Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với thách thức
Tại Hội thảo “Phát triển Bất động sản bền vững trong kỷ nguyên số”, đánh giá về cơ hội và thách thức đối với chủ đầu tư bất động sản trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc điều hành, người sáng lập Công ty cổ phần dịch vụ Bất động sản Sen Vàng cho rằng, diễn biến của dịch bệnh rất khó lường. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp bất động sản cần chủ động lên kịch bản riêng cho đơn vị của mình để sẵn sàng đối phó và thích ứng.
Trên thị trường, hiện chỉ có phân khúc đất nền và bất động sản công nghiệp là những phân khúc có nhiều “điểm sáng” trên thị trường. Tuy ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng bất động sản vẫn là kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn nên giá vẫn cao. Điều này cũng có thể lý giải là do khan hiếm nguồn cung, giá nguyên vật liệu tăng và các địa phương vừa điều chỉnh giá đất.
Kỷ nguyên số hóa đã thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp bất động sản, bởi nó giúp xây dựng những mô hình kinh doanh mới, liên quan đến chuyển đổi số. Điều này để đảm bảo duy trì hoạt động trong điều kiện buộc phải giãn cách xã hội.
Hiện có 5 thách thức đặt ra cho nhóm bất động sản gồm: Chính sách pháp lý, sự biến đổi khó lường của đại dịch; sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch; chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu; áp lực lớn từ ách tắc nguồn cung khiến chủ đầu tư khó khăn về nguồn vốn.
Tuy nhiên, theo bà Ngọc, khó khăn sẽ buộc các doanh nghiệp bất động sản phải linh hoạt thay đổi. Ngoài việc đáp ứng sự thay đổi của thị trường, chủ đầu tư phải nghiên cứu kỹ hơn về những thay đổi của khách hàng, nhà phân phối, thậm chí cả đối thủ. Từ đó, xây dựng giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp.
Muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần chú trọng đến các phân khúc còn khan hiếm trên thị trường, đặc biệt là nhà ở có giá bình dân dành cho người thu nhập còn hạn chế. Quá trình hướng tới phát triển bền vững có thể chậm nhưng phải chắc chắn.
Trong bối cảnh kinh tế số thay đổi từng ngày, từng giờ, doanh nghiệp bất động sản phải áp dụng công nghệ để đổi mới sáng tạo trên các “mặt trận” kinh tế, xã hội, môi trường trong tiến trình phát triển bền vững.
Giải pháp số hoá giúp thị trường bền vững hơn
Cũng chia sẻ tại hội thảo, TS. Tạ Văn Thành, chuyên gia kinh tế cho hay, trong những năm gần đây công nghệ số đã trở thành xu hướng của toàn cầu. Do đó mà việc thúc đẩy chuyển đổi số ứng dụng công nghệ số đối với thị trường bất động sản Việt Nam là xu thế tất yếu.
Trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, các hoạt động giãn cách xã hội kéo dài nhằm hạn chế tiếp xúc, thì công nghệ số đã chứng minh được ưu điểm của nó trong việc quảng bá sản phẩm, kết nối thông tin. Có thể nói, dịch Covid-19 đã giúp cho việc đẩy quá trình chuyển đổi sổ và hướng tới sự phát triển bền vững ở thị trường bất động sản Việt Nam.
Bằng chứng là từ đầu năm 2020 cho đến nay đã có rất nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản lớn đầu tư cho ứng dụng công nghệ tích hợp đa nền tảng. Tuy nhiên, tới 80% trong số này lại là công ty có vốn đầu tư từ nước ngoài, hoặc công ty nước ngoài.
TS. Thành phân tích: “Tôi cho rằng, bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp bất động sản vẫn cần sự trợ giúp của Nhà nước. Trước tiên, đó là việc số hóa dữ liệu. Hiện doanh nghiệp bất động sản rất khó tìm kiếm các bản đồ quy hoạch 1/2000 được tích hợp trên các nền tảng số. Duy nhất có TP.HCM đã làm được việc này, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong vấn đề tìm kiếm. Còn tại nhiều địa phương khác, các doanh nghiệp bất động sản đang phải thông qua nhiều mối quan hệ, cách thức để có được bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/2000.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho hay, việc áp bản đồ này vào từng dự án cũng sẽ rất khó khăn nếu không thực hiện chuyển đổi số. Do đó, yếu tố cần thiết đầu tiên chính là đồng bộ dự liệu quản lý thông tin về đất đai, mã hóa công văn chỉ thị liên quan. Hay nói cách khác là số hóa data dữ liệu của Nhà nước”.
Thêm một nội dung để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số là vấn đề tài chính. Theo ông Thành, Chính phủ cần có chế tài để minh bạch hóa, số hóa bất động sản ngay từ giao dịch. Hiện quy trình giao dịch bất động sản rất chặt chẽ nên khi số hóa, các thủ tục này cũng cần được cơ quan chức năng của Nhà nước công nhận để tránh tranh chấp, rủi ro, giảm bớt tiêu cực, phiền hà trong quá trình giao dịch.
Doanh nghiệp nên nhập cuộc vào phát triển xanh
Bàn về vấn đề việc phát triển bền vững với bất động sản nên bắt đầu từ khâu nào trong quá trình triển khai dự án, ông Trịnh Tùng Bách, Người sáng lập GBS (Green Building Solution) cho rằng, nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Hiện các quốc gia đều có chiến lược phát triển bền vững ngành xây dựng với mục tiêu định hướng dài hạn. Ở Việt Nam thì chưa có một lộ trình cụ thể, các tiêu chí được hành động cụ thể. Tuy nhiên, cũng đã có những tiêu chí được ban hành từ tổ chức tài chính quốc tế, hội đồng công trình xanh, do đó phát triển bền vững bất động sản tại Việt Nam có thể bám sát các tiêu chí đó.
Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, nhóm sản phẩm bất động sản công trình xanh ngày càng tăng với lợi thế về giá bán, tốc độ bán hàng cùng nhiều lợi ích lâu dài khác, kể cả khâu vận hành...
Để làm được điều này, các chủ đầu tư nên “nhập cuộc” ngay từ khâu quy hoạch, lựa chọn vị trí với những tiêu trí rõ ràng hay việc sử dụng thiết kế, thi công, vận hành theo tiêu chuẩn đặt ra... Nhóm công trình xanh, đô thị thông minh hiện đang là những nhân tố hướng tới phát triển bền vững. Sản phẩm chính là yếu tố quan trọng nhất bởi sản phẩm bất động sản tồn tại hàng chục, hàng trăm năm và phục vụ trực tiếp cho đời sống của con người.
Là chuyên gia trong lĩnh vực mô phỏng năng lượng công trình, ông Trần Thành Vũ, Chủ tịch IBPSA-Vietnam cho rằng, trong vài năm trở lại đây, các nước trên thế giới đã dần đưa ra các chứng chỉ xây dựng xanh như là một cách để nhận biết và khuyến khích xây dựng bền vững. Theo đó các chứng chỉ sẽ đánh giá một công trình xanh bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn về hiệu suất sử dụng năng lượng, bảo vệ nguồn nước, vật liệu xanh, chất lượng không khí, nội thất hoặc các tính năng sáng tạo khác có vai trò giảm tác động đến môi trường cũng như tạo một không gian lành mạnh hơn.
Theo ông Vũ, thực hiện mô phỏng năng lượng công trình để hoàn thiện thiết kế như hình dáng tòa nhà, hướng tòa nhà, chắn nắng, vật liệu… nhằm tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng, không khí, nước. Sự chuẩn bị này sẽ giúp công trình đạt yêu cầu tiết kiệm năng lượng, tạo tiện nghi sống tốt cho người sử dụng và giúp chủ đầu tư đạt được hiệu quả sử dụng vốn cao nhất. Đây cũng là mục đích cuối cùng khi đầu tư một công trình tiết kiệm năng lượng.