Aa

Bất động sản nghỉ dưỡng: Muốn kiếm tiền đừng "bỏ trứng vào một giỏ"

Thứ Tư, 13/11/2019 - 09:05

Chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư cũng cần linh động, luôn nhớ không bao giờ đầu tư theo kiểu “bỏ chung trứng vào một giỏ”.

Trao đổi với báo chí về tiềm năng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở miền Bắc & miền Trung Savills Việt Nam cho rằng: "Chừng nào du lịch còn phát triển, chừng đó bất động sản nghỉ dưỡng còn cơ hội tăng trưởng tốt".

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển.

Theo ông Hiển, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi: thời tiết khí hậu ôn hòa, đường bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp tầm cỡ quốc tế, cùng nhiều cảnh quan danh thắng đẹp khác. Khách du lịch đến Việt Nam theo đó vẫn liên tục tăng.

Đặc biệt, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng của các địa phương du lịch và Việt Nam nói chung đang ngày càng phát triển, ví dụ như tuyến đường cao tốc Bắc Nam, hay sự gia nhập của các hãng hàng không mới hay sự phát triển mở rộng của các hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam, bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội tận dụng sâu hơn nữa tiềm năng từ du lịch, hứa hẹn mức lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, tại hội thảo diễn ra tuần qua, ông Robert Micintosh, Giám đốc điều hành CBRE Hotel châu Á - Thái Bình Dương cũng cho rằng, ngành khách sạn Việt Nam năm 2019 mặc dù có suy giảm về tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn là một con số ấn tượng so với các quốc gia trong khu vực và toàn châu Á.

Thị trường khách sạn Việt Nam cũng ghi nhận sự bùng nổ nguồn cung từ năm 2015 đến nay. Trong đó, phân khúc khách sạn 5 sao có mức độ tăng cung lớn nhất, nhất là ở Đà Nẵng. Cụ thể, từ 2015 – 2019, số phòng khách sạn 5 sao tăng hơn gấp 2 lần, từ 24.212 phòng lên 52.213 phòng. Phân khúc 4 sao cũng duy trì mức tăng trưởng tốt, tăng từ 27.379 phòng lên 39.023 phòng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, nếu so sánh nguồn cung của Hà Nội, TP.HCM là hai thị trường lớn so với một số thị trường điển hình, ví dụ như Băng Cốc (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) thì con số này còn khá nhỏ bé. Điều đó cho thấy triển vọng và tiềm năng của phân khúc này còn rất lớn.

Theo ông Gautam Bhandari, Phó Giám đốc phát triển khu vực Marriott APAC, Việt Nam nhấn mạnh: “Tương lai, trong khoảng hơn 10 năm tới, thị trường sẽ ngày càng phát triển, đạt được độ chín và duy trì tăng trưởng. Đây cũng là bước tiến chung, không chỉ của Việt Nam mà cả các quốc gia khác trong khu vực, như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Thị trường Việt Nam vẫn sẽ rất tiềm năng cả với khách nội và khách ngoại”.

Ông Christian Low, Giám đốc chiến lược Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, SB Architect cũng cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến tuyệt vời, so với tiềm năng thực tế thì mức độ khai thác vẫn chưa nhiều và còn triển vọng ở tương lai.

Tuy vậy, chuyên gia cũng cho rằng các nhà đầu tư cũng cần linh động, luôn nhớ không bao giờ đầu tư theo kiểu “bỏ chung trứng vào một giỏ”.

"Danh mục đầu tư cần được đa dạng hóa, không chỉ gói gọn trong các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp mà còn có cả những sản phẩm 3 sao", ông Dương Đức Hiển, chuyên gia từ Savills khuyến nghị.

Ông Hiển cũng cho rằng, với những dự án được phát triển tốt thì các nhà đầu tư sẽ có nguồn thu ổn định từ cho thuê, kinh doanh khách sạn biệt thự du lịch của họ. Tuy nhiên, lưu ý rằng không phải bất cứ sản phẩm nào được tung ra thị trường cũng đều có thể “lướt sóng” hoặc đầu tư ngắn hạn.

"Lợi nhuận lớn thì rủi ro lớn, các sản phẩm đầu tư ngắn hạn thường là những sản phẩm rủi ro và thiếu tính ổn định hơn. Thay vì việc kiếm lời trong thời gian ngắn thì hãy tìm cách xây dựng hoặc đầu tư vào các sản phẩm mang tính trung hạn và dài hạn, điều này sẽ giúp các nhà đầu tư có được sự ổn định về mặt tài chính cũng như giúp cho các quốc gia có được sự ổn định thị trường", ông nói thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top