậm, cần khẩn trương thực hiện nhanh hơn các giải pháp đề ra để không dẫn đến tình trạng ngưng hoạt động hàng loạt trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng, nếu “chống dịch như chống giặc” thì cũng cần cứu kinh tế như cứu hoả. Công cuộc phục hồi lại nền kinh tế cam go, khốc liệt không kém cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sau khi quay cuồng trong "cơn sốt", bất động sản Cần Thơ mùa dịch diễn biến thế nào?

Cuối năm 2019, thị trường bất động sản Cần Thơ được đánh giá sôi động với những cơ hội đầu tư lớn trong năm 2020. Theo đó, những dự án có vị trí tốt, tính thanh khoản cao và yếu tố đất sạch sẽ tiếp tục thu hút khách hàng chọn mua. Trong đó, các dự án có vị trí gần trung tâm, gần sân bay, tạo tiềm năng sinh lời bền vững, được giới đầu tư săn đón.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, chính sự phát triển năng động trên nhiều mặt, nhất là cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy thị trường bất động sản ở Cần Thơ tăng nhiệt, giá nhà đất nội ô trong khoảng 2 năm nay đã tăng 150% - 200%.

Tuy nhiên, cùng chung tình cảnh với các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, do tác động của dịch bệnh, lượng giao dịch quý đầu năm giảm sút đáng kể. Lo ngại dịch bệnh, người dân, nhà đầu tư cũng hạn chế đi xem đất, giao dịch mua bán khiến thị trường thêm trầm lắng.

Nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản tại địa phương này dự đoán, nếu tình hình dịch bệnh sẽ còn kéo dài và chưa biết thời điểm kết thúc, tình hình kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn, doanh nghiệp sẽ phải xoay xở nhiều cách để cầm cự. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Dự án Vườn Vua (Phú Thọ): 62 căn biệt thự xây “chui” được hợp thức hóa thế nào?

Thanh Thủy là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, có phía Đông giáp huyện Ba Vì (TP. Hà Nội). Trong tương lai, Thanh Thủy là huyện tiềm năng có giá trị về du lịch, dịch vụ và thương mại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế.

Địa phương này cũng đang chú trọng đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ du lịch vào hệ thống hồ, đập như: Hồ Phượng Mao, Hồ Suối Rồng (Sơn Thủy), đầm Bạch Thủy (Đồng Trung)... Khu nước khoáng nóng, hệ thống di tích lịch sử (Lăng Sương, Đào Xá), Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Thanh Lâm Resort, Vườn Vua...

Thanh Thủy có tiềm năng lớn là vậy, thế nhưng việc phát triển kinh tế bền vững nhất định phải gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khi dự án Khu du lịch, biệt thự sinh thái - nghỉ dưỡng Vườn Vua được triển khai trên bàn 3 xã Trung Nghĩa, Trung Thịnh, Đồng Luận (nay là xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy). 

Xem thông tin chi tiết tại đây

5 xu hướng dịch chuyển lạc quan khi thị trường bất động sản “đóng băng”

Dù thị trường bất động sản trong giai đoạn này đang mang một bức tranh thiếu tươi sáng nhưng nhiều nhận định cho rằng, lĩnh vực có giá trị vốn hóa cao này sẽ đón nhận những xu hướng dịch chuyển tốt.

Thị trường bất động sản được nhận định đang rơi vào giai đoạn khó chồng khó trước tác động của đại dịch Covid-19. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tính thanh khoản của phân khúc căn hộ trung và cao cấp ở mức thấp.

Báo cáo của Hội cũng đưa ra, giao dịch từ các sản phẩm đã chào bán từ năm 2019 là hơn 4.850 sản phẩm, trong khi đó lượng tồn kho từ 2019 là hơn 34.550 sản phẩm và phân khúc căn hộ cao cấp tồn kho nhiều nhất.

Trước đó, tại Diễn đàn thường niên bất động sản 2019, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đá đánh giá cao tiềm năng của phân khúc bất động sản giá rẻ và bình dân nhờ khả năng thanh khoản tốt.

“Đã đến lúc các doanh nghiệp địa ốc nên cơ cấu lại sản phẩm bất động sản, tập trung vào dòng bất động sản giá rẻ” – ông Khởi nhấn mạnh.

Xét ở thời điểm hiện tại, hàng tồn kho lớn nhưng phân khúc bất động sản giá rẻ vẫn được nhận định là dòng sản phẩm “miễn dịch” khi đánh trúng vào nhu cầu ở thực. Giới đầu tư cho rằng, các dự án giá rẻ sẽ tái khởi động sớm bởi đây là con đường để các doanh nghiệp địa ốc duy trì doanh thu.

Xem thông tin chi tiết tại đây


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top