Thành công bất ngờ khi DHTC thông báo rằng đã có hàng chục giao dịch ký hợp đồng mua bán, chuyển quyền sử dụng đất chính thức giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư.
Đây được xem là sự mở đầu hoàn hảo nhằm đo đếm mức độ tín nhiệm của nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản tại một loạt các dự án đã và đang sẵn sàng mở bán sau khi đại dịch Covid-19 lần thứ 2 được khống chế.
Thử lý giải vì sao sức hút của thị trường bất động sản cửa ngõ phía Nam TP. Đà Nẵng vẫn còn nóng bỏng?
Theo ông Đ.N.H, môi giới tại một sàn giao dịch bất động sản ở TP. Đà Nẵng, nguyên nhân một phần là do các khu dân cư mới ở đây có vị trí thuận lợi, nằm không xa trung tâm TP. Đà Nẵng, lại gần trường THPT, THCS, Tiểu học và chợ...
Hơn nữa, hạ tầng giao thông ở đây kết nối liên vùng; chính quyền TX. Điện Bàn cũng đang xúc tiến mở đường ĐH7 nối các xã Điện Tiến, Điện Hòa, Điện Thắng (Trung - Bắc), làm cầu vượt sông để nối Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và ra bãi biển Viêm Đông.
Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn, thời gian qua, chính quyền TX. Điện Bàn đã tập trung huy động và sử dụng tốt các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn với tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên đến 17.391 tỷ đồng (bình quân tăng 13%/năm), trong đó ngân sách địa phương 1.797 tỷ đồng.
“Hầu hết các tuyến giao thông tỉnh lộ được đầu tư nâng cấp, mở rộng; các trục giao thông trung tâm nội thị, trục chính Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, đường Trung tâm hành chính nối dài, ĐH6, ĐH7, ĐH4, cầu và đường ĐH14, các trục chính giao thông nông thôn, đô thị, hạ tầng các cụm công nghiệp, các khu dân cư đô thị, khu phố chợ, trường học, trạm y tế, trụ sở hành chính, các thiết chế văn hóa, di tích văn hóa lịch sử... được đầu tư với tổng giá trị hơn 2.703 tỷ đồng, trong đó ngân sách thị xã 1.624 tỷ đồng”, ông Trần Úc chia sẻ về việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại Điện Bàn.
Đồng thời, ông Úc cũng cho biết thêm: “Từ một số cơ chế đặc thù của tỉnh dành cho TX. Điện Bàn, như cơ chế để lại nguồn thu từ tiền sử dụng đất, hỗ trợ đầu tư, kinh phí quy hoạch xây dựng đô thị, môi trường, kiến thiết thị chính... đã tạo nguồn thu cho thị xã đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ năm 2017, Điện Bàn được giao tự cân đối thu, chi và có đóng góp cho ngân sách cấp trên”.
Từ đó, bộ mặt đô thị Điện Bàn nằm ở cửa ngõ phía Bắc Quảng Nam và phía Nam TP. Đà Nẵng trở nên khang trang, đẹp đẽ, là nguyên nhân thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư, tạo nên những cú hích mạnh mẽ cho thị trường bất động sản phát triển ổn định ở khu vực này.
Một nhà đầu tư cho rằng, đối với các dự án bất động sản ở phía Nam TP. Đà Nẵng, đây là thời điểm đầu tư hợp lý nhất bởi khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ổn định, nhiều người có tiền nhàn rỗi dễ dàng tính toán để thu lợi từ hoạt động kinh doanh bất động sản vì giá cả hiện tại đang “bắt đáy”. Nhờ vậy, sau một thời gian dài kìm nén do Covid-19, “lò xo của thị trường này bung ra lại”, nhất là đối với các dự án có pháp lý rõ ràng, hạ tầng hoàn chỉnh dễ dàng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của nhà đầu tư, giúp thị trường sôi động hơn.
Bên cạnh đó, khu vực các dự án bất động sản ở phía Nam TP. Đà Nẵng có giá cả hợp lý, dao động quanh mức 12 - 16 triệu đồng/m2. Đây cũng được xem là vị trí vàng để đầu tư vào vùng đất được chính quyền quy hoạch, định hướng phát triển là vùng giao thoa, đô thị vệ tinh của phía Nam TP. Đà Nẵng.
“Thật ra, những dự án có giao dịch thành công cao, tỷ lệ lấp đầy cao thì hiệu quả sử dụng đất tốt, từ đó mang lại nguồn thu phát sinh cho ngân sách từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, thu thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp…”, ông Cao Thanh Tân, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Phát triển DHTC chia sẻ thêm.