Aa

Bất động sản phía Bắc nửa cuối năm 2021: Đâu là toạ độ hấp dẫn?

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 13/08/2021 - 06:00

Dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4 với nhiều diễn biến phức tạp, các tỉnh khu vực phía Bắc cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, đây vẫn là thị trường BĐS đầy sức nóng.

Bất động sản công nghiệp là “điểm sáng” cho thị trường phía Bắc

Phát triển khá dạng, với nhiều loại hình bất động sản khác nhau, tuy nhiên nổi bật nhất ở thị trường các tỉnh phía Bắc vẫn là sự dẫn dắt của phân khúc bất động sản công nghiệp. Đây là phân khúc được đầu tư phát triển ở hầu hết các tỉnh thành khu vực Bắc Bộ với tốc độ vô cùng nhanh chóng. Vì vậy, khi dịch bùng phát, phân khúc này không chỉ "miễn nhiễm" với Covid-19 mà còn tăng trưởng liên tục trước làn sóng doanh nghiệp nước ngoài đổ vào Việt Nam. 

Để mời gọi dòng vốn FDI, các địa phương đã không ngừng kích hoạt đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở cùng hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện kéo các loại hình bất động sản vệ tinh (đất nền, nhà phố, căn hộ…) tăng giá theo. Vì vậy, vốn đã năng động, khu vực phía Bắc lại càng chứng tỏ được vị trí của mình trên thị trường bất động sản cả nước.

Nhìn nhận về điều này, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Dịch bệnh năm 2021 đã giáng một đòn hết sức nặng nề đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Hầu hết các phân khúc đều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch này. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, bất động sản công nghiệp có lẽ là “điểm sáng” nhất trong các phân khúc nhờ “sức đề kháng” cao. Không chỉ thị trường phía Bắc mà cả nước, bất động sản công nghiệp sẽ là đầu tàu cho việc phục hồi kinh tế và dẫn dắt thị trường bất động sản đi qua mùa dịch”.

bđs công nghiệp
Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, theo Báo cáo công bố của JLL, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại miền Bắc vẫn ổn định. Trong quý IV/2020 và quý I/2021, hàng loạt các dự án lớn được công bố như LG Display điều chỉnh tăng vốn hay sự đổ bộ của các ông lớn như Foxconn, Pegatron vào các khu công nghiệp phía Bắc.

Đến quý II/2021, khi làn sóng dịch Covid-19 tái bùng phát vào cuối tháng 4 với tình hình phức tạp hơn, thị trường bất động sản công nghiệp mới thực sự có những tác động sâu sắc. Thị trường không đón nhận dự án FDI nổi bật nào mà chủ yếu là các dự án quy mô nhỏ. Tuy vậy, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp phía Bắc vẫn duy trì ở mức 75%.

Đặc biệt, ngay cả khi trở thành một trong những ổ dịch lớn nhất cả nước như Bắc Giang, Bắc Ninh hồi tháng 6 vừa qua, giá đất công nghiệp nơi đây vẫn giữ vững phong độ.

Cụ thể, theo báo cáo quý II/2021 của JLL, giá đất công nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 107 USD/m2/chu kỳ thuê và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước dù đà tăng đã chậm lại so với quý I. Tương tự, giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng ghi nhận đà tăng ở mức thấp hơn so với quý I, nhưng vẫn tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, rõ ràng làn sóng Covid-19 có càn quét các tỉnh phía Bắc thì sức sống của thị trường bất động sản đặc biệt là bất động sản công nghiệp vẫn trỗi dậy mạnh mẽ. Hơn hết, Việt Nam đang và sẽ triển khai quyết liệt, thành công chiến lược tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Đây chính là điều kiện quan trọng bậc nhất  giúp thị trường bất động sản cả nước nói chung và phía Bắc nói riêng tăng trưởng mạnh trở lại.

Toạ độ hấp dẫn nửa cuối năm 2021 gọi tên ai?

Nếu như trước đây, thị trường bất động sản khu vực phía Bắc hầu hết chỉ tập trung tại Hà Nội - nơi có hạ tầng giao thông và đô thị phát triển đồng bộ thì hiện nay, các tỉnh thành lân cận cũng là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều ông lớn trong lĩnh vực bất động sản. 

Điều này là dễ hiểu, bởi sau nhiều năm phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, quỹ đất Hà Nội ngày càng trở nên hạn hẹp, song các vùng lân cận lại phát triển từng ngày nhờ sự đầu tư về cơ sở hạ tầng đã tạo sức bật lớn cho các tỉnh vùng ven.

Nằm trong danh sách các thị trường mới nổi của bất động sản miền Bắc sẽ không thể bỏ qua các tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Bắc. 

Theo đánh giá của JLL, triển vọng khu vực Đông Bắc đang được đánh giá là sôi động, điểm đến phù hợp cho phân khúc bất động sản công nghiệp. Nơi đây sẽ có lực hút mạnh với các nhà đầu tư nhờ lợi thế về giá thuê cùng hạ tầng ngày càng hoàn thiện.

Giá đất ở các khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tương tự, thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng được dự báo sẽ sôi động với nhiều nhà đầu tư mới như GNP Industrial hay Công ty cổ phần Công nghiệp Khu công nghiệp Việt Nam.

kcn
Ảnh minh hoạ.

“Khi chúng ta nói bất động sản công nghiệp là “điểm sáng” trong thị trường bất động sản thì rõ ràng các địa phương phát triển phân khúc này sẽ là toạ độ hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngoài Hà Nội vốn đã phát triển từ lâu thì khu vực Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Bắc cũng đang “trở mình” mạnh mẽ nhiều năm trở lại đây. 

Các tỉnh thành này với ưu thế về quỹ đất dồi dào, hạ tầng được đầu tư, kết nối đồng bộ cùng nguồn nhân công sẵn có, chính là những nhân tố hút dòng tiền đổ về. Kể cả cuối năm 2021 hay trong dài hạn khi vaccine đã đáp ứng đầy đủ giúp miễn dịch cộng đồng thì đây vẫn chính là những “điểm dừng chân” hợp lý”, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định.

Đặc biệt, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên… là những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất. Theo một số chuyên gia, đây là “những con rồng” mới của thị trường bất động sản miền Bắc, đồng thời cũng sẽ là những miền đất hứa dành cho các nhà đầu tư bất động sản.

“Nếu như Bắc Ninh là “thủ phủ” công nghiệp lớn của cả nước thì Hải Phòng, Quảng Ninh bên cạnh phát triển bất động sản công nghiệp còn là nơi hình thành dòng sản phẩm condotel, resort, phát triển mạnh bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Vì vậy, đầu tư vào các địa phương này ở cuối năm 2021 sẽ dễ có cơ hội cho việc thu lời trong dài hạn những năm về sau”, ông Nguyễn Chí Thanh khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top