Aa

Bất động sản Thanh Hóa: Một năm "bùng nổ"

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Tư, 13/11/2019 - 13:40

Hàng loạt dự án bất động sản lớn được đầu tư trong thời gian gần đây là lực đẩy khiến thị trường bất động sản Thanh Hóa sôi động.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm đầu năm 2019 của tỉnh Thanh Hóa cho thấy, mức tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực đều đạt hoặc xấp xỉ đạt kế hoạch. 

Theo đó, dòng vốn đầu tư 9 tháng ước đạt 79.644 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đạt 22.514 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ; vốn ngoài Nhà nước đạt 42.774 tỷ đồng, tăng 9,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 14.356 tỷ đồng, tăng 35,9%.

Nhiều dự án lớn được khởi công xây dựng như: Đường từ trung tâm TP. Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp (Nông Cống)…

Lĩnh vực đầu tư công được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt được kết quả tích cực, ước đạt 5.556 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Giải ngân đạt 5.878 tỷ đồng, bằng 72,9% kế hoạch, tăng 3% so với cùng kỳ, đứng thứ 6 trong số các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước.

Trong 9 tháng có 1.906 doanh nghiệp thành lập mới, xếp thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới và 645 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động toàn tỉnh lên 14.912 doanh nghiệp… là những con số ấn tượng giúp thị trường bất động sản Thanh Hóa thăng hoa.

Dự án FLC Sầm Sơn là điểm nhấn cho ngành du lịch Thanh Hóa

Cùng với đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế kéo theo sự phát triển của bất động sản, mở đường cho các cuộc “đổ bộ” của hàng loạt nhà đầu tư lớn. 

Đầu tiên là sự xuất hiện của FLC với Dự án FLC Sầm Sơn và Vingroup với Khu đô thị Vinhomes Star City rộng 130ha ở phường Đông Hải với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, trung tâm thương mại cao 36 tầng tại phường Điện Biên, đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo TP. Thanh Hóa. 

Tiếp theo là Eurowindow với dự án Khu đô thị Eurowindow Park City, hay Sun Group với dự án khu vui chơi giải trí tầm cỡ với quy mô hàng nghìn héc-ta.

Bên cạnh những “đại gia bất động sản” trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác như Sao Mai, MIK Group hay các doanh nghiệp địa phương cũng không bỏ lỡ cơ hội trong làn sóng đầu tư về lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Tuy nhiên, làn sóng đầu tư bất động sản tăng trưởng nhanh chóng khiến giá đất tại các khu vực vệ tinh xung quanh TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, TX. Bỉm Sơn liên tục tăng “chóng mặt”.

Đáng kể, có những khu vực vị trí đẹp như thị trường đất nền du lịch ven biển Hồ Xuân Hương (TP. Sầm Sơn) kể từ khi được chỉnh trang, các dịch vụ được niêm yết rõ ràng đã đẩy giá đất cán mốc 130 - 150 triệu đồng/m2, tăng gấp nhiều lần chỉ trong vài năm. Giá tăng liên tục, nhưng không có nhiều hàng để bán, nhà đầu tư chỉ cần sang tay đã có thể thu lãi được vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Là một thành phố đang tăng trưởng nhanh và mạnh cả về lĩnh vực bất động sản và du lịch, TP. Sầm Sơn còn là điểm nhấn tạo sức hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực của tỉnh Thanh Hóa, nhất là thị trường bất động sản du lịch nghĩ dưỡng. 

Ông Lương Tất Thắng, Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn cho biết, ngoài FLC, nhiều tập đoàn lớn đang quan tâm đầu tư vào TP sắp triển khai một "siêu dự án" sinh thái, nghỉ dưỡng có diện tích lên tới 1.260ha, với mức đầu tư dự kiến hơn 1 tỷ USD, do Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) lập quy hoạch chi tiết 1/500.

"Địa phương đang gấp rút triển khai giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư. Dự án này đi vào hoạt động sẽ góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi bộ mặt TP", ông Thắng cho biết.

Bên cạnh đó, các khu vực lân cận có nhiều tiềm năng phát triển cũng nhanh chóng khẳng định vị thế trong mắt nhà đầu tư khi giá đất gần như sánh ngang các đô thị lớn. Điển hình có thể kể đến dọc Đại lộ Nam Sông Mã, giá đất nền đã chạm ngưỡng 80 - 100 triệu đồng/m2.

Tại các khu vùng thị trấn, thị tứ, dọc theo các trục đường lớn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Đại lộ Nam sông Mã nối liền các huyện thị, các cụm cảng, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa cũng bắt đầu xuất hiện các khu đô thị có quy mô vừa và nhỏ, được quy hoạch, đầu tư hạ tầng đồng bộ, nằm xen hoặc ven các khu dân cư hiện hữu. Giá bình quân dao động từ 7 - 10 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí.

Đáng chú ý, trong 3 quý đầu năm 2019, thị trường bất động sản Thanh Hóa sôi động bởi các dự án khu đô thị và đấu giá đất nền với hàng nghìn tỷ đồng.

Khu đô thị Vinhomes Star City rộng 130ha ở phường Đông Hải với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng làm thay đổi hoàn toàn diện mạo TP. Thanh Hóa.

Theo đánh giá của chuyên gia về lĩnh vực bất động sản, nguồn cung bất động sản tại Thanh Hóa đang khá phong phú, chủ yếu đến từ các dự án quy mô lớn, có tiện ích đồng bộ, hạ tầng giao thông thuận lợi. Cộng với tốc độ phát triển mạnh của hạ tầng giao thông và đô thị hoá như hiện nay thì giá đất tại Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng hơn nữa trong thời gian tới, nhất là những khu đất nằm ngay trục đường huyết mạch, gần khu dân cư… Trong đó, đáng chú ý nhất là phân khúc đất nền.

Cũng theo đánh giá của chuyên gia, thị trường bất động sản Thanh Hóa tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn vừa qua đang tiềm ẩn rủi ro.

Cụ thể, khi nguồn vốn tín dụng vào bất động sản bị “siết” chặt hơn, quy định chồng chéo khiến việc thẩm định dự án chậm trễ... đang khiến thị trường bất động sản biến động mạnh.

Việc xuất hiện hàng loạt dự án đô thị, khu nghỉ dưỡng lớn khiến giá đất tại tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây được đẩy lên chóng mặt, gây ra tình trạng "sốt ảo". Nhiều khu đất "vàng" bị các công ty lớn thâu tóm, vấn đề an sinh xã hội cũng có nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cần cần lưu ý đến 3 nhóm đối tượng chủ yếu: Đối tượng kinh doanh bất động sản, đối tượng có tiền mua bất động sản tích trữ và đối tượng người dân có nhu cầu mua bất động sản thực sự để giảm rủi ro cho thị trường bất động sản trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top