Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Khánh Hoà cho biết, vào thời điểm đầu năm 2018, mỗi tháng, các sàn giao dịch chốt thành công trên dưới 10 hợp đồng. Tuy nhiên, sau đó, mỗi tháng chỉ chốt được 1 - 2 hợp đồng. Đến quý III/2019, tất cả phân khúc bất động sản tại thị trường Khánh Hòa đều chững lại.
Nguyên nhân là bởi các sai phạm liên quan đến quản lý đất đai ở Khánh Hòa bị thanh, kiểm tra gần đây đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường, khiến chủ đầu tư của nhiều dự án phải kêu cứu.
Ví như một dự án có hơn 4.000 căn hộ, khách sạn của một chủ đầu tư mặc dù đã hoàn tất các điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng. Nhưng từ tháng 4/2018, UBND tỉnh và Sở Xây dựng dừng tiếp nhận hồ sơ hành chính các dự án, trong đó có dự án này, nên việc điều chỉnh giấy phép xây dựng của dự án vẫn chưa thể thực hiện. Doanh nghiệp này sau đó đã phải kêu cứu khẩn cấp lên UBND tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả Quốc hội.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong năm 2019, Khánh Hòa gần như không có dự án mới. Một số dự án có thể mở bán nhưng lại vướng thủ tục pháp lý nên làm thị trường chững lại. Từ đầu năm 2019, giá bất động sản thuộc các dự án đã giảm 10%, đến nửa cuối năm 2019 giảm tiếp từ 20% đến 30%. Riêng thị trường đất nền, nhà phố… do có pháp lý ổn định nên giá giảm không đáng kể. Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, tuy thị trường đang có dấu hiệu im lặng, nhưng đó là động thái cần thiết để các chủ đầu tư điều chỉnh lại kế hoạch và phương án kinh doanh của mình cho phù hợp với tình hình.
Tương tự, thống kê từ Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa, trong hơn một năm qua, giá đất giao dịch giảm liên tục. Cụ thể, tại khu đô thị Mỹ Gia, giá đất từ 25 triệu đồng/m2 giảm còn 19 - 20 triệu đồng/m2; đất nền dự án An Bình Tân từ 27 - 28 triệu đồng/m2 giảm còn 21 - 22 triệu đồng/m2; đất dự án khu đô thị Lê Hồng Phong 2 cũng từ 30 triệu đồng/m2 giảm còn 25 triệu đồng/m2.
Mặt khác, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng từ các nhóm khách đoàn, khách MICE và cả các đối tượng khách lẻ, khách doanh nghiệp. Các chuyên gia trong nước cũng dự báo bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt tại các thành phố ven biển đang phát triển mạnh về phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng như Nha Trang.
Chia sẻ về câu chuyện này, ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, nhận định: "Trong giai đoạn hiện nay, nhiều dự án chưa được cấp phép do đang vướng đến đấu thầu, định giá đất… nên chính quyền phải đợi chỉ thị của bộ, ngành".
Ông Phan Việt Hoàng cho biết thêm, thị trường bất động sản cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng đang chững lại. Song song đó, các Hiệp hội, UBND tỉnh thành đang đề xuất tháo dỡ những khó khăn về pháp lý và chờ đợi những chính sách mới từ Trung ương.
Ngoài ra, Khánh Hòa giảm thu hút đầu tư ngoài ngân sách là do Thanh tra Chính Phủ, UBKTTW thực hiện thanh, kiểm tra các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua.
Qua kết quả thanh, kiểm tra, UBND tỉnh Khánh Hòa nhận thấy cần phải tiến hành rà soát thủ tục pháp lý đối với các dự án được cấp phép đầu tư trước đây nhằm thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Việc rà soát này đòi hỏi cần một khoảng thời gian nhất định nên đã ảnh hưởng đến các dự án liên quan. Đồng thời tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư đăng ký dự án mới, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trong năm 2019.
Đặc biệt, trong suốt thời gian qua, UBND Khánh Hòa thiếu nhân sự chủ chốt nên nhiều quyết định, thủ tục liên quan đến đầu tư và đất đai không được ban hành khiến doanh nghiệp không thể triển khai dự án. Vô hình trung làm thị trường ảm đạm.
Ông Hoàng cho hay: "Trong năm 2019, Khánh Hòa gần như không có dự án mới, một số dự án có thể mở bán nhưng lại vướng thủ tục pháp lý đã khiến thị trường chững lại. Từ đầu năm 2019, giá bất động sản thuộc các dự án đã giảm 10%, đến nửa cuối năm 2019 giá giảm tiếp từ 20 - 30%”.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Nha Trang - Khánh Hòa đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh và Cục Thuế tỉnh có biện pháp hỗ trợ kinh doanh nhằm khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh xem xét và có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ đầu tư được cơ cấu lại thời gian trả nợ, giãn nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ, không tính lãi hoặc giảm lãi suất vay ngân hàng trong thời gian khắc phục hậu quả cho đến khi ổn định. Hiệp hội cũng đề nghị Cục Thuế tỉnh và Chi cục Thuế TP. Nha Trang cho các doanh nghiệp được nợ thuế, giảm thuế hoặc miễn thuế để các doanh nghiệp duy trì hoạt động, khắc phục khó khăn.
Theo Hiệp hội, hiện nay, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, có nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng.