Aa

Số hoá giúp giao dịch bất động sản minh bạch hơn

Chủ Nhật, 09/05/2021 - 06:00

Covid-19 tiếp tục khiến nhiều hoạt động thường ngày của thế giới trên nền tảng trực tuyến trở nên sôi động hơn.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang là xu hướng trên toàn thế giới với việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất, hội tụ kỹ thuật số với các yếu tố cốt lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật - Internet of Things (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), Blockchain,…

Không đứng ngoài cuộc, ứng dụng công nghệ cũng trở thành xu hướng tất yếu trong ngành bất động sản, từ việc đưa ra thông tin dự án trực quan tới việc kết nối người mua và người bán. Điều này giúp tăng cường khả năng minh bạch thông tin thị trường khi chủ đầu tư có thể công khai về dự án để khách hàng dễ dàng nắm bắt, kiểm chứng, so sánh.

Mặt khác, tình trạng bất cân xứng thông tin giữa cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp lẫn người dân đã để lại những hệ lụy không nhỏ, đặc biệt là niềm tin và định hướng phát triển bền vững của thị trường. Điều này cũng bắt nguồn từ việc Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống dữ liệu cập nhật theo thời gian thực về các dự án bất động sản, trong đó có sự liên kết đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu của tất cả các cơ quan chức năng có liên quan như Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Công an…, để người mua có thể tiếp cận dữ liệu và kiểm chứng các thông tin về dự án một cách trực diện. Trong khi đó ở nhiều quốc gia, hệ thống này đã được triển khai và chứng tỏ hiệu quả đáng kể, giúp giảm thiểu rủi ro cho người mua nhà, người đầu tư bất động sản.

Ông Mathew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ: “Việc số hóa thông tin mang lại lợi ích trong kiểm soát thông tin đất đai, nhằm đảm báo tính minh bạch của thông tin. Đây là một trong những giải pháp đã được đưa ra sau những cơn sốt đất liên tục thời gian vừa qua, khi giá đất bị đẩy lên cao chỉ vì thiếu nguồn tin chính xác. Một trong những giải pháp có thể kể đến là việc thành lập Dữ liệu Quốc gia về giá đất - nơi mà toàn bộ thông tin về đất đai được lưu trữ trên nền tảng số.

Covid-19 tiếp tục khiến nhiều hoạt động thường ngày của thế giới trên nền tảng trực tuyến trở nên tích cực hơn.

Vị chuyên gia này lý giải, mọi thứ được kiểm soát bởi Cơ quan Đăng ký Đất đai, số hóa quốc gia về các giao dịch đất đai sẽ tạo ra viễn cảnh minh bạch hơn cho thị trường. Hiện, giá cả đang được đẩy lên cao dựa trên các thông tin sai lệch hoặc bị hiểu nhầm. Việc này đã dẫn đến sự lẫn lộn trong giá cả và một số người sẽ ra quyết định đầu tư sai lầm dựa trên những thông tin không chính xác.

Vì vậy, sự xuất hiện của một nguồn dữ liệu, nơi thông tin được công bố rộng rãi và chính xác sẽ cho phép thị trường bất động sản hoạt động ổn định và giảm thiểu những sự nhảy vọt về giá. Lấy ví dụ tại Anh quốc, thị trường này đã có một nền tảng quản lý thông tin đất đai quốc gia. Mọi mảnh đất và mọi giao dịch xảy ra trên mảnh đất đó được lưu giữ trong nhiều thế kỷ.

Những thông tin ấy đều được tiếp cận và sử dụng bởi toàn bộ những đơn vị hoạt động trong thị trường bất động sản và chính phủ cũng đồng thời sử dụng như một công cụ hiệu quả về pháp lý. Điều quan trọng là cải thiện việc lưu trữ và truyền tải thông tin, giảm thiểu những đặc tính đã trở nên lỗi thời trong ngành bất động sản như việc quá phụ thuộc vào các loại giấy tờ. Khi các loại giấy tờ được số hóa thì thông tin không chỉ được truyền tải hiệu quả hơn, mà còn đồng thời còn được bảo mật cao hơn.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Quản lý Phòng nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam nhận xét, công nghiệp 4.0 là xu hướng của toàn thế giới. Nó giúp cho thị trường bất động sản nói riêng và các ngành khác nói chung được phát triển một cách đồng bộ hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để đón đầu xu hướng này, Nhà nước cần có những chính sách và hành lang pháp lý để doanh nghiệp và Nhà nước hợp tác chặt chẽ hơn với mục tiêu phát triển thị trường bất động sản đồng bộ, minh bạch.

Theo bà Thanh, hiện việc áp dụng xu hướng công nghiệp 4.0 vẫn còn ở những bước đầu. Đơn cử như việc xây dựng đô thị thông minh là hướng nhìn về dài hạn, nhưng hiện mới đang giải quyết những vấn đề trong ngắn hạn. Đây là bài toán về lâu dài, đòi hỏi có nguồn lực lớn. Công nghệ không thay đổi được con người, nhưng con người cần đổi mới để thích nghi với sự phát triển của công nghệ.

Bênh cạnh đó, giới chuyên gia cũng nhận thấy từ khi làn sóng Covid-19 xuất hiện đã khiến hoạt động chuyển đổi số và vai trò của các trung tâm lưu trữ số liệu trở nên quan trọng hơn. Ở thời điểm hiện tại, dữ liệu từ Báo cáo Tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2021 cho thấy, nhu cầu thuê văn phòng với lĩnh vực IT và sản xuất đã tăng. Diện tích thuê của các giao dịch văn phòng của các công ty hoạt động trong lĩnh vực này cũng được mở rộng với quy mô chủ yếu trên 1.000m2.

Để đáp ứng nhu cầu bùng nổ về chuyển đổi số, các trung tâm dữ liệu đã và đang được mở rộng nhanh chóng trên toàn cầu. Đến năm 2026, quy mô của thị trường dữ liệu toàn cầu dự kiến sẽ đạt 251 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ là 4,5%.

Việc dịch chuyển sang lưu trữ đám mây sẽ trở thành yếu tố then chốt của nhiều công ty, vậy nên nhu cầu về các cơ sở trung tâm dữ liệu sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai gần, tạo ra những yêu cầu thuê mới cho các bất động sản thương mại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top