Aa

Bất động sản TP.HCM đang ở giai đoạn tăng trưởng đỉnh cao

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 20/07/2019 - 20:21

TP.HCM là thành phố cửa ngõ và là trung tâm thương mại, phản ảnh tốc độ tăng trưởng lên thị trường nhà ở sôi động. Do đó, phân khúc nhà ở đang ở đỉnh cao của sự tăng trưởng.

TP.HCM là trung tâm tài chính của Việt Nam, là thành phố giàu có và năng động nhất của đất nước và cũng là nơi hoàn hảo để chứng kiến sự xuất hiện của một “con hổ châu Á” mới. TP.HCM hiện đóng góp 1/5 vào GDP Việt Nam và con số này dự kiến sẽ tăng lên khi thành phố phát triển. Dân số dự kiến sẽ tăng lên 14 triệu người vào năm 2025, từ quy mô dân số khoảng 8 triệu người hiện nay.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho biết: “Việt Nam đang bước vào thời kỳ thịnh vượng với các chỉ số ấn tượng như tăng trưởng GDP đạt 6,8%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh số bán lẻ và lượng khách quốc tế đều tăng với tốc độ nhanh hơn các nước khác trong khu vực. Đáng chú ý, TP.HCM đang có sự thay đổi rõ rệt trên phương diện nhân khẩu học, cơ sở hạ tầng, và tầng lớp trung - thượng lưu đang phát triển mạnh mẽ. Chúng ta có thể kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng và thành phố này sẽ được hưởng lợi từ các nhân tố bên ngoài như căng thẳng thương mại. Bối cảnh kinh tế nội địa đang tốt và những động lực cải thiện quản trị bộ máy nhà nước của chính phủ đang đem đến những lợi ích rõ rệt”. 

Tại TP.HCM, phân khúc nhà ở đang ở đỉnh cao của sự tăng trưởng, xuất phát từ nhu cầu nhà ở chất lượng tốt hơn, sự mở rộng của tầng lớp trung lưu cùng với số lượng khách mua nước ngoài tăng. Các dự án mới có thể bán tối đa 30% số lượng căn cho người nước ngoài và tỷ lệ ngưỡng này thường nhanh chóng bán hết.  

Bất động sản TP.HCM đang ở giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ

Bất động sản TP.HCM đang ở giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ 

Ông Griffiths cho biết, TP.HCM là thành phố cửa ngõ và là trung tâm thương mại, phản ảnh tốc độ tăng trưởng lên thị trường nhà ở sôi động. Thời điểm này là thời cơ chín muồi cho các dự án nhà ở, với xu hướng di dân vào thành phố mạnh mẽ và tỷ lệ đô thị hóa thấp, quy mô hộ gia đình tương đối cao và thực trạng thiếu sản phẩm nhà ở chất lượng. Đây là thời kỳ đầu tiên của lối sống tại căn hộ có mật độ dân số cao, từ đó tạo điều kiện cho các sản phẩm nhà ở giá phải chăng cho thị trường đại chúng.

Từ trước đến nay, chủ yếu nguồn cung của thị trường nằm ở phân khúc hạng C; thực trạng này dự kiến sẽ tiếp tục được ghi nhận trong nguồn cung được bàn giao và ra mắt thị trường trong tương lai. Người mua trong phân khúc này chủ yếu là người mua nhà có nhu cầu ở thực; ở Việt Nam thì thường đối tượng khách hàng này không chịu quá nhiều rủi ro từ việc vay mượn, vì vậy khả năng bong bóng bất động sản là khá thấp.

Tuy phân khúc căn hộ hạng C đã và đang thống lĩnh thị trường, nhưng giờ đây ngày càng có nhiều các dự án căn hộ hạng B và A mở bán - trong đó, một vài dự án được chào bán với giá cao đáng kinh ngạc. Những căn hộ hạng A có xu hướng nằm gần trung tâm thành phố và được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hoạt động bán lẻ tại TP.HCM đã cho thấy sự ổn định trong những năm gần đây; nguồn cung tăng, nhưng số lượng diện tích cho thuê và giá thuê cũng tăng. Savills ước tính tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ là khoảng 1,4 triệu m2 và con số này được dự đoán sẽ tăng thêm 1/3 vào năm 2021.

Người tiêu dùng ở TP.HCM thích các trung tâm mua sắm quy mô lớn và coi đó là điểm đến mua sắm và giải trí. Vì vậy, các trung tâm thương mại ngoài khu vực trung tâm đã cơ cấu lại danh sách khách thuê bằng cách thêm các khách thuê dịch vụ như ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phòng gym. Những khách thuê này thường mong muốn thời gian thuê dài hơn với giá thuê thấp hơn nhưng mặt khác lại làm tăng số lượng người đến với trung tâm thương mại. Các khách thuê dịch vụ có xu hướng chiếm tỷ lệ lớn tại các trung tâm mua sắm mới.

Cho đến nay, thương mại điện tử mới chỉ là một phần nhỏ của thị trường bán lẻ Việt Nam, nhưng điều này chắc chắn sẽ thay đổi: 1/3 người dân Việt Nam đang trong thế hệ Y( những người được sinh ra trong những năm 80, 90 và đầu năm 2000), doanh thu thương mại điện tử tính đến năm 2025 dự kiến sẽ tăng 40%.

Thị trường văn phòng TP.HCM cũng tăng trưởng ổn định trong vòng 5 năm qua với giá thuê tăng và diện tích cho thuê cũng tương tự, ngay cả trong bối cảnh nguồn cung tăng. Giá thuê văn phòng hạng A tiếp tục dẫn đầu thị trường, tăng 2% trong quý đầu tiên của năm nay và 13% kể từ đầu năm 2018.

Trong 2 năm qua, mô hình không gian làm việc chung (co-working) đã phát triển mạnh mẽ tại TP.HCM, với tốc độ tăng trưởng hơn 90% mỗi năm và hiện có hơn 37.000m2, phần lớn trong số đó (56%) nằm ở khu vực trung tâm. Các tên tuổi đáng chú ý trên thị trường này bao gồm WeWork, Up, Dreamplex, Regus, Compass và Kloud. Những công ty này thường là các khách thuê mỏ neo ở nhiều dự án văn phòng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhận định: "So với Hà Nội thì TP.HCM có sự phát triển kinh tế tốt hơn, dòng vốn đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua cũng đổ vào TP.HCM nhiều hơn. Chính vì thế, có một số lượng không nhỏ người nước ngoài đến TP.HCM sinh sống và làm việc, làm gia tăng nhu cầu về dòng sản phẩm cao cấp bởi họ có những sự đòi hỏi khác biệt về đẳng cấp".

Cũng theo Phó Chủ tịch VARs, thị hiếu mua nhà khác nhau cũng là một nguyên nhân khiến cho các đối tượng có nhu cầu nhà ở hạng sang ở TP.HCM cao hơn ở Hà Nội. 

"Ở Hà Nội hiện nay chưa có dòng sản phẩm căn hộ có giá 300 - 400 triệu đồng/m2 trong khi TP.HCM đã có dòng sản phẩm này và vẫn bán được, lượng hấp thụ tốt", ông Đính cho hay.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng, có sự khác biệt về nguồn cung lẫn thanh khoản của phân khúc căn hộ cao cấp, hạng sang ở Hà Nội và TP.HCM là do khả năng sinh lời từ hoạt động sử dụng, kinh doanh căn hộ cao cấp và hạng sang ở TP.HCM tốt hơn ở Hà Nội. Cũng vì thế mà giá căn hộ cao cấp, hạng sang ở TP.HCM cao hơn so với Hà Nội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top