Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, bất động sản nghỉ dưỡng dần trở thành một phân khúc hấp dẫn dòng tiền và sự quan tâm của giới đầu tư. Bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá là kênh đầu tư đầy tiềm năng khi những con số về lượng khách du lịch cũng như sự bùng nổ của các dự án đang ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, lĩnh vực du lịch của Việt Nam thời gian qua liên tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng, từ 30 - 40%/năm. Riêng năm 2017, lượng khách du lịch trong nước đã đạt trên 73 triệu lượt, lượng khách quốc tế đạt 12,9 triệu lượt, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2016… tổng doanh thu ngành du lịch đạt gần 510.000 tỷ đồng.
Dự báo đến năm 2020, lượng khách trong nước và quốc tế đến Việt Nam sẽ cán mốc 100 triệu lượt. Trong đó, khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế, đạt giá trị xuất khẩu du lịch trên 20 tỷ USD.
Cùng với sự tăng trưởng của ngành du lịch, hàng loạt các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn được đầu tư xây dựng tại các khu vực ven biển. Báo cáo từ Công ty tư vấn Savills, trong giai đoạn từ 2017 - 2019 sẽ có khoảng 27.000 - 29.000 căn hộ khách sạn được tung ra thị trường, trong đó tập trung ở khu vực ven biển, và con số này còn lớn hơn cả nguồn cung phòng khách sạn mới.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường này đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh mẽ cả về nguồn cung và thanh khoản tại hầu hết các địa phương trọng điểm phát triển du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc.
Tại Diễn đàn bất động sản du lịch biển Việt Nam 2018 với chủ đề: “Quản trị đầu tư và kinh doanh hiệu quả”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất đông sản đang rất cần các chính sách điều tiết của Nhà nước để giữ ổn định như chính sách đất đai, thuế, tín dụng. Trong thời điểm rất nhạy cảm như hiện tại, sự thay đổi của các chính sách sẽ kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, một trong vấn đề đang gây trở ngại với sự phát triển của thị trường là các chính sách liên quan đến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tính đến thời điểm hiện tại, việc sở hữu condotel nghỉ dưỡng đã được doanh nghiệp kiến nghị rất nhiều và Hiệp Hội bất động sản Việt Nam cũng đã nhiều lần đề xuất tuy nhiên kết quả vẫn chưa có sự cải thiện. “Thị trường bất động sản đang rất cần phải có nghị quyết, hướng dẫn nhiều hơn về thời hạn sở hữu condotel”, ông Hà nhấn mạnh.
Cùng theo ông Hà, vấn đề cấp sở hữu cho nhà đầu tư nhỏ khi bỏ vốn vào căn hộ condotel cần phải sớm giải quyết bởi hiện nay họ đang phải ủy quyền cho nhà quản lý khác vận hành. Chưa kể, việc bảo trì condotel trong bất động sản nghỉ dưỡng như thế nào, chia sẻ lợi nhuận ra sao vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể trong các văn bản pháp lý của cơ quan Nhà nước.
“Mỗi một dự án lại có chính sách riêng của mình, không tạo được cơ sở pháp lý chung. Để bảo đảm quyền lợi trách nhiệm của chủ đầu tư cần có sự hướng dẫn của Nhà nước như vấn đề đầu tư phải như thế nào và các hợp đồng mua bán ủy quyền cũng phải được hướng dẫn trong các quy định tối thiểu cần phải có”, ông Hà khẳng định.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, không thể phủ nhận được rằng nếu thiếu mô hình huy động vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ không thể xây dựng được các công trình lớn. Nhiều dự án du lịch biển đã tạo ra sự khác biệt của một thành phố như Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang. Ông Hà nhấn mạnh: “Các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải phối hợp với nhau để đưa ra nghị định, thông tư nhằm tạo cơ sở để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển bền vững”./.