Aa

Bất động sản Huế “cất cánh” không tách rời những giá trị di sản

Thứ Hai, 21/12/2020 - 06:20

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Huế cần tránh những cái bẫy "bán đất lấy tiền", quy hoạch không gắn với sinh kế của người dân.

“Bất động sản gắn với đô thị di sản Huế” là chủ đề cuộc hội thảo mà Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Báo Công Thương tổ chức ngày 18/12, tại TP. Huế. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, thảo luận và nhiều hiến kế cho Huế từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia bất động sản, nhà đầu tư.

Sông Hương với cảnh quan đôi bờ là một trong những “báu vật” thiên nhiên ban tặng cho Huế. (Ảnh: Đình Huân)

Thời cơ và dự báo “bùng nổ”

Mở đầu cuộc hội thảo, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014, Huế được xác định là một trong số những đô thị lớn, là một trong các cực tăng trưởng tạo động lực phát triển và gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế.

Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, mở rộng địa giới hành chính đô thị để hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực gồm: thị xã Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, xây dựng đô thị Chân Mây. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý xây dựng đề án điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế trên cơ sở tính đến các yếu tố đặc thù của Thừa Thiên Huế (dự kiến mở rộng gấp 4 lần diện tích hiện tại); từng bước cụ thể hóa xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai…

Khu du lịch Laguna Lăng Cô phía Nam tỉnh - nơi có nhà đầu tư “tỷ đô” đã đến đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng, biệt thự sang trọng từ rất nhiều năm trước. (Ảnh: Đình Huân)

Những thông tin nói trên được xem là cơ hội và đặt ra bao thách thức cho Thừa Thiên Huế trên đà trở thành đô thị di sản loại 1 trực thuộc Trung ương đầu tiên và là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước. Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản nói rằng, cơ hội cho Huế phát triển đã và đang đến từ những cú hích chính sách mà Trung ương định hướng. 

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ gợi ý, Thừa Thiên Huế cần đảm bảo tính nhất quán trong hoạch định chiến lược phát triển, cần “luật hóa”, đưa vào nghị quyết để tránh tình trạng “tư duy nhiệm kỳ”. Huế cũng cần tránh những cái bẫy mà không ít tỉnh thành mắc phải, đó là “bán đất lấy tiền”, quy hoạch phát triển không gắn với sinh kế người dân. Liên quan đến bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, TS. Cung nói: “Di sản phải là thứ có thể nuôi ta, chứ không phải ta nuôi di sản. Nếu ta nuôi di sản thì di sản sẽ mất”.

Thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế đang chờ đợi sự bùng nổ còn bởi tỉnh đang thực hiện hàng loạt các dự án mang tầm chiến lược như đầu tư và hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển dài 127km từ huyện Phong Điền đến Phú Lộc; nâng cấp sân bay Phú Bài lên đến 9 triệu hành khách/năm; nâng cấp cảng Chân Mây; cải tạo tuyến đường sắt... 

Một thực tế khách quan khác là hiện địa phương láng giềng với Huế là Đà Nẵng có quỹ đất đã gần như cạn kiệt. Huế có thể thay thế Đà Nẵng để thu hút các nguồn vốn đầu tư và vươn lên thành điểm đến hàng đầu tại khu vực. Cùng với những giá trị, lợi thế hiện hữu về văn hóa, y tế, giáo dục; hệ sinh thái biển, đầm phá, quỹ đất dồi dào… đã tạo thành những động lực mạnh mẽ để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế.

Cần có chiến lược bền vững

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia cũng cảnh báo những vấn đề cốt lõi, nhạy cảm trong tiến trình phát triển khi Huế vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, “bảo tồn đô thị di sản là vấn đề rất lớn, gắn với bất động sản nữa thì hết sức gai góc”. Ông Hoa nhìn nhận, Huế từng thiệt thòi khi thị trường bất động sản đóng băng, nhưng đây cũng lại là một điều may mắn, tránh cho đô thị di sản Huế khỏi bị "xé nát" một cách thô bạo bởi những công trình bất động sản.

Huế hấp dẫn các nhà đầu tư còn bởi đây là thành phố xanh, yên tĩnh, thanh bình. (Ảnh: Đình Huân)

Điều này cũng mở ra cơ hội cho Thừa Thiên Huế xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư phát triển bất động sản hợp lý, vừa bảo tồn và phát huy được giá trị đô thị di sản Huế, vừa tạo thế mở rộng phát triển thành phố Huế trở thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia, một đô thị di sản - văn hóa - sinh thái - cảnh quan - thân thiện môi trường và thông minh. Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, tỉnh cần đặt ra nguyên tắc là “bảo tồn để phát triển, nhưng bảo tồn không thành lực cản của sự phát triển; phát triển bất động sản không được phá vỡ không gian đô thị di sản”. Ông Hoa cũng đề xuất Thừa Thiên Huế cần xây dựng “bản đồ định hướng phát triển bất động sản” trong phân lập rõ ràng về không gian bảo tồn di sản và không gian khuyến khích phát triển.

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về kiến trúc, quy hoạch dẫn kinh nghiệm từ việc quy hoạch của những thành phố lớn trên thế giới, trong đó có những nơi ông tham gia quy hoạch như khu trung tâm Thượng Hải (Trung Quốc), khu đô thị Filinvest (Philippines) để đưa ra nhiều đề xuất ý nghĩa, thiết thực cho Huế trong chiến lược quy hoạch các dự án bất động sản trong bối cảnh tỉnh trở thành đô thị di sản loại 1 trực thuộc Trung ương trong 5 năm tới. 

Trong đó, ông Sơn đề xuất 4 cách ứng xử chính với di sản quy hoạch kiến trúc gồm: Bảo tồn di sản; cải tạo di sản; phục hồi di sản và tái thiết di sản. Ông Sơn cho rằng, việc định hướng chiến lược và phát triển các dự án bất động sản đúng hướng sẽ góp phần nâng cao vị thế Trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của đô thị Thừa Thiên Huế.

Các nhà quy hoạch, nhà đầu tư bất động sản phải xác định di sản là lợi thế so sánh nổi bật của Thừa Thiên Huế, để khi quy hoạch, đầu tư các dự án thì “bảo tồn di sản phải gắn với chỉnh trang đô thị”. Không nên tìm cách phát triển đan xen mật độ và tầng cao quá mức trong các khu vực lịch sử, càng không nên phá bỏ các công trình lịch sử để xây dựng những dự án cao tầng - điều đã xảy ra tại các đô thị lớn của Việt Nam. Ngược lại, nên phát triển các dự án bảo tồn kết hợp chỉnh trang đô thị và tổ chức các hoạt động phù hợp với văn hóa di sản. 

Đồng tình với nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, KTS. Ngô Viết Nam Sơn cũng nhấn mạnh việc bảo tồn không cản trở phát triển, nhưng đồng thời phải xác định phát triển đô thị mới sẽ góp phần gián tiếp bảo tồn di sản. Theo đó sắp tới, bên cạnh không gian “Huế xưa” với thành quách đền đài, sẽ có thêm không gian “Huế mới” với các vùng đô thị hiện đại, thông minh, với những nhà cao tầng, dịch vụ thương mại quốc tế.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ về việc có thể tận dụng những lợi thế của Huế như thế nào trong chiến lược phát triển các dự án bất động sản. Đó là các lợi thế về du lịch bao gồm hạ tầng kỹ thuật, cơ sở lưu trú, hạ tầng dịch vụ, cảnh quan môi trường, văn hóa, ẩm thực, di tích lịch sử… 

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Đình Huân)

Theo đó, Thừa Thiên Huế phải có quy hoạch mang tầm chiến lược để phát triển bài bản hơn. Cần phải đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị và hạ tầng phục vụ kinh tế du lịch bên ngoài khu di sản, nhưng thuận lợi và kết nối mật thiết với di sản. Chất lượng hệ thống hạ tầng phục vụ kinh tế du lịch phải đồng bộ, hiện đại nhưng phù hợp với di sản và văn hóa, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế… Để phát triển bền vững, Thừa Thiên Huế cần chú trọng xây dựng và phát triển các đô thị vệ tinh, tránh gây quá tải cho di sản, tạo ra áp lực về dân số và thách thức về môi trường./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top