Aa

Bất động sản phía Nam “tái khởi động” mạnh mẽ trong năm 2022

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 17/01/2022 - 06:15

Xuất hiện nhiều trợ lực, thị trường bất động sản phía Nam được đánh giá là sẽ ghi nhận những động thái “chuyển mình” tích cực, hứa hẹn là “thỏi nam châm” đầy hấp dẫn thu hút vốn đầu tư trong năm 2022.

Sức nóng tăng dần trên thị trường bất động sản phía Nam

Theo Báo cáo thị trường bất động sản mới đây của DKRA Việt Nam, sau một thời gian trầm lắng do dịch Covid-19, nguồn cung các phân khúc căn hộ, đất nền, biệt thự tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đã có dấu hiệu hồi phục. Nhìn chung, sức cầu toàn thị trường ở mọi phân khúc đều có sự gia tăng đáng kể. Giao dịch trên thị trường khu vực phía Nam cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực; giá bất động sản tại TP.HCM hay các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… tiếp đà tăng cao.

Các chuyên gia đánh giá, giai đoạn từ cuối năm 2021 đến hết năm 2022 sẽ là giai đoạn tăng tốc đầy mạnh mẽ của thị trường bất động sản phía Nam. Bất chấp những ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng Covid-19 lần thứ tư, khu vực này cũng sẽ nhanh chóng “nóng” lên, lấy lại vị thế phát triển.

Chia sẻ với Reatimes, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động TP.HCM cho biết, thị trường bất động sản phía Nam 3 tháng cuối năm 2021 và những ngày đầu năm 2022 đang dần sôi động trở lại sau thời gian dài giãn cách xã hội. Bước sang năm 2022, khu vực này sẽ nhanh chóng thiết lập trạng thái “bình thường mới” với nhiều chỉ số đáng ghi nhận.

“Từ cuối năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản phía Nam đã rục rịch quay trở lại thị trường với mong muốn nhanh chóng hồi phục. Tâm lý của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng dần ổn định và thích nghi với bối cảnh Covid-19. Vì vậy, nguồn cầu trên thị trường bất động sản vẫn rất lớn, còn nguồn cung sẽ nhanh chóng được cải thiện”, ông Nguyễn Quốc Bảo nhìn nhận.

ông bảo
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động TP.HCM

Đặc biệt, theo Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động TP.HCM, quá trình đẩy lùi dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hồi phục và tăng trưởng. Trong đó, riêng về nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021. Việc khôi phục kinh tế sẽ mang đến những tín hiệu lạc quan cho toàn thị trường bất động sản phía Nam. Trên đà hồi phục chung của thị trường, không riêng gì TP.HCM mà các tỉnh, thành lân cận cũng ghi nhận những đợt sóng quan tâm về nhà đất.

Cụ thể, theo thống kê từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 15,15 tỷ USD.

Tính lũy kế đến ngày 20/10/2021, cả nước có 34.266 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 404 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 247 tỷ USD, bằng 61,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

“Vì vậy, bất chấp dịch bệnh Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và khu vực phía Nam sẽ là điểm sáng lớn nhất”, ông Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh.

Cùng nhìn nhận về triển vọng thị trường bất động sản phía Nam năm 2022, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá, hiện tại doanh nghiệp bất động sản đã có động thái ứng phó với dịch Covid-19 bình tĩnh hơn trong điều kiện “bình thường mới”, đồng thời “thủ” sẵn các giải pháp để ứng phó linh hoạt nhằm vượt qua khó khăn. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Tuy nhiên, bất động sản là một ngành chủ lực của kinh tế, nên nguồn cầu sau thời gian có độ nén sẽ bật trở lại. Khi cung - cầu gặp nhau sẽ tạo sự sôi động cho thị trường.

“Cụ thể, nguồn cung căn hộ dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022, phân khúc nhà liền thổ cũng sẽ tăng 20 - 30% so với năm 2021. Bên cạnh đó, chi phí đất, nhân công vẫn có đà tăng, tất cả yếu tố đó dẫn đến sự tăng giá trong năm 2022 và những năm tới. Đặc biệt, thị trường nhà ở vùng ven tại TP.HCM như: Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, TP.Thủ Đức sẽ thu hút vốn đầu tư nhờ sự phát triển cơ sở hạ tầng ở những khu vực này”, ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.

bđs
Sức nóng tăng dần trên thị trường bất động sản phía Nam. (Ảnh minh hoạ)

Việc thị trường bị nén quá lâu đã khiến các nhà đầu tư bức bí, có tiền nhưng không thể tìm được nơi đầu tư. Điều này lý giải tại sao trong những ngày toàn miền Nam được nới lỏng sau giai đoạn kìm hãm vì dịch Covid-19, thị trường bất động sản đã nhanh chóng có dấu hiệu hồi phục trở lại.

Ghi nhận vào những tuần đầu nới lỏng việc đi lại, nhiều phòng công chứng ở các thị trường giáp ranh TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… đều có mức độ quan tâm, giao dịch mua bán, tìm hiểu thị trường tăng lên đáng kể. Chỉ trong vài tuần, nhiều địa phương ghi nhận nhu cầu đi xem đất, thực hiện các thủ tục công chứng mua bán, nộp hồ sơ sang tên trở nên nhộn nhịp hơn.

Đặc biệt, riêng thị trường Bình Dương đã ghi nhận sức hút lớn khi toàn khu vực không có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp dịch Covid-19. Nhiều dự án tiềm năng thuộc các khu vực thuận tiện kết nối giao thông như TP. Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An… vẫn có mức giá tăng đều trong và sau đại dịch.

Bình Dương tiếp tục dẫn đầu xu hướng phát triển bất động sản

Được xem là “thủ phủ” công nghiệp của cả nước, lại sở hữu vị trí đắc địa giáp ranh TP.HCM, Bình Dương là một trong những thị trường ghi nhận mức độ phát triển mạnh mẽ nhất về bất động sản trên toàn khu vực miền Nam trong 2 năm qua.

Trong biến cố dịch bệnh, nhiều thị trường giảm sút mức độ quan tâm rõ nét khi loạt dự án bị đóng băng, doanh nghiệp không thể hoạt động, các phòng công chứng đóng cửa… Song không vì thế mà thị trường bất động sản Bình Dương giảm sức hút. Thực tế cho thấy tỷ lệ tăng giá của nhà đất Bình Dương là khá nhanh trong những năm gần đây.

Ở thời điểm đầu của dịch bệnh, theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, tỷ lệ tăng giá của Bình Dương từ quý IV/2020 đến quý I/2021 đối với chung cư là 3,6%, đất nền là 11,8%. Sau đó, cứ sau mỗi đợt dịch, giá lại cao hơn. Đến quý II/2021, tỷ lệ tìm kiếm bất động sản Bình Dương vẫn cao nhất tại thị trường phía Nam và tăng 23% so với quý trước đó.

Ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi FDI tại một số địa phương lân cận lao dốc vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dòng vốn này vẫn chảy mạnh vào Bình Dương. UBND tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm 2021 đến ngày 15/5/2021, Bình Dương đã thu hút 1,252 tỷ USD vốn FDI, bằng 159% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Bình Dương thu hút 27 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký đạt gần 289 triệu USD và 64 dự án điều chỉnh tăng vốn, dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký tăng hơn 962 triệu USD.

ông Châu
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Còn theo báo cáo của DKRA Vietnam, trong quý III/2021, thị trường căn hộ toàn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm nhẹ so với quý II/2021. Riêng TP.HCM và Bình Dương vẫn tiếp tục dẫn đầu, chiếm 89% nguồn cung và lượng tiêu thụ mới toàn thị trường trong quý.

Ông Lê Hoàng Châu đánh giá, với tốc độ phát triển như vũ bão về kinh tế, bất động sản Bình Dương cũng sẽ tăng trưởng nhanh chóng theo chu kỳ này. Hơn hết, sở hữu nhiều lợi thế sẵn có, bất động sản Bình Dương sẽ luôn giữ vững được vị thế là một trong những thị trường dẫn đầu xu hướng phát triển bất động sản khu vực miền Nam. Nổi bật là bất động sản công nghiệp. 

Đồng Nai “phất lên” nhờ hạ tầng giao thông đồng bộ

Bên cạnh TP.HCM, Bình Dương - những thị trường kỳ cựu trong việc phát triển bất động sản, Đồng Nai cũng được các chuyên gia đánh giá là thị trường mới nổi đầy tiềm năng trong năm 2022. 

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, trong thời gian tới, thị trường bất động sản phía Nam, đặc biệt là Đồng Nai sẽ là địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư vì có lợi thế về vị trí, dư địa về quỹ đất và đặc biệt là hạ tầng giao thông “trải thảm đỏ”.

“Ở đâu có đầu tư công đổ mạnh, hạ tầng giao thông được chú trọng phát triển, ở đó có sự đổ bộ của nhiều nhà đầu tư, thị trường sôi động. Và Đồng Nai hiện nay là một minh chứng điển hình”, ông Bảo cho biết.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn một dài 53km được sẽ thi công xây dựng vào năm 2024, quy mô 4 đến 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng vốn hơn 19.000 tỷ đồng. Tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Tuyến cao tốc này được kỳ vọng sẽ giảm tải cho quốc lộ 51 - con đường huyết mạch nối Vũng Tàu, TP.HCM và Đồng Nai.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành được xem là tuyến đường kết nối giao thương giữa ĐBSCL và Đông Nam Bộ
Cao tốc Bến Lức – Long Thành được xem là tuyến đường kết nối giao thương giữa ĐBSCL và Đông Nam Bộ. (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh đang khẩn trương triển khai 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, bao gồm đường T01 (kết nối sân bay Long Thành với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và khớp nối với đường tỉnh 25C) và đường T02 (có điểm đầu giao với tuyến số 1, chạy song song đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây).

Trong tương lai, kết hợp với các tuyến đường vành đai TP.HCM khi hoàn thành sẽ giải quyết các điểm nghẽn giao thông từ TP.HCM đi Long An, Bình Dương, Đồng Nai, góp phần làm cho hệ thống giao thông trở nên thông thoáng và tăng cường tính kết nối các đô thị vệ tinh trong vùng và liên vùng.

Với những dự án hạ tầng giao thông được triển khai đầu tư nói trên đã và đang tạo “cú hích” lớn, giúp thị trường bất động sản Đồng Nai nhanh chóng “phất lên” trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top