Kinh tế tăng trưởng tốt
Tính đến ngày 20/8/2021, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu cả nước với 164 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký của cả khu vực.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Thanh Hóa tăng trưởng nhanh và đột phá. Quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ước tính, năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tới 49,3%, dịch vụ chiếm 31,5%, nông nghiệp chiếm 10%. Cùng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, thu ngân sách của tỉnh tăng trưởng đột biến và khá bền vững, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 43,53 triệu đồng, gấp 4,3 lần năm 2010 và gấp 1,76 lần năm 2015.
Giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng GRDP bình quân của Thanh Hóa ước đạt 12,5%; đặc biệt, năm 2019, tăng trưởng GRDP đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 2 cả nước. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện. Cùng với cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, nhất là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; tạo được sự đột phá trong thu hút vốn cho đầu tư phát triển, nổi bật là nguồn vốn FDI.
Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.122 dự án đầu tư trực tiếp vào Thanh Hóa, với tổng vốn đăng ký 110.000 tỷ đồng và 3,85 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa hiện đang đứng thứ 8 cả nước, với 129 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,2 tỷ USD.
So với thời điểm tháng 11/2020, Thanh Hóa thu hút được 155 dự án đầu tư trực tiếp (13 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 28.900 tỷ đồng (tương đương 1,242 tỷ USD), tăng 2,6% so với cùng kỳ. Đến tháng 3/2021, Thanh Hóa đã thu hút được 159 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 14,53 tỷ USD. Hiện nay, Thanh Hóa đứng thứ 8 trên cả nước về thu hút dự án đầu tư nước ngoài.
Trong số các dự án FDI đã thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong 3 dự án công nghiệp trọng điểm quốc gia, có tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD, lớn nhất cả nước.
Đáng chú ý, 90% các dự án đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh và được thực hiện từ các nhà đầu tư của 22 quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Đức, Anh, Bỉ…
Thành công đó một phần là do tỉnh Thanh Hóa đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là kết nối vùng, các trung tâm động lực là ưu tiên của tỉnh Thanh Hóa.
Trong giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã dành khoảng 610.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa thiết lập quan hệ hợp tác ngoại giao và ký kết biên bản hợp tác với một số địa phương của các nước, như: Hàn Quốc, Đức, Nga, Kuwait, Lào… Tỉnh cũng tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Kuwait và đặc biệt tại Liên bang Nga với hơn 200 doanh nghiệp tham gia.
Tiếp tục đón các dự án mới
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị mới Thành Phú, thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định với quy mô 11,2ha với số vốn đầu tư hơn 1100 tỷ đồng với hình thức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án có 412 căn nhà ở liền kề, 14 căn nhà ở liền kề kết hợp thương mại, 48 căn biệt thự. Tổng vốn đầu tư hơn 1.138 tỷ đồng, trong đó, chi phí thực hiện dự án là khoảng 1.123 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 15,26 tỷ đồng.
Dự án cần 4 năm hoàn thiện để đi vào sử dụng, ranh giới phía Bắc giáp đất khu dân cư theo quy hoạch; phía Nam giáp đất thương mại dịch vụ theo quy hoạch; phía Đông giáp đường từ Quốc lộ 45 đi xã Định Tăng; phía Tây giáp đường giao thông theo quy hoạch.
Tiếp theo, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa giao UBND huyện Hoằng Hóa lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị sinh thái ven sông Hoằng Hóa có diện tích gần 50ha.
Sau khi nhận được ý kiến của Sở Xây dựng, tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý giao huyện Hoằng Hóa lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án trên.
Được biết, trước đó tỉnh Thanh Hóa đã giao UBND huyện Hoằng Hóa nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị sinh thái ven sông Hoằng Hóa trên địa bàn huyện với quy mô diện tích khoảng 48,9ha.
UBND tỉnh cầu ranh giới, tính chất chức năng khu vực nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết đảm bảo phù hợp quy hoạch chung, đảm bảo hài hòa về không gian cảnh quan và kết nối hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời việc tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật.
UBND huyện Hoằng Hóa có trách nhiệm đưa việc sử dụng đất khu đất nêu trên vào kỳ quy hoạch sử dụng đất 2021-2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về kinh phí lập quy hoạch dự án, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho phép Công ty Cổ phần địa ốc và xử lý môi trường RIG GROUP được tài trợ kinh phí cho UBND huyện Hoằng Hóa để tổ chức thực hiện.
Cũng trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, vào tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý với đề nghị của Sở Xây dựng giao UBND huyện Hoằng Hóa tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Sunrise City Hoằng Hóa với quy mô diện tích khoảng 48ha.
Cuối cùng, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư phía đông trung tâm hành chính thành phố Sầm Sơn với tổng vốn đầu tư dự án hơn 819 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm, người mua quyền sử dụng đất ở được sử dụng đất ổn định lâu dài tại thành phố Sầm Sơn.
Dự án khu dân cư phía đông trung tâm hành chính thành phố Sầm Sơn được thực hiện tại các phường Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh và Trường Sơn. Diện tích sử dụng đất khoảng 11,5ha, không bao gồm quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Quy mô dân số dự kiến khoảng 1.800 người.
Dự án bao gồm các hạng mục như hạ tầng kỹ thuật (khoảng 59.905m2), 340 căn nhà ở liền kề cao từ 3-5 tầng với diện tích khoảng 40.149m2, 48 căn biệt thự cao từ 2-4 tầng với diện tích khoảng 15.069m2.
Theo quyết định, dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi trúng đấu giá, nhà đầu tư có 4 năm để thực hiện dự án tính từ thời điểm được bàn giao đất.
Trước đó, cũng tại địa phương này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư đô thị và trung tâm thương mại Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn quy mô 3.046 tỷ đồng trên diện tích khoảng 8.092m2, dân số khoảng 5.900 người tại phường Trường Sơn.
Các hạng mục trong dự án gồm khu trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp kết hợp nhà ở (50 tầng nổi và 4 tầng hầm, tổng diện tích 4.883m2) và 17 căn nhà (tổng diện tích khoảng 3.208m2). Trong đó, khu trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp kết hợp nhà ở sẽ có 476 căn hộ.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định giao hơn 7,7ha đất tại phường Quảng Tiến (đợt 1) cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sungroup) để thực hiện dự án khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí nam sông Mã tại thành phố Sầm Sơn.
Trong đó, tỉnh giao 3,6ha đất ở (gồm 1,6ha đất ở biệt thự và 2ha đất ở liền kề) và 3,8ha đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án; thời hạn là 50 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất. Người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định, lâu dài. Còn lại 2.535m2 đất, tỉnh cho Sungroup thuê để xây trường mẫu giáo.
Được biết, dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã nằm trong dự án Quảng trường biển - Tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn. Dự án này có tổng diện tích hơn 1.260 ha với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD (khoảng 25.000 tỷ đồng).
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn.