Aa

Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục cắt lỗ khi du lịch phục hồi chậm

Thứ Hai, 02/10/2023 - 16:39

Du lịch không khởi sắc như kỳ vọng, thu nhập người dân giảm sút do suy thoái kinh tế, giá vé máy bay cao, tỷ lệ lấp đầy phòng giảm… Điều này khiến một số nhà đầu tư rao bán cắt lỗ sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng…

Hàng loạt nhà đầu tư cắt lỗ nhiều tỷ đồng/căn biệt thự nghỉ dưỡng nhưng vẫn không tìm thấy người mua do tác động từ nhiều yếu tố tới phân khúc này.

Nhiều biệt thự nghỉ dưỡng bán cắt lỗ 5-7 tỷ đồng

Theo một khảo sát của Batdongsan.com.vn gần đây, tình trạng cắt lỗ vẫn đang tiếp diễn đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Tại Phú Quốc, những căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Gành Dầu từng được giao dịch 19-20 tỷ đồng/căn, nay đang được rao bán chỉ 13-15 tỷ đồng/căn. Phân khúc condotel tại Phú Quốc vẫn ghi nhận có nhiều căn cắt lỗ từ 150-300 triệu đồng.

Tại Nha Trang (Khánh Hoà), nhiều biệt thự đang được rao bán với giá 16-18 tỷ đồng/căn, giảm so với mức giá từng được chào bán năm 2021 là 20-23 tỷ đồng/căn. Phân khúc condotel tại Nha Trang ghi nhận mức cắt lỗ trung bình từ 100-300 triệu đồng/căn.

Tại Quảng Ninh, nhiều biệt thự nghỉ dưỡng ở thành phố Hạ Long đang cắt lỗ khá sâu. Chẳng hạn, những căn biệt thự tại phường Bãi Cháy lúc sốt nóng có giá 29-32 tỷ đồng/căn. Giá hiện tại chỉ dao động từ 22-25 tỷ đồng/căn, giảm từ 3 đến 7 tỷ đồng/căn, tuy nhiên, vẫn không có khách chốt mua. Không chỉ biệt thự nghỉ dưỡng, khá nhiều căn condotel tại Quảng Ninh cũng đang bị rao bán cắt lỗ từ 250-600 triệu đồng/căn.

Nhiều môi giới về bất động sản nghỉ dưỡng cho biết thanh khoản của phân khúc này vẫn chậm. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản đang chững, du lịch không khởi sắc như kỳ vọng khi thu nhập người dân giảm sút do suy thoái kinh tế, giá vé máy bay cao, tỷ lệ lấp đầy phòng không được như trước. Điều này cũng khiến một số nhà đầu tư vẫn đang rao bán cắt lỗ.

Đối với hoạt động kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng tại Việt Nam, theo Savills, thị trường này cũng chậm khôi phục so với các quốc gia trong khu vực. Tính đến 8 tháng đầu năm 2023, công suất phòng trung bình của thị trường Việt Nam chỉ dao động ở mức 40%, trong khi Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia đều đã vượt mốc hơn 50%, Singapore gần đạt mức 75%.Trong 8 tháng đầu năm 2023, giá phòng bình quân trên toàn thị trường đạt khoảng 120 USD/đêm, tiệm cận mức trước đại dịch. Giá phòng bình quân tại Việt Nam đang dưới mức 100 USD/đêm.

Cải thiện du lịch, tăng thanh khoản

Dự báo về diễn biến của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, DKRA Group cho rằng khi ngành du lịch chưa phục hồi như kỳ vọng, cùng với tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, dự kiến thị trường sẽ tiếp tục duy trì sự trầm lắng kéo dài trong những tháng cuối năm. Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng rơi vào trạng thái “ngủ đông”, trong khi condotel nguồn cung mới thiếu vắng khi liên tiếp hơn 1 năm qua không ghi nhận dự án mở bán mới. Sức cầu chung thị trường ở mức rất thấp.

Việc nhiều chủ đầu tư tập trung tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau thời gian chịu tác động bởi những bất ổn kinh tế cũng như sức ép đáo hạn trái phiếu giai đoạn cuối năm dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường trong thời gian tới.

Còn theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels của Savills, so với cùng kỳ 2019, hiện nay, tổng lượt khách châu Âu đến Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch khoảng 38%.

Thị trường khách châu Á cũng thấp hơn mức trước đại dịch 32% trong 8 tháng đầu năm 2023. Hàn Quốc hiện là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam, tuy nhiên tổng lượt khách vẫn thấp hơn mức năm 2019. Thị trường Trung Quốc đang dần khôi phục, đạt 950.000 tổng lượt khách, nhưng chỉ tương đương 28% so với cùng kỳ 2019. Thị trường khách châu Mỹ và châu Úc thấp hơn so với cùng kỳ 2019 khoảng 8%, đạt tổng 900.000 lượt khách, chủ yếu là du khách đến từ Mỹ và Úc.

Để ngành du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam cạnh tranh hiệu quả hơn, ông Mauro Gasparotti cho rằng việc thiết lập các văn phòng đại diện để quảng bá hoạt động du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang cạnh tranh gay gắt để thu hút khách quốc tế quay trở lại.

“Ví dụ, khi nhắc đến du lịch biển đảo, hình ảnh điểm đến của Phú Quốc đối với thị trường khách quốc tế vẫn kém hơn với các hòn đảo du lịch khác như Phuket, Bali và Boracay. Bên cạnh Phú Quốc, các điểm đến đang trong quá trình phát triển “nóng” như: Hồ Tràm, Quy Nhơn và Mũi Né cũng sẽ được hưởng lợi từ các chiến lược quảng bá tại thị trường quốc tế, nếu được hoạch định, triển khai hiệu quả", ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh.

Một số điểm đến của Việt Nam có lợi thế cảnh quan thiên nhiên để phát triển các khu nghỉ dưỡng hạng sang. Đây là phân khúc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trên toàn thế giới, ngay cả trong giai đoạn thị trường chịu nhiều biến động kinh tế - xã hội lớn trong thời gian qua.

“Việt Nam cần gia tăng sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch thế giới. Do đó, cần bảo tồn các yếu tố văn hóa địa phương, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, hướng đến các mô hình du lịch sinh thái, du lịch tái tạo, du lịch y tế, và các sản phẩm dành cho đối tượng du khách cao tuổi. Các hoạt động trải nghiệm, vui chơi giải trí trong các khu phức hợp nghỉ dưỡng cũng cần gia tăng…”, ông Mauro chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top