Aa

Bất động sản phía Nam Hà Nội bắt đầu trở lại

Thứ Năm, 20/06/2019 - 07:02

Sau giai đoạn tương đối trầm lắng so với các khu vực khác, thị trường bất động sản khu vực phía Nam Hà Nội được kỳ vọng sẽ nhộn nhịp trở lại khi hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn hoàn thành.

Nhiều dự án hạ tầng hoàn thành trong năm 2019 - 2020

Một trong những dự án hạ tầng đầu tiên của khu Nam Hà Nội phải kể đến là tuyến đường Đầm Hồng - Giáp Bát (thuộc trục đường Vành đai 2,5) đi qua khu vực Định Công nằm bên ngoài phía Bắc ga Giáp Bát, giao cắt với đường Giải Phóng, nối với Kim Đồng.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, dài hơn 2km, rộng 40m, trong đó 2 lòng đường với 4 làn xe chạy rộng 22m, vỉa hè rộng 7,5m, dự án triển khai từ năm 2002. Tuy nhiên, do quá trình giải phóng mặt bằng phức tạp, dự án một thời gian dài bị đình trệ và tới cuối 2018 mới chính thức hoàn thành các thủ tục cuối cùng.

Việc cơ quan chức năng kiên quyết xử lý dứt điểm tồn đọng liên quan để triển khai dự án đã tạo điều kiện giúp dự án nhanh chóng triển khai, dự kiến cuối 2019 đưa vào hoạt động sẽ hình thành lên xương sống của giao thông khu vực phía Nam, giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ phía Tây đến khu vực phía Nam.

Bên cạnh dự án Đầm Hồng - Giáp Bát, dự án mở rộng đường Tam Trinh cũng đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019. Đoạn đường Tam Trinh nối dài từ cầu Mai Động đến đường Vành đai 3 được thi công mở rộng gấp đôi so với trước đây. Trong đó, đoạn từ ngã tư Minh Khai đến Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở rộng 40m, đoạn cuối giáp với đường Vành đai 3 rộng 55m.

Một dự án hạ tầng giao thông khác cũng đang được nhắc tới gần đây tại khu vực phía Nam Thủ đô là dự án tuyến đường nối từ Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên kết nối đường Minh Khai với Vành đai 2,5. Tuyến đường có chiều dài 1,65km, được triển khai theo hình thức hợp đồng BT do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng triển khai.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông khu vực phía Nam Hà Nội được xây mới, mở rộng. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều dự án hạ tầng giao thông khu vực phía Nam Hà Nội được xây mới, mở rộng. Ảnh: Dũng Minh

Mặc dù có tốc độ triển khai tương đối chậm hơn so với hai dự án nêu trên, nhưng thông tin từ UBND TP. Hà Nội cho biết, đang yêu cầu giải quyết dứt điểm các vướng mắc để dự án có thể kịp đưa vào hoạt động theo tiến độ đã đề ra.

Ngoài ra, cũng không thể không kể đến dự án tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở kết hợp mở rộng theo quy hoạch từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng, có tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng do Tập đoàn Vingroup thực hiện.

Khởi công từ tháng 4/2018, đến thời điểm này, nhà đầu tư đã triển khai thi công 7 gói thầu tại hiện trường. Thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hà Nội, Hà Nội đang cấp tập đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục cần thiết để dự án có thể kịp tiến độ đưa vào hoạt động vào năm 2020.

Cơ hội cho thị trường bất động sản

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, mặc dù có nhiều dự án ra mắt như Gamuda Gardens, Hateco Hoàng Mai, Tứ Hiệp Plaza, Amber Riverside, T&T Riverview, Mandarin Garden 2, Helios Tower,... nhưng so với các khu vực khác, đặc biệt khu vực phía Tây, thì thị trường bất động sản khu vực phía Nam có sự lép vế hơn.

Nguồn cung gia tăng hứa hẹn tạo ra những bước phát triển mới cho thị trường bất động sản khu Nam Hà Nội, tạo thêm cơ hội cả người mua nhà để ở lẫn nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Tuy nhiên, với lợi thế hạ tầng thay đổi, khu Nam đang dần lấy lại sự quan tâm của các nhà đầu tư. Bởi đây là khu vực kết nối gần với khu trung tâm Thành phố, lại sở hữu hệ thống y tế và giáo dục hàng đầu cả nước với các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Pháp, Tai Mũi Họng Trung ương, Lão khoa... và các trường đại học lớn như Bách Khoa, Kinh tế quốc dân, Xây dựng...

Theo bản đồ quy hoạch giao thông của Hà Nội đến năm 2030, Thành phố tiếp tục mở rộng nhiều tuyến giao thông đường bộ ở khu vực phía Nam. Và theo quy luật tất yếu, ở đâu hạ tầng giao thông phát triển, thị trường bất động sản nơi đó cũng sẽ tăng theo.

Ghi nhận của Hội Môi giới cho thấy, ngoài các dự án như Gamuda Gardens, Hateco Hoàng Mai, Tứ Hiệp Plaza, Amber Riverside, T&T Riverview, Mandarin Garden 2, Helios Tower,... thời gian gần đây, thị trường khu Nam Hà Nội có nhiều dự án mới ra hàng như Imperial Sky Garden, The Manor Centre Park của Bitexco, Bea Sky, Hindone, hay Khu đô thị Hồng Hà Eco City, SkyView Plaza 360, Phương Đông Green Park, Rose Town 79 Ngọc Hồi, Tecco Skyville Tower, Dhalia Homes, Green pearl 378…

Khu vực phía Nam Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều dự án bất động sản mới.

Khu vực phía Nam Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều dự án bất động sản mới.

"Nguồn cung gia tăng hứa hẹn tạo ra những bước phát triển mới cho thị trường bất động sản khu Nam Hà Nội, tạo thêm cơ hội cả người mua nhà để ở lẫn nhà đầu tư", ông Đính nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn giao dịch Nhà đất 24h cho biết, những năm trước, việc di chuyển qua khu vực này tương đối khó khăn do tuyến đường thường xuyên lâm vào cảnh tắc nghẽn, nhất là trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, với dự kiến toàn bộ các tuyến đường giao thông quan trọng phía Nam Hà Nội sẽ được hoàn thành vào năm 2019 - 2020, thị trường khu vực này sẽ phát triển mạnh mẽ.

“Khi các đầu mối cơ sở hạ tầng hoàn tất, điểm mạnh nhất của các dự án bất động sản khu vực phía Nam Hà Nội được khơi thông, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, nhất là với các dự án ở quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì”, ông Quỳnh nhấn mạnh và cho biết thêm, những tuyến đường hoàn thiện trong tương lai sẽ giải quyết phần nào bài toán giao thông giữa khu Nam và trung tâm Hà Nội, cũng như các tỉnh lân cận.

Dưới góc nhìn chủ đầu tư, ông Chu Thanh Hiếu, Tổng giám đốc MIK Home cho rằng, trong bối cảnh quỹ đất nội đô chật chội, sự dịch chuyển đầu tư hoặc tìm kiếm một chốn an cư tại các quận, huyện vùng ven ở phía Nam Hà Nội đã trở thành xu hướng hiện nay. Đặc biệt, việc nâng cấp, xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông chỉ trong thời gian ngắn sẽ làm gia tăng giá trị bất động sản và tính hấp dẫn của khu vực phía Nam Hà Nội.

Dẫu vậy, ông Hiếu lưu ý rằng, khách hàng hiện nay đã trở nên khó tính hơn rất nhiều, vì thế, việc hạ tầng mở rộng là một lợi thế, nhưng quan trọng hơn cả là các sản phẩm cũng phải được đầu tư một cách chỉn chu, cẩn thận hơn. Từ đó, mới có thể khiến khách hàng thực sự quan tâm và sẵn sàng xuống tiền./

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top