Bất động sản Phú Quốc – Thị trường cũ mà mới
Trong bối cảnh đô thị biển đang được Chính phủ quan tâm phát triển, Phú Quốc được đánh giá là thành phố đảo có nhiều lợi thế nhất trong việc tạo lập các khu đô thị đáng sống.
Những năm gần đây, thay vì phát triển du lịch, nghỉ dưỡng "một màu", Phú Quốc đang không ngừng làm mới bản thân. Sở hữu nhiều điều kiện về tự nhiên, văn hoá, xã hội cùng hệ thống hạ tầng giao thông ngày một nâng cấp, đồng bộ, Phú Quốc đẩy mạnh hành trình phát triển các khu đô thị biển đảo, kiến tạo những không gian đô thị chuẩn mực, đẳng cấp. Cũng vì thế, Phú Quốc đang trở thành điểm sáng trên thị trường bất động sản khu vực phía Nam, được giới chuyên gia đánh giá là thị trường “cũ mà mới”, thu hút đông đảo các nhà đầu tư bất động sản đổ về.
Để hiểu rõ hơn về quá trình “chuyển mình” của Đảo Ngọc - Phú Quốc, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch CLB Bất động sản TP.HCM, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản DT24.VN.
Lấy lợi thế làm sức bật để “chuyển mình” mạnh mẽ
PV: Trong giai đoạn đô thị biển đảo được đẩy mạnh phát triển, theo ông, Phú Quốc đang đứng trước những lợi thế như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Bảo: Phải khẳng định Phú Quốc có nhiều tiềm năng trong việc phát triển đô thị biển đảo. Với những bãi biển đẹp, môi trường tự nhiên nguyên sơ, đa dạng các hệ sinh thái, đặc biệt là chưa bị công nghiệp xâm lấn, Phú Quốc có lợi thế rất lớn để kiến tạo các không gian đô thị hài hoà, hấp dẫn.
Phú Quốc được mệnh đanh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan. Địa hình nơi đây khá phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi sông suối và đồi núi, xen kẽ là những đồng bằng hẹp, những bãi cát trắng trải dài. Tuy nhiên, đây lại là điểm nhấn nổi bật của cảnh quan Phú Quốc.
Nằm lọt sâu trong Vịnh Thái Lan, xung quanh được biển bao bọc, khí hậu nơi đây mang tính chất gió mùa điển hình, nóng ẩm quanh năm, ít biến động thất thường, thời tiết luôn mát mẻ. Cũng vì vậy mà hệ sinh thái trên cạn và dưới biển của Phú Quốc khá đa dạng và phong phú, giàu về trữ lượng và thành phần loài.
PV: Bên cạnh lợi thế về tự nhiên, yếu tố văn hoá, xã hội đem đến cho Phú Quốc những tiềm năng như thế nào trong phát triển đô thị biển đảo, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Bảo: Về mặt văn hoá, Phú Quốc là nơi lưu giữ nhiều nét văn hoá, truyền thống của cư dân bản địa. Nơi đây có các di tích lịch sử văn hoá và các kho tàng khảo cổ học dưới nước, có các nghề truyền thống gắn bó với biển và nhiều yếu tố liên quan đến đặc trưng con người Phú Quốc.
Về mặt xã hội, đầu năm 2021, Phú Quốc chính thức được phê duyệt trở thành thành phố biển đảo đầu tiên trên cả nước. Đây là đòn bẩy trực tiếp, giúp Phú Quốc tăng trưởng mạnh không chỉ về du lịch, kinh tế mà còn về tốc độ đô thị hóa, quy mô dân số.
Theo quy hoạch, Phú Quốc sẽ là trung tâm tài chính tầm cỡ của khu vực với quy mô dân số đến năm 2030 vào khoảng 400.000 người. Diện tích đất xây dựng đô thị đến 2030 là khoảng 10.000 - 12.000ha và đến năm 2040 là 15.000 - 18.000ha. Đặc biệt, tốc độ đô thị hóa của Phú Quốc cũng sẽ diễn ra nhanh chóng.
PV: Như ông chia sẻ, có thể thấy tiềm năng phát triển các khu đô thị đáng sống tại thành phố đảo Phú Quốc là rất lớn. Song điều này đã được Phú Quốc tận dụng và phát huy?
Ông Nguyễn Quốc Bảo: Trước đây, thị trường bất động sản Phú Quốc chủ yếu phát triển phân khúc du lịch. Nhắc đến Phú Quốc là du khách trong và ngoài nước đều xem đây là một “điểm đến” nghỉ dưỡng lý tưởng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Phú Quốc đã không còn phát triển "một màu". Là thành phố đảo đầu tiên của cả nước và đang tiếp tục tiến lên Đặc khu kinh tế, Phú Quốc đã và đang tận dụng những lợi thế sẵn có để làm mới chính mình, phát triển đa dạng các loại hình bất động sản, nổi bật là mở rộng và hiện đại hoá không gian đô thị để phục vụ cho mục tiêu này.
PV: Vậy ông có đánh giá như thế nào về những đổi mới nói trên của thành phố đảo?
Ông Nguyễn Quốc Bảo: Tôi cho rằng, đây là sự đổi mới cần thiết và phù hợp trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng và Phú Quốc có thừa dư địa để phát triển. Đây cũng có thể xem là cuộc “đại cách mạng” của Đảo Ngọc khi biết khai thác triệt để những lợi thế sẵn có và đón đầu nhu cầu sở hữu nhà ở - xu hướng đầu tư trong lĩnh vực bất động sản ngày nay.
Sẽ khó để trở thành một Đặc khu kinh tế nếu chỉ chăm chăm vào phát triển du lịch. Bởi như hai năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, những địa phương sống nhờ vào du lịch là những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Vì vậy, việc đổi mới theo hướng đa dạng hoá hình thức khai thác và phát triển nói trên, cụ thể là tạo lập các đô thị nhà ở sẽ là giải pháp để địa phương phát triển hiệu quả, bền vững, lâu dài.
Xu hướng đầu tư nhà ở đô thị “chiếm sóng”
PV: Việc chú trọng mở rộng và hiện đại hóa không gian đô thị tại Phú Quốc có tạo nên sự dịch chuyển về xu hướng đầu tư bất động sản nơi đây hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Bảo: Chắc chắn là có. Bởi như tôi đã nói, sự đổi mới của Phú Quốc một phần dựa trên sự thay đổi về nhu cầu đầu tư bất động sản.
Thay vì chỉ nghỉ dưỡng, lưu trú tạm thời như trước đây thì thời gian gần đây, người dân đã có xu hướng đầu tư bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài. Bởi đối với các thành phố du lịch, quyền lợi này còn là hình thức linh hoạt cho thuê khi không có nhu cầu ở. Nói cách khác, loại hình vừa có chức năng nhà ở (sở hữu lâu dài) vừa linh hoạt khai thác cho du khách thuê đang là sản phẩm được giới đầu tư săn đón và tìm kiếm tại Phú Quốc.
Tuy nhiên, trong bức tranh sôi động của thị trường Phú Quốc nhiều năm qua đang có sự lệch pha giữa các loại hình sản phẩm. Dù thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh nhưng đa số dự án đều phục vụ nhu cầu lưu trú ngắn hạn của du khách hoặc thuần nghỉ dưỡng của dòng khách trung - thượng lưu. Trong khi đó, bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài kết hợp du lịch lại có nguồn cung khan hiếm.
Về vị trí, cũng có sự chênh lệch lớn khi phần lớn dự án nằm tại Bắc đảo, Nam đảo và vùng ven, trong khi xung quanh lõi trung tâm thành phố ghi nhận nguồn cung khá thưa thớt.
Như vậy, với việc phát triển đa dạng các loại hình bất động sản, đặc biệt là khu đô thị nhà ở, Phú Quốc sẽ có sức hút mạnh mẽ đến giới đầu tư có nhu cầu sở hữu lâu dài, pháp lý đầy đủ.
PV: Trước xu hướng dịch chuyển đầu tư tại thị trường Phú Quốc, theo ông, các doanh nghiệp phát triển bất động sản tại đây cần phân bổ nguồn vốn như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Bảo: Việc đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng đã đến mức bão hòa, dòng vốn đầu tư mới sẽ chuyển hướng vào nhà ở đô thị - nơi có thể mang lại đa giá trị: An cư – nghỉ dưỡng – kinh doanh lâu dài. Tất yếu Phú Quốc trong tương lai sẽ phát triển đa lĩnh vực, sẽ trở thành một thành phố sầm uất, sôi động, trung tâm kinh tế mới của cả nước, vươn tầm khu vực và châu Á, sự phát triển sánh ngang các đô thị hiện đại và mang tính quốc tế.
Đây là tiền đề, là nền tảng cho sự thay đổi về nhận thức đầu tư. Thay vì chăm chú dồn vốn vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng những năm qua, các doanh nghiệp lớn, chủ đầu tư địa ốc cần “thức thời” hơn để phân bổ nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực đô thị.
PV: Thời điểm này, Phú Quốc đã xuất hiện những tổ hợp đô thị đa chức năng đến từ các chủ đầu tư uy tín, tên tuổi, nhưng để các khu đô thị phát triển hiệu quả theo hướng bền vững, cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Bảo: Phát triển với tư cách là một thành phố đảo, có định hướng tạo lập nhiều khu đô thị cao cấp, hiện đại là mục tiêu tốt, tuy nhiên đi kèm với sự phát triển cần chú trọng đến yếu tố bền vững, lâu dài.
Khi quy hoạch các đô thị cần đảm bảo tính đồng bộ, kết nối. Bên cạnh xây dựng các nhà ở thương mại cũng cần đảm bảo các tiện ích đi kèm như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… Phải chú trọng, gìn giữ bản sắc văn hoá địa phương, tôn trọng điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên. Có như vậy, các khu đô thị mới phát triển ổn định và thu hút đông cư dân đổ về, cũng như tránh tình trạng làm biến đổi khí hậu…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Quyết định 767/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 đã xác định mục tiêu quy hoạch là phát triển TP. Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời là một trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khoẻ, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa. Bên cạnh đó, không đơn thuần là một điểm đến, một thiên đường nghỉ dưỡng, Phú Quốc sẽ trở thành một không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
"Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Kiên Giang cũng đã xác định mục tiêu xây dựng TP. Phú Quốc đạt đô thị loại I vào năm 2025, trở thành thành phố du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế. Với vị thế là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, dự báo đến 2030, Phú Quốc sẽ có 550.000 dân. Với mức dân số tăng gấp 3 lần hiện tại, Đảo ngọc tương lai sẽ trở thành một trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực và thế giới. Không chỉ hấp dẫn giới đầu tư kinh doanh, mà còn thu hút đội ngũ chuyên gia, nhân sự chất lượng cao về làm việc, sinh sống. Nơi đây sẽ hình thành quần thể cộng đồng trí thức cao, tinh hoa hội tụ.
Đứng trước cơ hội trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc, một thành phố đáng sống bậc nhất, với những thế mạnh riêng có, Phú Quốc đang dần chuyển mình để sẵn sàng trở thành điểm đến an cư, đầu tư đắt giá. Một “cuộc cách mạng” thực sự về mở rộng và hiện đại hóa không gian đô thị đang dần hình thành tại Phú Quốc. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội phát triển là những thách thức song hành. Theo đó, còn nhiều vấn đề phải giải quyết để Phú Quốc hiện thực hóa được mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế mới của khu vực và thế giới.
Cụ thể, Thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước đang thiếu hụt những mô hình phát triển mới, bền vững, tích hợp đa chức năng về cả y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ tài chính ngân hàng… Để phát triển xứng tầm, hơn lúc nào hết Phú Quốc cần nhanh chóng phát triển các sản phẩm bất động sản tương xứng, đặc biệt là các khu đô thị cao cấp, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp cư dân mới, để hoàn thiện bức tranh đô thị mới của Phú Quốc.
Trên cơ sở đó, dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Công ty cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành - Meyland tổ chức Hội thảo: Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới.
Hội thảo dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, UBND TP. Phú Quốc, các chuyên gia kinh tế - tài chính, bất động sản, kiến trúc - quy hoạch hàng đầu Việt Nam, cùng đại diện các doanh nghiệp phát triển dự án tại Phú Quốc.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ trình bày tham luận và thảo luận về các vấn đề: Chiến lược quy hoạch, đầu tư, xây dựng các đô thị của Phú Quốc trong giai đoạn tới; Phú Quốc và định hướng trở thành trung tâm kinh tế - tài chính của châu Á và thế giới; Triển vọng phát triển không gian đô thị Phú Quốc nhìn từ quy hoạch Phú Quốc đến năm 2040; Thực trạng và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản Phú Quốc; Tiên phong kiến tạo không gian đô thị Phú Quốc từ thực tế phát triển dự án Meyhomes Capital Phú Quốc; Tiềm năng sinh lời từ việc đầu tư lâu dài, bền vững vào phân khúc nhà ở cao cấp tại thị trường Phú Quốc…
Toàn bộ nội dung Hội thảo sẽ được tường thuật trực tiếp trên Reatimes.vn.