Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố cáo tháng 2 cho biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong tháng 2 là 1.800 tỷ đồng, trong đó có 1 đợt phát hành TPDN ra công chúng và 4 đợt phát hành TPDN riêng lẻ.
Theo số liệu thống kê của VBMA, ngân hàng và bất động sản không còn là 2 nhóm dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu. Vị trí này trong tháng 2 năm nay đã thuộc về nhóm xây dựng và sản xuất với giá trị phát hành lần lượt là 800 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, chiếm 44,4% và 27,7% tổng giá trị phát hành.
Trước đó, ngân hàng và bất động sản luôn chiếm ưu thế vượt trội trong tổng giá trị phát hành trái phiếu. Đặc biệt, trong tháng 12/2021 nhóm ngân hàng vươn lên vị trí dẫn đầu, với tổng giá trị phát hành lên tới 46.926 tỷ đồng, chiếm 71,36% toàn thị trường. Với con số này, nhóm ngân hàng bỏ xa nhóm bất động sản ở vị trí thứ 2 khi giá trị phát hành của nhóm này là 9.538 tỷ đồng, chiếm 14,5%.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường TPDN đã trở thành một nguồn huy động vốn tương đối lớn trong mối tương quan với kênh vay vốn tín dụng từ ngân hàng và thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Theo dự báo của FiinRatings, triển vọng của thị trường TPDN năm 2022 vẫn sẽ tiếp tục sôi động. Lãi suất phát hành của TPDN trong năm 2022 cũng sẽ tăng lên đáng kể so với năm 2021 do áp lực phát hành TPDN để tái tài trợ và huy động vốn để đầu tư mới; nền lãi suất huy động ngân hàng hiện đang rục rịch tăng trở lại; và nếu như các điểm đề xuất sửa đổi trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP được thông qua sẽ thắt chặt tiêu chuẩn tham gia phát hành TPDN.
Hồi cuối năm 2021, do tăng trưởng quá nhanh và quá nóng, những bất cập của thị trường này ngày càng lộ rõ khi hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ vẫn huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng do điều kiện phát hành khá dễ dãi, đa số TPDN trên thị trường đều không có tài sản đảm bảo, nhà đầu tư có khả năng trắng tay néu doanh nghiệp xảy ra đổ vỡ.
Rủi ro quá lớn của thị trường cùng bài học nhãn tiền về “bom nợ” trái phiếu doanh nghiệp phát nổ của Trung Quốc khiến cơ quan quản lý bắt đầu thanh lọc thị trường. Cuối năm 2021, hàng loạt nhà phát hành đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp “chui”.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định siết chặt hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Đưa ra khuyến nghị về đầu tư trái phiếu, chuyên gia của FiinRatings cho biết, nhà đầu tư cá nhân, cả chuyên nghiệp và nhỏ lẻ, tham gia vào mua và sở hữu TPDN cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo lãnh.
Hiện nay, phần lớn là bảo lãnh phát hành chứ không phải là bảo lãnh thanh toán. Bảo lãnh phát hành là việc tổ chức bảo lãnh cam kết mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu phát hành nếu không phân phối hết. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư là bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng hoặc của công ty mẹ, công ty liên kết.
Liên quan tới cam kết mua lại của đơn vị phân phối, cần phải xác định rõ là cam kết mang tính không chắc chắn hay cam kết chắc chắn sẽ mua lại trái phiếu mà nhà đầu tư đang sở hữu. Về tài sản bảo đảm, nếu tài sản bảo đảm là bất động sản và dự án hình thành trên bất động sản thì cần phải nắm được dự án nằm ở đâu, đơn vị định giá có tên tuổi hay không.
“Năng lực tín dụng mới là yếu tố quyết định khả năng chi trả gốc và lãi vay của doanh nghiệp”, chuyên gia của FiinRatings nhấn mạnh./.