Theo đánh giá của các chuyên gia, kịch bản thị trường bất động sản cuối năm vẫn phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng căng thẳng hơn. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả so với nhiều kênh đầu tư khác, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng.
Trên thực tế, cho đến thời điểm này, thị trường bất động sản không chỉ hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài mà ngay cả tiền từ các kênh đầu tư như chứng khoán, ngân hàng… cũng đang “chảy” vào thị trường bất động sản với sự đầu tư dài hạn hơn và kỳ vọng hiệu suất sinh lời cao hơn, khi thị trường chứng khoán có nhiều rủi ro, lãi suất ngân hàng xuống thấp kỷ lục. Nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam bị thu hẹp hoạt động bởi dịch bệnh nên cũng có xu hướng chuyển vốn vào thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Ngoài ra, hiện tại tiền kiều hối tại nhiều khu vực trên thế giới do dịch bệnh nên không có hiệu quả đầu tư cũng đang “đổ” về Việt Nam để đầu tư bất động sản.
Bên cạnh dòng tiền, thị trường bất động sản vẫn còn điểm tựa lạc quan đến từ nhu cầu mua nhà ở thực vẫn rất dồi dào, mặt khác, nhu cầu này cũng tạo ra cơ hội đầu tư cho những nhà đầu tư có sẵn tiền nhàn rỗi. Chính vì lẽ đó, bất động sản nhà ở vẫn giữ vị thế “ngôi sao” khi giá tiếp tục có xu hướng tăng, nguồn cung vẫn chưa theo kịp nguồn cầu.
Theo chia sẻ của nhiều nhân viên môi giới bất động sản, thời điểm này, việc bán hàng tại các dự án nhà ở của các chủ đầu tư lớn có uy tín trên thị trường vẫn rất dễ dàng và thuận lợi, giao dịch đều khi lượng khách mua đầu tư và ở thực vẫn đông.
“Ở những dự án chất lượng, đa dạng tiện ích đến từ các chủ đầu tư uy tín như một số dự án mới của Vingroup, giao dịch đều, thanh khoản vẫn rất tốt. Cả căn hộ và biệt thự liền kề ở các dự án đều được đông đảo khách hàng quan tâm. Có tuần, mỗi ngày nhóm đều chốt được một căn. Nhiều khách hàng mua đầu tư, sau khi mua một thời gian lại gửi để bán lại khi được giá nên giao dịch vẫn sôi động”, chị M, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, các dự án khu đô thị gắn với các khu công nghiệp hoặc khu du lịch là đang thu hút đầu tư và sẽ hoạt động tốt hơn trong thời gian tới.
“Khi dịch bệnh ngày càng phức tạp, người dân sẽ cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, kể cả để ở hay để đầu tư, vì vậy kênh an toàn nhất là các đại dự án gắn với hạ tầng hoàn thiện, dịch vụ tốt, của chủ đầu tư uy tín”, ông Đính cho hay.
Các chuyên gia cũng đánh giá, đợt bùng phát dịch bệnh lần này dù mang lại nhiều thách thức, nhưng cũng đem đến nhiều cơ hội chứng minh giá trị và thực lực của những sản phẩm bất động sản chất lượng từ các nhà đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính vững chắc. Theo đó, phân khúc căn hộ để ở vẫn là tâm điểm nóng nhất, đặc biệt vào thời điểm cuối năm nay, khi nhu cầu đầu tư càng tăng lên.
Bên cạnh phân khúc nhà ở luôn thu hút đầu tư khi giá tăng liên tiếp nhiều năm qua, thì bất động sản công nghiệp cũng là phân khúc đã và đang có triển vọng phát triển tốt. Trên thực tế, chi phí thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn đang giữ nhịp độ tăng trưởng ổn định từ đầu năm đến nay bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
“Đà tăng trưởng của địa ốc công nghiệp vẫn hưởng lợi từ các thương vụ mua bán và sáp nhập. Bên cạnh đó, thị trường được kỳ vọng tiếp tục đón nhiều nhu cầu mới, đặc biệt tại các khu vực kinh tế triển vọng. Đáng chú ý, đà tăng trưởng của bất động sản công nghiệp vẫn hưởng lợi từ các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) và nguồn cung mới”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho hay.
Thị trường bất động sản công nghiệp trong nước dự báo sẽ duy trì nguồn cầu tăng mạnh do các tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh và chọn Việt Nam là điểm đến. Bên cạnh đó, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt, nhiều công ty quốc tế đã áp dụng mô hình Trung Quốc + 1 nhằm tìm kiếm các địa điểm mới để đa dạng hóa và đảm bảo nguồn cung. Với vị trí liền kề Trung Quốc, hội tụ nhiều lợi thế chiến lược, đặc biệt là chi phí thuê đất cạnh tranh, Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và xem như địa chỉ tìm kiếm mới. Đây là lực đẩy để các doanh nghiệp trong nước tích cực "dọn tổ" đón đại bàng, tạo các hạ tầng khu công nghiệp, nhà xưởng, kho xây sẵn... đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp quốc tế. Giá bất động sản công nghiệp dự báo sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm./.