Aa

Bất động sản phía Tây Hà Nội: Sống an lành, cơ hội đầu tư hấp dẫn

Chủ Nhật, 18/02/2018 - 23:00

Bên cạnh sự phát triển về hạ tầng, tiện ích, nhiều dự án có không gian thoáng rộng, giá đất lại "mềm" đã mở ra một diện mạo mới, tạo hấp lực thúc đẩy thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội.

Hạ tầng, tiện ích phát triển

Theo nhiều chuyên gia đầu tư đánh giá, phía Tây Hà Nội là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng rộng mở, quy hoạch đồng bộ nhất Thủ đô. Các tuyến giao thông huyết mạch, xuyên tâm tiếp tục được triển khai như: đường vành đai 4, đường Tây Thăng Long, Quốc lộ 32 nối Hoài Đức, Đan Phượng với trung tâm… đã và đang hoàn thiện.

Đáng chú ý, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang hình thành như đường Trung Văn nối Mễ Trì - Mỹ Đình, trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương cùng xe bus nhanh BRT kết nối khu vực. Hay dự kiến cuối năm 2021, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động sẽ góp phần lớn trong việc kết nối khu vực Tây Bắc của Thủ đô với các quận nội thành. 

Dự kiến cuối năm 2021, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sẽ đi vào hoạt động. (Ảnh: Trần Kháng)

Cùng với đó, định hướng phát triển đô thị của Thủ đô là hướng Tây, trong đó khu vực dọc tuyến đường vành đai 3 kéo sang Phạm Hùng sẽ trở thành trung tâm hành chính - kinh tế mới của Thủ đô. Biểu hiện rõ nét nhất là Hà Nội đã công bố quy hoạch trụ sở của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên diện tích 28ha tại quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm.

Kèm theo đó là các trường học, bệnh viên cũng được lên kế hoạch di chuyển ra khu vực phía Tây. Có thể dễ dàng điểm tên những trường học danh tiếng đã có mặt tại khu vực này như: Amsterdam, Marie Curie, Lê Quý Đôn, Việt - Úc, Olympia… 

Các trụ sở Bộ ngành mới đang được hình thành trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. (Ảnh: Trần Kháng)

Các tiện ích khác như trung tâm mua sắm, nhà hàng, khu vui chơi giải trí cho tới các cơ sở y tế như Bệnh viện E, Bệnh viện 198, Trung tâm hội nghị quốc gia, sân vận động Mỹ Đình, hệ thống khách sạn cao cấp JW Marriot… đã chứng tỏ được tiềm năng phát triển cho khu vực phía Tây.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2016, địa điểm đầu tư trung tâm mua sắm Aeon Mall tại Hà Đông đã rục rịch thi công. Điều này đã có tác động tích cực đến thị trường nhà đất của khu vực phía Tây.

Xu hướng sống ở ngoại thành

Cách đây khoảng 10 năm, bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội đã thu hút sự quan tâm lớn của người mua nhà và giới đầu tư. Thế nhưng những hạn chế về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cùng với hệ lụy từ những cơn sốt ảo đã khiến khu vực này rơi vào trầm lắng kéo dài trong nhiều năm.

Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, bất động sản phía Tây Hà Nội chứng kiến một sự hồi phục mạnh mẽ với thanh khoản tăng cao đột biến. 

Hạ tầng giao thông phát triển, kéo theo sự nở rộ các dự án bất động sản tại khu vực phía Tây Hà Nội. (Ảnh: Trần Kháng)

Theo CBRE, trong quý IV/2017, gần 9.500 căn hộ được chào bán mới, nâng tổng số căn mở bán mới trong năm 2017 lên hơn 35.000 căn hộ, tăng 16% so với năm 2016. Và đây cũng là mức mở bán mới cao nhất trong vùng 5 năm trở lại đây. 

Hàng loạt các dự án “đắp chiếu” và các dự án mới được triển khai rầm rộ. Đơn cử, năm 2016, Tập đoàn Vingroup công bố dự án Vinhomes Thăng Long, trở thành điểm nhấn của bất động sản ven Đại lộ Thăng Long. Cùng với đó là Thăng Long Victory đã hoàn thiện, dự án Gemek Tower và The Golden An Khánh, khu đô thị Ngôi nhà mới và khu đô thị Sunny Garden City cũng đã có rất nhiều cư dân về sinh sống, tạo sự sôi động cho thị trường phía Tây.

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE, năm 2017 là năm ghi nhận nguồn cung căn hộ kỷ lục trong vòng 5 năm qua, vượt qua cả năm 2015 và năm 2016 là năm phục hội của thị trường. Trong đó, khu vực phía Tây tiếp tục là khu vực trọng điểm của các dự án chung cư mở bán mới. Nếu tính cả khu vực Cầu giấy và Từ Liêm thì có tới 1/3 các dự án chào bàn mới trong cả năm 2017 năm tại khu vực này.  Tiếp đến là khu vực Thanh Xuân, Hà Đông chiếm khoảng 15%-20%. 

Hàng loạt dự án bất động sản quy mô phía Tây Hà Nội đã hình thành và đưa vào sử dụng. (ảnh Trần Kháng) 

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nhu cầu sống ngoại thành làm việc trung tâm sẽ trở thành một xu hướng trong tương lai không xa. Thay vì chọn những căn nhà trong khu dân cư với ngõ ngách chật chội, bất tiện, người mua nhà hiện nay có xu hướng chọn những lô đất trong dự án ở vùng ven được quy hoạch bài bản để phục vụ nhu cầu sống của tất cả các thành viên trong gia đình.

Ở vùng ven có không gian thoáng rộng và bầu không khí trong lành, giá đất lại thấp hơn nên phù hợp với nhu cầu sống hiện tại của người dân. Điển hình như các huyện Đan Phượng, Hoài Đức đang được nhiều cư dân quan tâm lựa chọn bởi hạ tầng giao thông phát triển và tiện ích được đầu tư đồng bộ.

Điều này một lần nữa khẳng định, việc phát triển bất động sản phía Tây Hà Nội phù hợp với quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, Hà Nội sẽ phát triển về hướng Tây dọc các trục hướng tâm mà điển hình là Đại lộ Thăng Long - một trong những trục đường đẹp nhất Việt Nam hiện nay./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top