Trên địa bàn đã ghi nhận sự xuất hiện của nhiều dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng quy mô do các nhà phát triển chuyên nghiệp làm chủ đầu tư. Sự đổi thay của vùng đất nhiều danh lam thắng cảnh này đang dần rõ nét hơn và thị trường bất động sản theo đó cũng đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
LỰC HÚT TỪ HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Xác định rõ hạ tầng giao thông là mạch nối quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và là lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, trong những năm qua, bằng nhiều nguồn lực của Trung ương và địa phương, Quảng Bình đã từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, ngày càng hiện đại. Đến nay, Quảng Bình là một trong số ít địa phương có đủ các loại hình giao thông: Đường sắt, biển, hàng không và đường bộ đến tất cả các vùng, miền trong cả nước và quốc tế.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh hiện có 903km quốc lộ, 370km tỉnh lộ, 529km đường đô thị, 767km đường huyện và trên 9.540km đường liên thôn, liên xã. Về đường sắt có 160km đi dọc chiều dài của tỉnh với 17 ga; 230km đường thủy nội địa. Quảng Bình có cảng Gianh, cảng Hòn La và sân bay Đồng Hới. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có đường ô tô về đến trung tâm.
Đầu năm 2022, Quảng Bình đã khởi công xây dựng đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy. Tổng chiều dài đường ven biển và cầu là 85,4km với vốn đầu tư 2.197 tỷ đồng đã tạo nên mạng lưới giao thông đô thị liên hoàn giữa các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy…
Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng đối ngoại của Quảng Bình phát triển vượt bậc, với Cảng hàng không Đồng Hới nằm trong nội đô và các trục giao thông huyết mạch quốc gia như: Cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, tuyến ven biển, đường Hồ Chí Minh…
Vào tháng 11/2022, dự án tuyến đường sắt nối Thủ đô Viêng Chăn, Lào với cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh qua Cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình cũng đang được Chính phủ Lào khởi công. Đây là dự án giao thông trọng điểm được Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đồng ý phát triển, có tổng chiều dài khoảng 400km với tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng tiếp tục lên kế hoạch triển khai đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới nhằm đạt mục tiêu đón 3 triệu khách/năm, mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu trên Quốc lộ 1A; bổ sung vốn cho Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3.
Có thể thấy, hạ tầng đồng bộ, chính sách trải thảm đỏ là động lực quan trọng để các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản tìm đến, góp phần làm khởi sắc diện mạo Quảng Bình và biến vùng đất nắng gió miền Trung trở thành điểm sáng trong làn sóng chuyển dịch của dòng vốn đầu tư.
NHIỀU CƠ HỘI MỞ RA CHO BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH
Bất động sản du lịch là phân khúc có lợi thế cạnh tranh rất lớn của Quảng Bình nhờ những tiềm năng vượt trội về tự nhiên như biển xanh, sông núi hữu tình cùng những hang động hùng vĩ, huyền bí. Đó là những cảnh quan du lịch độc đáo không thua kém gì các thị trường nghỉ dưỡng trên thế giới.
Hiện nay, Quảng Bình đang trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm và thiên đường khám phá trải nghiệm hàng đầu châu Á. Đồng thời, đây là điểm đến nghỉ dưỡng và thể thao giải trí cao cấp hàng đầu của Việt Nam gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển du lịch bền vững. Với diện tích 123.326ha, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã hai lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới bởi những giá trị địa chất và đa dạng sinh học. Ở đây có 1.000 hang động lớn nhỏ hình thành cách đây hàng triệu năm tạo nên những sản phẩm du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm hết sức độc đáo, đưa Quảng Bình trở thành “vương quốc hang động”.
Các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc, hấp dẫn cũng diễn ra ở vùng ven biển với nhiều bãi tắm mịn, đẹp nổi tiếng như: Đá Nhảy, Nhật Lệ, Bảo Ninh, Hải Ninh… Cùng với đó, các suối khoáng nóng cũng đang dần được khai thác sử dụng cho mô hình nghỉ dưỡng sinh thái.
Với các hình thức du lịch trên, Quảng Bình còn mang đậm dấu ấn của du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh với lễ hội Cầu Ngư, Rằm tháng ba Minh Hóa, đua thuyền truyền thống, đập trống Ma Coong…; các điểm đến tâm linh: Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chùa Hoằng Phúc (có lịch sử 700 năm),...; các giá trị văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nổi bật như: Hò khoan Lệ Thủy...
Những năm gần đây, Quảng Bình luôn nằm trong danh sách những điểm đến ưu tiên của nhiều của du khách trong nước và quốc tế vì họ mong muốn tới đây để được trải nghiệm những sản phẩm du lịch độc - lạ - chất. Điều này cho thấy, Quảng Bình hoàn toàn có cơ hội và điều kiện để phát triển trở thành điểm đến tương lai hàng đầu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vượt khỏi biên giới Việt Nam, hình ảnh vùng đất Quảng Bình xinh đẹp đã đến với bạn bè quốc tế qua những kênh truyền thông uy tín như: AFAR (Mỹ), Lonely Planet, CNN… và chính trải nghiệm thực tế của những người đam mê du lịch.
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, riêng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, ngành du lịch tỉnh đã đón hơn 35.000 lượt khách trong nước và quốc tế tham quan nghỉ dưỡng. Số lượt khách trung bình trong ngày tăng gần 16% so với dịp Tết Tân Sửu năm 2021. Các cơ sở lưu trú, đặc biệt là các cơ sở 3 sao trở lên đạt công suất phòng trên 90%, thậm chí kín phòng ngay từ trước Tết.
Những tín hiệu lạc quan của ngành du lịch Quảng Bình, cộng thêm việc đầu tư hạ tầng đã kích hoạt lại thị trường bất động sản ở Quảng Bình với những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhất là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sau thời gian dài trầm lắng. Giới chuyên gia đánh giá đây là phân khúc có tiềm năng lớn mà nhiều nhà đầu tư hướng đến trong dài hạn.
Nhờ sự đồng bộ, liên kết và liên hoàn hạ tầng, Quảng Bình đã quy tụ nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng như: Đất Xanh Miền Trung, DIC, Trường Thịnh, Sơn Hải… Một số dự án có quy mô nổi bật trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng bao gồm: Khu nghỉ dưỡng Pullman, Mövenpick, TMS Resort, Sandy Hills, Melia, Wyndham… Ngoài ra, nhiều dự án nghỉ dưỡng sân Golf ven biển 36 lỗ cũng đang được triển khai và đi vào hoạt động.
Các dự án bất động sản du lịch được hình thành và phát triển đã góp phần giúp địa phương phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế khác biệt về tài nguyên để phát triển du lịch và nâng tầm diện mạo địa phương.
Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh các sản phẩm du lịch trọn gói, sản phẩm du lịch đặc thù như: Golf kết hợp nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch cao cấp, nghỉ dưỡng sinh thái dài ngày…
Tuy nhiên, du lịch Quảng Bình cũng cần nhanh chóng giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng du lịch vẫn còn nhiều thiếu hụt, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng đa trải nghiệm của du khách, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Khoảng trống này mở ra dư địa rất lớn cho các nhà đầu tư tiên phong để quy hoạch các đại dự án với những sản phẩm độc đáo và khác biệt.
GIA TĂNG HIỆU QUẢ THU HÚT ĐẦU TƯ: ĐƯỜNG TỚI TƯƠNG LAI
Để có được bức tranh phát triển mạnh mẽ về diện mạo đô thị và thị trường bất động sản, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực và tạo được sự đột phá trong cải cách thủ tục để mời gọi nhà đầu tư. Cụ thể, Quảng Bình đã và đang tạo đột phá từ cải cách thủ tục hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tổ chức gặp mặt nhà đầu tư/doanh nghiệp định kỳ để đối thoại, nắm bắt và xử lý các yêu cầu, khó khăn, vướng mắc, qua đó, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.
Ngoài việc áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi của Chính phủ, Quảng Bình còn có chính sách hỗ trợ và ưu đãi riêng đối với các dự án trọng điểm có tính đột phá, các dự án khác thuộc lĩnh vực được tỉnh khuyến khích đầu tư. Quảng Bình xác định các dự án sẽ được xem xét ưu tiên đầu tư khi đáp ứng các tiêu chí như: Các dự án có quy mô vốn lớn, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong tương lai.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch với các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ… để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến với Quảng Bình.
UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt danh mục gần 60 dự án đầu tư ở 23 các lĩnh vực tiềm năng giai đoạn 2022 - 2024, hứa hẹn một bức tranh kinh tế năng động của Quảng Bình trong giai đoạn phát triển mới.
Đối với du lịch nghỉ dưỡng giai đoạn 2022 - 2024, Quảng Bình nổi bật với một số dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn như: Dự án 280ha tại Bàu Sen, huyện Lệ Thủy; dự án 180ha tại xã Gia Ninh, xã Hồng Thủy; dự án 150ha tại thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch; dự án 137ha tại xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa…
Có thể thấy, Quảng Bình đã xác định du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu du lịch của tỉnh trên bản đồ du lịch quốc tế và coi đây là khâu đột phá để tăng trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trụ cột thứ hai là phát triển công nghiệp, trong đó khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo. Trụ cột thứ ba là phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái, ưu tiên ứng dụng nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh. Trụ cột thứ tư là phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng xác định hai trung tâm động lực tăng trưởng tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, phát triển khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và phát triển khu kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Chưa hết, Quảng Bình cũng sẽ phát triển ba trung tâm đô thị của tỉnh như trung tâm đô thị TP. Đồng Hới và vùng phụ cận. Trong đó, TP. Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối TP. Đồng Hới, gồm đô thị Quán Hàu, Hoàn Lão (bao gồm không gian mở rộng), Việt Trung và Dinh Mười. Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Ba Đồn gắn với huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa. Và cuối cùng là trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị trấn Kiến Giang (tương lai là thị xã), đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.
Tất cả các yếu tố trên là điều kiện thuận lợi để thị trường bất động sản Quảng Bình tiếp tục "lên hương" và trở thành điểm sáng nổi bật trên thị trường địa phương trong thời gian tới. Không chỉ bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, trong giai đoạn 2022 - 2023, theo dự báo của các chuyên gia, Quảng Bình sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đô thị, nhà ở khi kết nối giao thông liên vùng ngày càng thuận tiện và nhu cầu nhà ở của người dân gia tăng./.