Aa

Bất động sản phía Nam có sẵn sàng trước những “biến động”?

Thứ Tư, 30/05/2018 - 06:01

Với hàng loạt các chương trình chỉnh trang đô thị, liên kết vùng, phát triển đô thị vệ tinh trong năm 2018 và công trình hạ tầng chuẩn bị được triển khai, thị trường bất động sản phía Nam được dự báo chuẩn bị bước vào một thời kỳ nhiều biến động, thay vì bó hẹp tại khu trung tâm sẽ có những cơ hội mới cho vùng ven và các tỉnh lân cận TP.HCM.

Những động lực mới

Cùng với quá trình đô thị hóa, quỹ đất TP.HCM ngày càng eo hẹp. Trong khi đó dân số ngày càng tăng nhanh, đặc biệt là dân nhập cư, đòi hỏi thành phố phải có những cơ chế giãn dân, chính sách mở rộng quy hoạch liên kết vùng. Đáng chú ý, vào cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Vùng TP.HCM mở rộng năm 2030 tầm nhìn năm 2050. Theo điều chỉnh, phạm vi vùng TP.HCM sẽ bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404km2.

Bên cạnh đó, vùng TP.HCM còn được phân ra thành các tiểu vùng với định hướng phát triển như đô thị trung tâm. Tiểu vùng phụ cận gồm các huyện, thành phố, thị xã: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương).

Hạ tầng giao thông hoàn thiện là một trong những sức bật để tiếp tục đi lên trong trung và dài hạn sắp tới.

Hạ tầng giao thông hoàn thiện là một trong những sức bật giúp thị trường bất động sản phía Nam tiếp tục đi lên trong trung và dài hạn sắp tới.

Đặc biệt, TP.HCM sẽ là trung tâm và các đô thị lân cận vùng phụ cận nằm tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Cụ thể, vùng phía đông gồm Bà Rịa - Vũng Tàu và phần còn lại phía Đông của tỉnh Đồng Nai; tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc, gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và phía Bắc tỉnh Bình Dương; tiểu vùng phía Tây Nam, gồm các tỉnh Tiền Giang và Long An.

Bên cạnh quy hoạch vùng, TP.HCM cũng đang triển khai kế hoạch phát triển đô thị vệ tinh với mục tiêu đến năm 2025, trong đó sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp gồm khu vực nội thành cũ (Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú, quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11) và các khu đô thị vệ tinh theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.

Song song với câu chuyện quy hoạch vùng và các đô thị vệ tinh, TP.HCM cũng đã xây dựng hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm ra các quận, huyện vùng ven như chuyển 2 bến xe lớn là Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây ra các quận 9 và huyện Bình Chánh. 

Theo những thông tin công bố trong thời gian qua, từ những ngày đầu năm 2018, TP.HCM đã bắt đầu đồng loạt khởi công các công trình hạ tầng trọng điểm như: cầu Rạch Đỉa, cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương, cầu Thủ Thiêm 4 dài 2km với kinh phí đầu tư 5.200 tỷ đồng sẽ nối đường Nguyễn Văn Linh (khu Nam) đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (khu Đông), khởi công hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ với số vốn 2.600 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, TP.HCM cũng đã có kế hoạch đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng phát triển các dự án hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh lân cận cũng như trên nền tảng quy hoạch vùng đã được phê duyệt. Điển hình phải kể đến việc đầu tư mạng lưới đường cao tốc hướng tâm và các đường vành đai như TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ; Bến Lức - Long Thành; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Bình Phước - Tây Ninh - Long An - Tiền Giang - Đồng Tháp…

Giới phân tích cho rằng, nhìn vào kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông mà Chính phủ công bố ở bản điều chỉnh quy hoạch Vùng TP.HCM năm 2030 tầm nhìn tới năm 2050, cũng như hàng loạt các dự án giao thông đã và đang được triển khai, thị trường bất động sản các tỉnh thuộc Vùng TP.HCM đang có nhiều sức bật để tiếp tục đi lên trong trung và dài hạn sắp tới.

Ở khu vực nào có hạ tầng phát triển, giao thông thuận lợi thì giá trị bất động sản cũng sẽ nhanh chóng tăng lên là điều tất yếu.

Ở khu vực nào có hạ tầng phát triển, giao thông thuận lợi thì giá trị bất động sản cũng sẽ nhanh chóng tăng lên là điều tất yếu.

Bùng nổ các dự án “bom tấn”

Với việc triển khai các chương trình quy hoạch, thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cận chắc chắn sẽ được được hưởng lợi lớn, bởi hạ tầng giao thông liên kết vững vàng sẽ nhanh chóng được đầu tư. Vốn dĩ, hạ tầng và bất động sản được ví như hình với bóng. Ở khu vực nào có hạ tầng phát triển, giao thông thuận lợi thì giá trị bất động sản cũng sẽ nhanh chóng tăng lên là điều tất yếu.

Có thể nói ngay từ những tháng đầu năm 2018, khảo sát sơ bộ cho thấy, thị trường đã bùng nổ với hàng chục ngàn căn hộ. Cụ thể, 28 dự án khủng có tổng quy mô 14.366 căn hộ đã được các chủ đầu tư đồng loạt tung ra thị trường như: The Signature Midtown Phú Mỹ Hưng (quận 7, hơn 400 căn), Hưng Phát Green Star (Hưng Lộc Phát, quận 7, hơn 1.000 căn), Sài Gòn Riverside (Hưng Thịnh, khu Đào Trí, hơn 3.000 căn), Mizuki Park (Nam Long, Bình Chánh, 4.576 căn), High Intela (LDG, Bình Chánh)… Theo đó, lượng căn hộ được công bố trong quý I/2018 gần bằng nguồn hàng trong 10 tháng đầu năm 2017.

Không chỉ ở TP.HCM, thị trường bất động sản tại các tỉnh, thành phố lân cận cũng sôi động không kém. Điển hình phải kể đến thị trường bất động sản Đồng Nai với sự phát triển sôi động nhất. Được biết, thời gian trước, thị trường bất động sản tại đây chỉ xuất hiện các dự án phân lô bán nền tự phát ăn theo hạ tầng giao thông và quy hoạch Sân bay Long Thành, thì hiện đã có những dự án lớn bài bản theo đúng chủ trương của tỉnh.

"Việc hình thành “vùng TP.HCM” là cơ hội để thị trường bất động sản TP.HCM vượt ra khỏi ranh giới trung tâm của thành phố...", theo TS. Đinh Thế Hiển.

Trong khi đó, tại thị trường bất động sản Bình Dương, những dự án dang dở đã được tái khởi động, nhiều dự án mới được phát triển, giá đất bắt đầu chuyển biến tăng lên. Một số dự án mới ra mắt tại Bình Dương được khách hàng đánh giá cao như Phú Đông Premier, The Golden Park - Mỹ Phước I. Đáng chú ý, theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Bình Dương, lượng hàng tồn kho bất động sản đang giảm mạnh.

Ngoài ra, tại thị trường Long An, trong những tháng đầu năm Cát Tường Group đã mở bán 3 dự án mới, một doanh nghiệp khác là Trần Anh Group cũng mở bán các dự án như Phúc An City, Bella Villa, Trần Anh Riverside…

Chia sẻ với Reatimes về những cơ hội của thị trường bất động sản phía Nam, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng: “Quy hoạch hình thành đô thị vệ tinh mới đang thu hút giới đầu tư cũng như khách hàng đổ về đây tìm cơ hội cũng như sinh sống. Trong đó, những dự án của chủ đầu tư uy tín đồng bộ với quy hoạch đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, việc hình thành “vùng TP.HCM” là cơ hội để thị trường bất động sản TP.HCM vượt ra khỏi ranh giới trung tâm của thành phố và lan tỏa tại các quận ven đô đặc biệt là khu vực cửa ngõ giao thông liên vùng như phía Đông, phía Tây, tại các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh và tương lai sẽ trở nên sôi động”.

Chuyên gia cũng lý giải hiện nay dư địa phát triển hạ tầng, bất động sản của vùng ven còn rất lớn. Với cơ chế đặc thù và các chính sách phát triển, quy hoạch TP.HCM là đô thị thông minh, các doanh nghiệp bất động sản sẽ là nhân tố góp phần phát triển dự án chỉnh trang đô thị và giải tỏa bài toàn áp lực dân số tại các quận trung tâm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top