Aa

Dòng Cổ Cò và kỳ vọng kết nối đô thị Đà Nẵng - Quảng Nam

Thứ Sáu, 04/09/2020 - 06:00

Hàng trăm năm trước, sông Cổ Cò là tuyến hàng hải quan trọng, góp phần làm nên một thương cảng Hội An sầm uất. Từ cuối thế kỷ 19, tuyến giao thông đường thủy này dần dà bị bỏ rơi.

Lời tòa soạn:

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng quyết tâm nạo vét, khai thông sông Cổ Cò (hay còn gọi Lộ Cảnh giang) để kết nối giao thông đường thủy giữa hai địa phương. Đây cũng là điều mà doanh nghiệp và người dân hai bên bờ sông mong đợi để phát triển du lịch, dịch vụ.

Chính quyền Quảng Nam cũng như TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu chung là hai bên bờ sông đều quy hoạch bến thuyền du lịch, kết hợp với các công viên dọc sông, nhằm tạo những điểm nhấn để kết nối giữa sông với đô thị, kết nối sông với khu vực ven biển… Qua đó hình thành chuỗi đô thị du lịch dịch vụ ven sông Hội An - Điện Bàn - Đà Nẵng và ngược lại.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hội An (Quảng Nam) nói rằng ý tưởng khai thông sông Cổ Cò có từ năm 1995 và ví von: “Về mặt phong thủy cần phải khai thông dòng sông này, như con người muốn mạnh khỏe thì huyết mạch phải thông suốt…”.

Sông Cổ Cò - Chờ ngày hồi sinh

Hàng trăm năm trước, sông Cổ Cò là tuyến hàng hải quan trọng, góp phần làm nên một thương cảng Hội An sầm uất. Từ cuối thế kỷ 19, tuyến giao thông thủy này dần dà bị bỏ rơi, cùng với quá trình biến đổi khí hậu và tác động dữ dội của con người dòng sông bị bồi lấp nhiều đoạn.

Sông Cổ Cò một thời là tuyến giao thông thủy sầm uất, nối Đà Nẵng với Hội An. ẢNH: HỮU TRÀ
Sông Cổ Cò một thời là tuyến giao thông thủy sầm uất, nối Đà Nẵng với Hội An. Ảnh: Hữu Trà

Khi sông xanh bồi lấp, trở thành vùng bãi bồi rộng lớn, cộng với nhu cầu về lương thực nên nhiều đoạn sông bị người dân cải tạo trở thành ruộng đồng, để sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Quang Cường, nguyên Bí thư Đảng ủy P. Điện Dương (TX. Điện Bàn, Quảng Nam) cho rằng, nếu dự án nạo vét sông Cổ Cò được triển khai thì đó là điều đáng mừng cho nhiều địa phương chứ không riêng gì bà con Điện Dương. Cũng theo ông Cường, năm 1997, khi tách tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, chính quyền Điện Bàn lúc bấy giờ cũng kiến nghị nên sớm khai thông dòng sông này.

Dòng sông được khai thông sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhất là làm kinh tế - dịch vụ nông nghiệp, du lịch.
Dòng sông được khai thông sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhất là cho hoạt động kinh tế - dịch vụ nông nghiệp, du lịch.
Người dân Hội An làm du lịch trên sông ở Cẩm Thanh. Nếu khai thông, trên dòng Cổ Cò cũng có thể áp dụng mô hình du lịch sinh thái này.
Người dân Hội An làm du lịch trên sông ở Cẩm Thanh. Nếu khai thông, trên dòng Cổ Cò cũng có thể áp dụng mô hình du lịch sinh thái này.

“Tôi thấy rằng, hiện nay chúng ta tập trung khai thông sông Cổ Cò thì đó là điều rất đáng mừng. Bà con ở hai bên bờ sông, nơi có dự án đi qua chắc chắn sẽ ủng hộ để dự án triển khai càng sớm càng tốt. Lúc đó, Điện Dương trở thành vùng trọng điểm du lịch. Đoạn sông chảy qua địa bàn phường giống như gạch nối giữa TP. Đà Nẵng với TP. Hội An”, ông Phạm Văn Cường chia sẻ.

Năm 2004 - 2005, TP. Đà Nẵng đã từng lập quy hoạch chi tiết bình đồ tuyến sông Cổ Cò đoạn qua TP. Đà Nẵng với bề rộng 80 - 120m. Trong bản Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng thực hiện năm 2002 và trong Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được thực hiện năm 2013, vai trò của tuyến sông Cổ Cò được khẳng định và đề cao.

Đô thị hiện đại đã thành hình hài ven sông Cổ Cò ở TP. Đà Nẵng
Đô thị hiện đại đã thành hình hài ven sông Cổ Cò ở TP. Đà Nẵng

Tại tỉnh Quảng Nam, trong Quy hoạch chung Khu đô thị mới Điện Bàn đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 có sự ghi nhận vai trò của dòng sông này. Tiếp đó, đoạn phía nam của sông Cổ Cò, trong định hướng Quy hoạch chung TP. Hội An đến năm 2030 được ghi nhận là dòng sông quan trọng về tạo cảnh quan môi trường và tuyến giao thông đường thủy kết nối với sông Hàn - TP. Đà Nẵng.

Việc triển khai dự án nạo vét sông Cổ Cò góp phần bảo đảm cảnh quan khu vực, thúc đẩy phát triển tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng - Hội An và đồng bộ với dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp, chống xâm thực nhập mặn sông Cổ Cò đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam, phát triển liên kết giữa hai địa phương thuộc khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, đã được Chính phủ thông qua kinh phí đầu tư nạo vét với số tiền 850 tỷ đồng. Trong khi đó, phía TP. Đà Nẵng cũng dành nguồn kinh phí gần 600 tỷ đồng để xúc tiến nạo vét, đầu tư, xây dựng cầu qua sông Cổ Cò…

Khai thông dòng chảy, tăng động lực phát triển

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng nhận định rằng, nếu khai thông được sông Cổ Cò thì cả một vùng rộng lớn nối Đà Nẵng với Hội An sẽ phát triển rất mạnh. 

Ông Thắng cho biết, vào năm 1933, chính quyền lúc đó cho xây dựng hệ thống ngăn mặn ở dọc dòng sông này. Khi xây dựng các đập ngăn mặn trên sông (phía Quảng Nam xây đập Đế Võng và đập Hà My) tạo thành hồ nước ngọt ở giữa. Hồ nước ngọt này cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cầu bắc qua sông Cổ Cò ở TP. Đà Nẵng
Cầu bắc qua sông Cổ Cò ở TP. Đà Nẵng

Tuy nhiên hiện nay, vai trò sản xuất lương thực ở khu vực này không còn. Trên cơ sở đó, vai trò của sông Cổ Cò đáp ứng cho nông nghiệp nhỏ dần. 

“Cho đến hôm nay, vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống thủy lợi, các đập ngăn mặn trên sông Cổ Cò đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Và nay, việc khai thông sông Cổ Cò, trả lại hệ sinh thái cũ của nó từ bao đời nay. Đây là một việc làm rất đúng đắn về sinh thái và điều quan trọng nữa là phát triển được kinh tế cho cả vùng rộng lớn từ phía nam TP. Đà Nẵng cho đến Hội An, đặc biệt là dọc hai bên bờ sông, vùng ven biển”, ông Huỳnh Vạn Thắng nói thêm.

“Về mặt phong thủy, sông Cổ Cò như long mạch cho cả vùng, cần phải khai thông dòng sông này, như con người muốn mạnh khỏe thì huyết mạch phải thông suốt”, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) lý giải và cho rằng: “Nếu chúng ta khai thông được dòng sông Cổ Cò thì giữa Quảng Nam và Đà Nẵng không chỉ là đường bộ mà thêm một tuyến giao thông đường sông rất thuận tiện cho việc phát triển du lịch, dịch vụ. Đồng thời, tạo ra sự phát triển đồng đều dọc tuyến sông này, nhất là đoạn từ Non Nước trở vào. Sau này, khách du lịch có thể đi bằng thuyền trên sông để thưởng ngoạn vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này”.

Sông Cổ Cò được nạo vét, khai thông không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc. Đó là sự tri ân đối với tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Theo ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) hiếm có nơi nào ở Việt Nam lại có dòng sông chạy song song với bờ biển. 

Điều khác lạ nữa là dòng sông Cổ Cò chảy từ Nam ra Bắc, nghĩa là khởi nguồn từ TP. Hội An đưa nước ra sông Hàn theo chế độ thủy triều, nên đây là vùng nước lợ, dòng chảy bình lặng, phù hợp cho các hoạt động du lịch, dịch vụ sông nước. 


Từ đất hoang hóa thành khu đô thị hiện đại

Vì vậy, hai bên bờ sông cả tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đều quy hoạch bến thuyền du lịch, kết hợp với các công viên dọc sông, tạo nên những điểm nhấn để kết nối giữa sông với đô thị, kết nối sông với khu vực ven biển… Qua đó hình thành chuỗi đô thị du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông Hội An - Điện Bàn - Đà Nẵng và ngược lại.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hội An cho rằng, một khi dự án nạo vét sông Cổ Cò hoàn thành sẽ giúp giảm áp lực giao thông đường bộ cho cả Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. 

“Tương lai nhiều gia đình có thể sắm ca nô làm phương tiện đi lại trên sông Cổ Cò để ra Đà Nẵng hoặc vào Hội An. Rồi có thể ngược dòng Thu Bồn, Vu Gia để thăm thú, khám phá những cảnh đẹp ở miền sơn dã…”, ông Sự nói về lợi ích khi dòng sông Cổ Cò được khai thông. Đồng thời đề nghị phải nâng tầm quy hoạch, đầu tư các đô thị ven sông hiện đại, không biến sông Cổ Cò sau nạo vét, khai thông thành con kênh… Cổ Cò!

Một dự án nhà ở TP. Đà Nẵng áp sát bờ sông Cổ Cò
Một dự án nhà ở TP. Đà Nẵng áp sát bờ sông Cổ Cò

Theo định hướng phát triển, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, biệt thự ven sông, làng du lịch cộng đồng sẽ sớm được hình thành dọc theo 28km đường sông. 

Như vậy, các chủ đầu tư cũng có cơ hội để thúc đẩy thị trường này và tạo ra những sản phẩm chất lượng. Những đô thị có quy hoạch hạ tầng, tiện ích đồng bộ, kiến trúc độc đáo, dựa vào dòng sông sẽ mở ra cơ hội kinh doanh du lịch, lưu trú, quảng bá văn hóa đầy tiềm năng.

Dự án đô thị ven sông Cổ Cò ở Điện Bàn, Quảng Nam đã được đầu tư xây dựng
Dự án đô thị ven sông Cổ Cò ở Điện Bàn, Quảng Nam đã được đầu tư xây dựng

Theo ông Trần Ngọc Thái, Giám đốc đầu tư Công ty CP Đất Xanh Miền Trung, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy hai bên bờ sông Cổ Cò trước đây sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ và phát triển chuỗi đô thị là sự chuyển mình thiết yếu, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Cũng theo ông Thái, ven sông Cổ Cò chủ yếu là đất nông nghiệp hoang hóa, sản xuất không hiệu quả, dân cư thưa thớt, đời sống còn rất khó khăn, hiện trạng sử dụng đất còn thấp, chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông.

“Để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, cần đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các khu đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu dân cư hiện hữu, bảo đảm mỹ quan đô thị, bảo vệ môi trường và bổ sung thêm các tiện ích, như: khu vui chơi giải trí, giáo dục, thể dục thể thao, khu du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao, công viên cảnh quan và các khu vực phục vụ công cộng nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cư dân và người dân địa phương”, ông Trần Ngọc Thái nói thêm.

Chuỗi đô thị liên hoàn ven sông Cổ Cò

UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, quy hoạch, nạo vét, đầu tư xây dựng dọc sông Cổ Cò là dự án có mục tiêu kép cho hai địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nên chính quyền TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hết sức nỗ lực để triển khai.

Một dự án phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven sông Cổ Cò ở Quảng Nam
Một dự án phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven sông Cổ Cò ở Quảng Nam

Không gian đô thị Đà Nẵng phát triển mạnh về hướng Đông - Nam, trong đó các đô thị ven sông Cổ Cò được quy hoạch với nhiều loại hình dịch vụ du lịch, tạo nên quần thể du lịch đa dạng để du khách tham quan, nghỉ dưỡng.

Ông Đỗ Tấn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại dịch vụ An Dương

Trong khi đó, ông Trần Úc, Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn cho rằng: “Dự án nạo vét sông Cổ Cò kết nối với các dự án đô thị ven sông, ven biển của TX. Điện Bàn và TP. Hội An góp phần rất lớn tạo nên chuỗi đô thị liên hoàn kề biển liền sông nối phía bắc tỉnh Quảng Nam với phía nam TP. Đà Nẵng”.

Trong khi đó, phía Quảng Nam cũng đang hướng đến việc phát triển du lịch hiện đại với du lịch truyền thống và dòng sông Cổ Cò có vị trí chiến lược trong việc đa dạng hóa loại hình du lịch trải nghiệm, kết nối với Cù Lao Chàm, sông Thu Bồn, Vu Gia và sông Trường Giang...

Hiện tại, trên dòng sông Cổ Cò đoạn chảy qua TP. Đà Nẵng đã có hàng loạt dự án đầu tư phát triển đô thị triển khai như các dự án của Tập đoàn Sungroup, Cocobay, Phú Mỹ An, FPT… Và về cơ bản, dòng chảy của sông Cổ Cò trên địa phận TP. Đà Nẵng đã được khai thông. 

Những khu đô thị hiện đại đã mở ra cơ hội phát triển mới cho vùng Đông Nam của TP. Đà Nẵng cũng như các địa phương nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam như TX. Điện Bàn, TP. Hội An…

Long đong như dòng… Cổ Cò!

Từ năm 1995, ý tưởng khai thông sông Cổ Cò đã hình thành.

Năm 1997, sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã đề cập đến kế hoạch nạo vét sông Cổ Cò.

Năm 2003, dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò bắt đầu chuyển động với việc khảo sát và lập dự án sau khi chính quyền hai địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam thống nhất chủ trương khơi thông sông Cổ Cò.

Năm 2010, chính quyền Quảng Nam giao cho một số doanh nghiệp tham gia nạo vét sông Cổ Cò, nhưng không mang lại hiệu quả.

Năm 2012, tại Hội An, chính quyền Quảng Nam, Đà Nẵng ngồi lại quyết tâm xúc tiến dự án khơi thông sông Cổ Cò. Theo đó, đã thống nhất ranh giới, cắm mốc thực địa và chọn nhà đầu tư tham gia các hạng mục nạo vét. Cụ thể, quy hoạch sẽ được thực hiện theo hướng bám sát hiện trạng, chiều rộng dòng sông đoạn hẹp nhất 90m, rộng nhất 160m.

Tháng 3/2013, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục phê duyệt dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò qua địa phận Quảng Nam với tổng mức đầu tư lên đến 625 tỷ đồng.

Ngày 19/5/2017, tại TP. Hội An diễn ra cuộc họp bàn công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò. Theo đó, Trung ương sẽ hỗ trợ 425 tỷ đồng từ nguồn vốn phòng chống biến đổi khí hậu, 425 tỷ đồng còn lại là nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Nam.

Tháng 6/2020, dự án Nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò qua TP. Hội An được công bố khi Liên danh Công ty CP Đạt Phương - Công ty TNHH Phúc Nam trúng thầu. Cũng trong năm 2020, chính quyền Quảng Nam và TP. Đà Nẵng quyết tâm nạo vét, khai thông sông Cổ Cò và hoàn thành trong năm 2020.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, sông Cổ Cò dài 28km (trong đó đoạn qua Quảng Nam dài 19,7km), được thực hiện bởi 2 dự án, gồm: Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (TP. Hội An) dài 14km và xây dựng cầu Nghĩa Tự, cầu ông Điền…; Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An, gồm 5 dự án thành phần. Trong đó có thành phần nạo vét sông Cổ Cò dài 5,7km qua TX. Điện Bàn và xây dựng mới cầu vượt sông Cổ Cò.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc triển khai nạo vét sông Cổ Cò thể hiện quyết tâm chính trị của địa phương và lãnh đạo tỉnh đã quy hoạch toàn bộ khu vực ven sông Cổ Cò để phát triển đô thị, dịch vụ du lịch.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top