Aa

Bất động sản TP.HCM: Hàng loạt khách sạn trăm tỷ được chào bán

Thứ Năm, 27/08/2020 - 14:10

Hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ tại khu trung tâm TP.HCM đang được chào bán với giá hàng trăm tỷ đồng.

Kinh doanh ế ẩm, loạt khách sạn rao bán

Trong một báo cáo về thị trường khách sạn của Công ty JLL Việt Nam tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM mới công bố đã thể hiện bức tranh suy giảm thê thảm về doanh thu.

Sau quý I/2020 đầy biến động, công suất quý II chỉ đạt 12%. Áp lực từ công suất phòng thấp đã khiến giá thuê phòng khách sạn trung bình tại TP.HCM đạt 60 USD/phòng/đêm. Phân khúc 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế.

TP.HCM là trung tâm kinh tế, du lịch lớn nhất của cả nước, đón hơn 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, nhưng dịch Covid-19 làm suy giảm lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế khiến ngành công nghiệp không khói của Thành phố bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, lượng khách quốc tế tại Thành phố trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 69% theo năm xuống 1,3 triệu lượt. Trong nửa đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 47% so với 12 tháng qua và doanh thu lữ hành giảm 71% theo năm. Sau thời gian giãn cách xã hội, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 48% và doanh thu du lịch lữ hành giảm 96%.

kinh doanh khach san du lich gap kho
Ngành kinh doanh khách sạn, du lịch gặp khó khăn lớn do đại dịch Covid-29. Ảnh: Lê Toàn

Con số trên cho thấy bức tranh màu xám của ngành kinh doanh khách sạn tại TP.HCM. Trước khó khăn này, nhiều chủ khách sạn đã không thể chịu đựng được thêm nên rao bán khách sạn.

Mặc dù chưa có những con số được công bố cụ thể có bao nhiêu khách sạn đang được rao bán và giao dịch thành công ở TP.HCM, nhưng liên tục thời gian qua, trên các kênh rao bán địa ốc và mạng xã hội, những thông tin chuyển nhượng, rao bán khách sạn xuất hiện ngày càng nhiều.

Dọc trục đường Lý Tự Trọng, Thủ Khoa Huân, Lê Thánh Tôn hay Bùi Thị Xuân - nơi tập trung nhiều khách sạn trung và cao cấp đã bắt đầu xuất hiện nhiều khách sạn được rao bán với giá hàng trăm tỷ đồng.

Đơn cử, nằm gần vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, khách sạn 3 sao Alagon Saigon Hotel & Spa nằm trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) với quy mô 110 phòng, 8 lầu đang được rao bán giá với 230 tỷ đồng. Theo thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, khách sạn này hiện có hợp đồng cho thuê hơn 800 triệu đồng/tháng.

Cách đó không xa là đường Võ Văn Tần, một khách sạn 4 sao với 85 phòng nghỉ đang được rao bán với giá 380 tỷ đồng. Đây là mức giá đã được chủ khách sạn giảm 5% so với thời điểm cuối năm 2019.

Liên hệ với một số điện thoại hiển thị trên các tin rao bán, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Thành, giới thiệu một khách sạn 3 sao ở phường Bến Nghé (quận 1). Anh Thành cho biết, chủ khách sạn này đang rao bán với giá 190 tỷ đồng.

“Khách sạn này có 10 tầng, hơn 30 phòng và khách thuê dài hạn chiếm tới 40%. Tuy nhiên, do chủ khách sạn chịu áp lực lãi vay nhiều nguồn nên buộc phải bán ra”, anh Thành nói và thuyết phục thêm: “Nếu anh có thiện chí mua thì em có thể thuyết phục chủ khách sạn giảm giá hữu nghị”.

M&A khách sạn sẽ sôi động

Những thông tin rao bán khách sạn với giá hàng trăm tỷ trên các trang mạng xuất hiện ngày càng nhiều
Những thông tin rao bán khách sạn với giá hàng trăm tỷ trên các trang mạng xuất hiện ngày càng nhiều

Trong một báo cáo mới công bố mang tên “Định hướng phục hồi thị trường khách sạn", ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, tin tức về các ca nhiễm mới tại Đà Nẵng sẽ có tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí trên cả nước với từng mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, ông Mauro cũng kỳ vọng vào việc sẽ có nhiều giao dịch từ các công ty nước ngoài, các chủ sở hữu dự án bất động sản khác, cũng như các giao dịch từ các dự án khách sạn vừa và nhỏ trên cả nước sau dịch Covid-19.

“Chúng tôi cũng dự đoán sẽ có các giao dịch từ các chủ sở hữu nhiều loại hình bất động sản muốn thoái vốn khỏi khách sạn sau khi đánh giá các giải pháp tài chính ngắn hạn và giải pháp dòng tiền cho đến khi nhu cầu du lịch, khách sạn và doanh thu phục hồi”, ông Mauro nói.

Cũng theo chuyên gia của Savills, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tích cực theo dõi thị trường khách sạn cao cấp. Các cơ hội chuyển nhượng trong trung tâm thành phố được tiếp tục tìm kiếm, bởi hiện nay, quỹ đất ở trung tâm thành phố đã khan hiếm đất trống để phát triển dự án mới.

Là người thường xuyên tiếp xúc với nhà đầu tư, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam - công ty chuyên về tư vấn chuyển nhượng, mua bán (M&A) dự án bất động sản đánh giá, nhu cầu M&A khách sạn rất đa dạng, nằm ở nhiều phân khúc khác nhau, đặc biệt khách sạn hạng 4 và 5 sao trong thành phố, khách sạn gần điểm du lịch và bãi biển.

Ông Cần cho biết, một số nhà đầu tư trong nước với nguồn vốn sẵn có 500 - 600 tỷ đồng, đang ráo riết tìm mua khách sạn 4 - 5 sao vì giá cả đã “mềm” đi đáng kể so với trước dịch. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quan tâm thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.

Nhóm thứ nhất là các quỹ chuyên đầu tư khách sạn và khu nghỉ dưỡng từ những gia đình giàu có trên thế giới. Các quỹ này có chiến lược và tiêu chí rõ ràng cho thị trường Việt Nam. Với Covid-19, họ đều nhận thấy đây là cơ hội để mua lại các khách sạn 4 - 5 sao tại Hà Nội và TP.HCM, hay ở vùng biển như Phú Quốc, Nha Trang, Hội An. Danh mục đầu tư mà các quỹ này thường tiến hành (5 - 7 khách sạn) trị giá khoảng 50 - 70 triệu USD/khách sạn.

Nhóm nhà đầu tư nước ngoài thứ 2 là những công ty, tập đoàn nước ngoài đang hoạt động ở lĩnh vực khác (hàng tiêu dùng thiết yếu, thiết bị y tế) tại Việt Nam. Các nhà đầu tư muốn nhân cơ hội này để mua lại các cơ sở khách sạn nghỉ dưỡng gặp khó và lấn sân đầu tư sang lĩnh vực khách sạn.

Còn bà Đỗ Thị Thu Giang, quản lý cấp cao Bộ phận Định giá và Tư vấn tài chính Savills TP.HCM tin tưởng, ngành du lịch, khách sạn Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh chóng sau dịch.

“Trước tiên là lực kích cầu từ khách nội địa đang chiếm tỷ trọng lớn. Hơn nữa, 2 thị trường khách du lịch lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc cũng cho thấy dấu hiệu Covid-19 bị đẩy lùi thông qua việc nới lỏng giãn cách xã hội”, bà Giang nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng cho rằng, khi Covid-19 lắng xuống, hoạt động định giá khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sôi động hơn, do các yêu cầu của nhà đầu tư về việc tái cơ cấu danh mục đầu tư, hay yêu cầu của các định chế tài chính về việc xác định lại giá trị tài sản đảm bảo, hoặc của các bên mua và bán muốn tiến hành giao dịch.

“Khi Covid-19 bị đẩy lùi ở Việt Nam và trên thế giới, thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi nhanh, chúng ta chắc chắn có thể kỳ vọng quy mô số lượng cũng như giá trị giao dịch khách sạn sẽ sôi động trở lại”, bà Giang kỳ vọng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top