Bất động sản nghỉ dưỡng đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có 52 dự án đang triển khai, tăng 98% so với quý IV/2021, cung ứng ra thị trường tổng cộng 20.118 căn hộ du lịch và 7.887 biệt thự du lịch. Số lượng dự án được cấp phép mới là 5 dự án, tăng 83% so với quý IV/2021, bao gồm 67 biệt thự du lịch và 220 văn phòng kết hợp lưu trú.
Báo cáo từ DKRA Vietnam cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cả về nguồn cung và sức tiêu thụ trong quý I/2022. Cụ thể, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng có 12 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 1.020 căn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 57% (khoảng 579 căn), tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Phân khúc nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng có 13 dự án mở bán trong quý I/2022, cung cấp ra thị trường 2.768 căn, tăng 4% so với quý trước và gấp 12,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 87% (2.408 căn), tăng 14,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Phân khúc condotel ghi nhận 613 căn mở bán, tỷ lệ tiêu thụ đạt 32% nguồn cung mới, tương đương 199 căn, gấp 3,3 lần so với quý IV/2021. Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Quảng Ninh...
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, có nhiều lý do khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục trong năm 2022. Đó là những lực đẩy không phải mọi phân khúc đều có được.
Thứ nhất, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hưởng lợi lớn từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. Đơn cử như việc mở cửa du lịch quốc tế và sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 cũng là nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển, qua đó thúc đẩy sự hồi phục và phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Thứ hai, cung cầu đang ở mức hợp lý, do 2 năm qua rất ít dự án mới triển khai.
Thứ ba, một yếu tố có thể thu hút nhà đầu tư quay lại với bất động sản nghỉ dưỡng là việc giá các sản phẩm thuộc phân khúc này không tăng quá nhiều so với các phân khúc khác như đất nền, đất vườn, nhà phố, căn hộ… Đồng thời, với lực đẩy từ gói hỗ trợ kích thích kinh tế, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ như chiếc lò xo bị nén, bật mạnh sau thời gian bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Vì vậy, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định, mặc cho diễn biến thị trường có những biến động trong 6 tháng đầu năm, phân khúc nhà ở “thăng trầm” khó đoán, đất nền lúc “nóng” lúc “lạnh” và đang có dấu hiệu hạ nhiệt thì bất động sản nghỉ dưỡng vẫn phất lên mạnh mẽ.
“Minh chứng cho sự hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian này chính là mọi địa điểm du lịch đều đón nhận đông đảo du khách ghé thăm, nhất là du lịch biển. Các bãi biển từ Bắc vào Nam, đặc biệt là các bãi biển nổi tiếng miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn đang rất được chú ý. Công suất thuê phòng tại các cơ sở lưu trú hầu hết quá tải. Giá thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng so với thời điểm cuối năm 2021 ở mức bình quân khoảng 20 - 25%. Khi nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn trong dân tăng lên đột biến cùng những trợ lực xung quanh, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “ấm lên” là điều tất yếu”, ông Thịnh nói.
Có thể thấy, sự bứt tốc của bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành điểm sáng lớn nhất trong toàn bức tranh thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm. Bước sang giai đoạn 6 tháng cuối năm, phân khúc này hứa hẹn vẫn duy trì được phong độ, tiếp tục khởi sắc.
Bất động sản miền Trung là điểm nhấn lớn nhất
Trong bức tranh chung đầy tươi sáng của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, khu vực miền Trung được đánh giá là điểm đến có sức thu hút nhất. Bởi nơi đây sở hữu lợi thế vượt trội về tự nhiên, tạo ra nhiều dư địa cho các dự án mới được triển khai xây dựng, cung cấp nguồn cung ra thị trường dồi dào, đảm bảo giá thuê hợp lý và có tính cạnh tranh. Chưa kể, đòn bẩy về hạ tầng cũng được đẩy mạnh đầu tư giúp liên kết các khu vực, khai thác tối đa giá trị tự nhiên, văn hoá.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, với việc ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, miền Trung đã được Chính phủ quan tâm đặc biệt trong công tác phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Các địa phương khu vực miền Trung được đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu vực kinh tế với nhau, kết nối với các vùng kinh tế ngoài vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; phát triển kinh tế đô thị, nâng cao chất lượng các đô thị có sẵn. Từ đó, khu vực này đã trở thành vùng trũng lớn thu hút nhiều nhà đầu tư trên cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP cũng không ngừng tăng cao. Một số tỉnh, nổi bật như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên… đều đạt mức tăng trên 8%.
“Số lượng dự án bất động sản du lịch được phê duyệt tại khu vực miền Trung lên đến hàng trăm dự án, cung cấp cho thị trường nhiều vạn sản phẩm, phải kể đến là condotel, shophouse, villa, biệt thự… Những sản phẩm này có sức hút đầu tư rất mạnh, đặc biệt gần đây có sự tham gia của những “cá mập” trong ngành du lịch như Sun Group, Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh… Vì vậy, nếu 10 năm về trước, miền Trung chỉ nổi lên với 2 địa danh là Đà Nẵng và Nha Trang thì hiện tại, với sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực địa ốc, nhiều địa phương khác như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận… cũng đã phát triển sôi nổi, trở thành điểm đến của mọi khách du lịch khi nghĩ tới miền Trung”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.
Theo đó, ông Thịnh cũng khẳng định, trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, miền Trung cũng là khu vực có thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ nhất sau hai năm “nằm im” chống dịch.
Về khả năng “chiếm sóng” du lịch trong 6 tháng đầu năm, báo cáo của Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) chỉ ra, trên địa bàn cả nước ghi nhận nguồn cung mới từ một số khách sạn 4 - 5 sao, khu nghỉ dưỡng được khai trương và đi vào hoạt động như: Radisson Hotel Danang 5 sao tại Đà Nẵng, Holiday Inn Resort Ho Tram Beach 5 sao tại Bà Rịa - Vũng Tàu, khu nghỉ dưỡng An Lâm Retreats Saigon River tại TP.HCM.
Tuy nhiên, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng được mở bán mới và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nhất tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung như: Fusion Resort & Villas Đà Nẵng, The Filmore Da Nang, Aria Đà Nẵng Hotel and Resort (Đà Nẵng); Cam Ranh Bay Hotels & Resorts (Khánh Hòa); The Ocean Villas Quy Nhơn, Maia Resort Quy Nhơn (Bình Định)…
Chỉ trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Quy Nhơn - Bình Định đã vượt mặt Phú Quốc, Đà Lạt, Vũng Tàu... trở thành điểm đến “hot” nhất với 192.000 lượt khách. Sở Du lịch Bình Định ghi nhận, hầu hết khách sạn 3 - 5 sao đều “cháy phòng” do khách đặt trước. Không chỉ hấp dẫn khách nội địa, Quy Nhơn còn là 1 trong 10 điểm đến được khách nước ngoài tìm kiếm nhiều nhất, theo Google Destination Insights.
Tương tự, Quảng Nam cũng là tỉnh được nhiều du khách ghé thăm trong đợt nghỉ lễ 30/4 năm nay. Theo số liệu từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, không riêng gì Hội An, một số địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng thu hút một lượng lớn khách du lịch, ước tính trung bình khoảng gần 200.000 lượt khách. Riêng Đà Nẵng đạt hơn 254.000 lượt khách, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Lượng khách quốc tế “đổ bộ” tới Quảng Nam, Đà Nẵng các dịp lễ, tết ngày một đông, thường gây ra tình trạng quá tải. Đặc biệt các khu vực như Hội An hay biển An Bàng hiện phần lớn là các homestay nhỏ lẻ hoặc các khách sạn 2 - 3 sao, thiếu các căn hộ nghỉ dưỡng ven biển cao cấp, đáp ứng nhu cầu của du khách. Những bất động sản cung cấp các căn hộ nghỉ dưỡng như La Queenara, Legasea Villas... ra mắt vừa qua đón nhận những phản ứng tích cực từ thị trường nhờ khả năng đáp ứng nhu cầu lưu trú sang trọng của du khách./.